Phây (facebook) bây giờ 'phủ sóng' khắp nơi. Từ thành thị đến nông thôn hầu như nhà nào cũng có người chơi phây.
Minh họa: DAD |
Cả nhà “kết bạn” trên phây
Do tính xã hội sâu rộng, hiệu ứng tức thời và tính tương tác hấp dẫn của phây nên nhiều gia đình vợ phây, chồng phây, con phây đến... ngất ngây mây gió.
Vợ chồng ông H. vừa về hưu và đang trở thành “con nghiện” của phây. Ông bà suốt ngày hỏi cháu, hỏi con và hỏi nhau làm sao đăng hình, làm sao viết lời bình, làm sao kết bạn? Khi đã “sạch nước cản” rồi thì ông bà chuyên tâm tìm hiểu kỹ thuật câu view, câu like như thế nào? Viết “sì ta tút” (trạng thái) ra sao cho giật gân và ấn tượng? Và rồi ông bà lọ mọ thế nào lại... kết bạn với nhau trên phây. Họ nói trong cái thế giới ảo của phây, họ đã phát hiện nửa kia của mình cũng... lung linh tình tứ lắm.
Anh con trai nói với vợ, ông bà thế này lại hóa hay em à. Đi làm về thấy phòng mẹ màn hình sáng, bà cười mím chi, hí hoáy bên bàn phím. Phòng ba, cái láp tóp cũng đang bật lên, ông cười mủm mỉm, cặm cụi gõ một câu gì. Vui chứ hả em? Vợ nói vui thì vui nhưng em sợ có lúc ổng bả... ngậm ngùi đó anh. Mình đang trẻ, còn công việc, con cái, nhà cửa, cơ quan, mình điều chỉnh được cảm xúc và thời lượng dành cho phây. Còn ba mẹ, rảnh quá ôm máy mà phây miết cũng... rất tiếc anh à. Hồi đầu năm học tới giờ, vợ chồng mình cứ thay nhau đi họp phụ huynh, kèm cặp, trò chuyện, giúp đỡ hai đứa nhỏ học hành chứ có nhờ ông bà được tí nào đâu?
Chồng cũng đã cảm nhận được những lăn tăn của vợ. Chồng hỏi em đã “kết bạn” với ba mẹ chưa? Anh thì kết rồi. Em cũng nên kết đi kẻo ông bà giận. Ổng viết thế này làm sao không kết được chứ: “Đã hơn một tuần nay vợ chồng nó phớt lờ yêu cầu kết bạn của mình. Chắc tụi nó nghĩ mình chưa xứng đáng. Ôi cái thời buổi con cái xét nét với ngay cả những người sinh ra mình”. Vợ cười cười, nói em cũng vừa kết nhưng... mắc cỡ muốn chết. Ai lại mình gặp ông bà hằng ngày, giờ kết bạn trên phây em thấy sao sao á.
Do tui nóng... wé
Thực tình anh cũng rất đồng cảm với cái “sao sao” của vợ. Anh mở phây cho vợ coi những dòng “tám” của hai người. Mẹ viết: “Bữa nay mìn thấy bùn. Khg bít ai bên kja có như mìn khg?”. Ba trả lời: “Mùa thu bao phủ nỗi bùn. Khg bùn mới là chiện lạ”. Ba viết: “Giá như mìn còn trẻ nhỉ, sẽ tun tăg ngoài fố”. Mẹ còm: “Già hay trẻ là ở trái tjm”. Vợ anh bụm miệng cười sục sục, cười đến đỏ cả mặt. Anh thì nhăn nhó, nghĩ không ra vì sao ba mẹ lại bắt chước lối viết rối rắm của giới “teen” như vậy.
Gần đây hai “sếp” thi nhau chụp lại ảnh cũ của mình, thời niên thiếu có, thanh niên có, cả ảnh cưới cũng có, rồi đăng lên phây. Bạn bè của ba mẹ nhảy vào còm tùm lum. Có một bà nhắc thuở rung động đầu đời với ba, hỏi ba còn lưu mấy bức thư tình của tuổi hồng thơ ngây không? Có một ông khen mẹ hiện giờ vẫn giữ được nét đẹp mà ngày xưa ông đã từng... mất ngủ. Ba trả lời, “nhắc làm chi những phút xao lòng, ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ”. Mẹ thì còm rằng “Xin lỗi vì tui đã làm ai đó trằn trọc canh thâu. Mà thôi, gợi lại làm gì anh nhỉ. Chẳng qua là mình không duyên không nợ”.
Chuyện thì ảo thôi, vớ vẩn thôi, như gió như mây thôi. Vậy mà hai người cãi nhau thì rất... thật. Ban đầu mỉa mai, mát mẻ nhau trên phây. Người nọ nói người kia là còn “một khoảng trời riêng”. Người kia nói người nọ là “có ai biết trong tro còn lửa”. Sau chắc gõ phím mỏi tay nên hai người lôi chuyện bóng gió ghen tuông xuống phòng ăn. Cặp vợ chồng trẻ phải mất mấy đêm năn nỉ hai “phây thủ”. May sao hồi tối mở phây, thấy ba viết: “Tui xin lỗi, do tui nóng wé”. Mẹ trả lời: “Bít lỗi là tôk rồi”.
Bình luận (0)