Trên đỉnh Ba Thê

13/12/2014 08:00 GMT+7

Chiều trên đỉnh Ba Thê nhìn xuống cánh đồng Tứ giác Long Xuyên bạt ngàn khiến lòng lữ khách thêm thư thái. Chỉ tay về hướng Tây Nam, đại đức Thích Bảo Siêu, Trụ trì chùa Sơn Tiên, nói đó là biển Hà Tiên và Ba Hòn (Kiên Giang), còn chếch về hướng Tây Nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ…

 Ba Thê thu hút khách tham quan du lịch
Ba Thê thu hút khách tham quan du lịch - Ảnh: Hồng Ánh

Nhiều giai thoại

Về tu trên đỉnh Ba Thê hơn chục năm, đại đức Thích Bảo Siêu rất am tường cảnh vật cũng như những chuyện xưa ở chốn non cao này. Ông nói: “Nghe đâu ngày xưa ở núi này từng có một người đàn ông lên tu. Do lòng trần chưa sạch nên chiều chiều ông ra sau núi nhìn xa xăm nhớ 3 người vợ, đến khi chết đã hóa thành hòn Vọng Thê. Sau này, người dân đặt là núi Ba Thê. Tuy nhiên, đó chỉ là tương truyền thôi…”.

Theo đại đức Thích Bảo Siêu, chùa Sơn Tiên được hòa thượng Thích Huệ Sanh lập ra để ở ẩn tu luyện. Trước đây, do núi rừng hoang sơ, hiểm trở, ít người lên núi lập nghiệp nên ngôi chùa chỉ cất bằng tre lá. Sau này, đường được làm lên tận đỉnh núi, nhà chùa mới chở nước và mua vật liệu xây dựng lên trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa. Ngày nay, chùa Sơn Tiên được nhiều du khách biết đến không chỉ vì có phong cảnh đẹp mà còn ẩn chứa nhiều giai thoại huyền bí của cư dân đi mở cõi.

Đại đức Thích Bảo Siêu cho biết: “Theo người xưa kể lại, vùng đất Ba Thê ngày trước từng là biển. Do biến đổi của thiên nhiên, biển đã “lùi bước” nhường lại dãy đất liền và núi Ba Thê lẻ loi cho đến nay. Tại Ba Thê có nhiều nền móng, kiến trúc còn sót lại của Vương quốc Phù Nam. Cạnh chùa Sơn Tiên có một tảng đá to trên bề mặt tảng đá có in dấu bàn chân trái “khủng”. Theo truyền thuyết, đây chính là bàn chân của một vị tiên”.

Ở vùng Bảy Núi cũng từng hiện hữu nhiều bàn chân tiên tại núi Cấm, núi Trà Sư, núi Cậu, núi Tô... Những tiền bối ở đây nói vui rằng, chắc xưa kia các vị tiên bước qua năm non bảy núi, rồi in dấu lại để con cháu đời sau ghi nhớ. Những suy nghĩ dân gian truyền miệng mang đầy màu sắc tâm linh, huyền bí phần nào đã nói lên được tính cách hào phóng và mộc mạc của cư dân thời bấy giờ...

Cách chùa Sơn Tiên không xa là Bảo tàng Óc Eo với phong cách kiến trúc rất giống những đền đài của các nước vùng Nam Á; trong đó, dấu ấn của Hindu giáo thể hiện rất rõ qua kiến trúc mái vòm. Các mặt vách chung quanh công trình đều có tượng thần Ganesha mình người, đầu voi, ngồi với tư thế nghiêm trang, nửa như trầm mặc thiền định, nửa như răn đe canh giữ. Khu nhà trưng bày có tam cấp cửa chính nằm ở phía mặt trời mọc, là nơi ngự trị của các thần linh theo quan niệm Ấn Độ giáo.

Địa chỉ du lịch hấp dẫn

Hiện nay, đường lên núi Ba Thê có 2 ngã rẽ: một ngã lên đỉnh có chùa Sơn Tiên, một ngã quay về hướng hang Ông Hổ, bụng Ông Địa, Thạch Đại Đao và chót Ông Tà. Nếu rẽ về hướng chót Ông Tà, du khách sẽ thấy một chiếc đao bằng đá khổng lồ được dân gian  gọi là Thạch Đại Đao.

Ông Nguyễn Thuận Thảo, Phó giám đốc Khu di tích văn hóa Óc Eo, giải thích: “Theo những bậc tiền bối kể lại, ngày trước núi Ba Thê có nhiều kim loại sắt lẫn trong đá nên khi trời mưa xuống đỉnh núi Ba Thê từng bị sét đánh dữ dội. Sau đó, người ta phát hiện một tảng đá bị chẻ thành một mảnh tựa như cây đao và dựng lên để thờ. Thế nhưng, sau đó trời đổ mưa, cây đao tiếp tục bị sét đánh ngã, dân ở đây sợ quá nên dùng đòn bẩy xeo rơi xuống vực. Sau này, thiên nhiên bớt hà khắc, người dân dùng ròng rọc kéo Thạch Đại Đao dựng trên chót núi và lập miếu tiếp tục thờ”. Hiện nay, cây đại đao đứng hiêng ngang giữa đất trời. Ông Thảo dí dỏm: “Nếu như truyện Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung, nhân vật Tạ Tốn sở hữu Đồ Long Đao thì người dân xứ Ba Thê sở hữu Thạch Đại Đao. Nói vui vậy, nhưng Ba Thê vẫn là địa chỉ hấp dẫn đối với du khách xa gần”.

Hồng Ánh

>> 20 năm khai thác, phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên
>> Áp lực lũ vùng Tứ giác Long Xuyên
>> Nhìn xa cho tứ giác Long Xuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.