Tôi lại nghĩ tất cả mọi thứ đều phải có hình hài, và những thứ trong tim cần được nói ra.
Hồi đó, tôi thích leo lên đồi cao nhìn xuống đồng lúa. Tôi hy vọng sẽ vẽ được hình thù của gió trên những cánh diều đang bay, và vẽ được hình dáng của mây đang in những bóng râm trên ruộng lúa.
Cũng có lúc tôi đứng dưới chân đồi để nhìn trăng lên. Núi lam chiều như những nét thủy mặc sẫm tối làm nền cho một mảnh trăng khuyết mong manh bàng bạc lấp lánh như vừa từ một nơi xa xôi nào trôi dạt về đây. Dù đến từ cõi thực hay cõi mộng, thì vầng trăng ấy cũng đã hiện rõ hình hài.
Đến như mùa xuân, tưởng là một khái niệm trừu tượng, thế mà Hàn Mặc Tử chẳng đã vẽ lên bức chân dung kỳ diệu đó sao:
“Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”
Nếu không có hình hài thì làm sao có “bóng xuân sang” được? Rõ ràng trong mắt thi sĩ, mùa xuân không chỉ có hình có ảnh để in bóng lên “giàn thiên lý”, mà mùa xuân còn biết sải bước để “sang” cùng chúng ta. Mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử vừa cụ thể, vừa sinh động. Đến độ tôi hình dung ra ngay gương mặt “nàng xuân” của ông. Đó là một gái quê sáng bừng rực rỡ, gương mặt tỏa ra ánh sáng như màu của nắng non pha với màu của bông thiên lý, và mái tóc nàng buông dài như dây thiên lý đang buông. Đúng rồi, mùa xuân nhất định phải là một gái quê trong bộ xiêm y màu lá non. Tôi không thể nào hình dung nổi nếu ai đó nói với tôi rằng nàng xuân không có mái tóc dài và chẳng mặc áo màu xanh!
Thế mà cậu bảo, nỗi nhớ không hình!
Nỗi nhớ không hình mà tim ta biết đau, biết bâng khuâng những chiều vàng đã mất? Nếu trôi về ngày cũ, ta có đi tìm nhau?
Ngày Sài Gòn trở lạnh
Bình luận (0)