Sau hàng chục năm luật Doanh nghiệp đi vào hoạt động, khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 20.3 vẫn cho thấy một thực trạng rất cũ. Đó là môi trường cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng giữa các thành phần DN. Đa số các DN tư nhân đều cho rằng, các DN có mối quan hệ, DN có lãnh đạo từng là quan chức nhà nước thường được ưu ái hơn trong tiếp cận vốn, đất và các hợp đồng mua sắm. Đây là một thực tế. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2013, chỉ 127 tập đoàn - tổng công ty đã nợ lên tới 1,3 triệu tỉ đồng trong đó rất nhiều "ông lớn" có số nợ lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Tất nhiên, để có thể nợ lớn, họ phải được vay lớn. Trong khi đó, DN tư nhân, đặc biệt là DN vừa và nhỏ rất khó vay vốn ngân hàng. Như vậy, sự bình đẳng trong tiếp cận vốn là không có. Quan trọng hơn, tư duy được coi là đột phá của luật Doanh nghiệp là chuyển từ cơ chế xin - cho sang tôn trọng quyền và bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã không được thực hiện.
Ngay tại lúc này, hàng ngàn DN đang chết dở, sống dở vì bị cơ quan thuế buộc phải thu hồi các hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đã phát hành từ tháng 3 về trước để hủy, đồng thời phải sử dụng hóa đơn bán hàng mua từ cơ quan thuế. Đáng nói là chính cơ quan này trước đó đã cho phép các DN được phát hành hóa đơn để sử dụng. Cũng tương tự, thời điểm cuối năm 2013, hàng loạt DN ngã ngửa khi bỗng dưng bị nhà thuế truy thu hàng tỉ, có công ty hàng trăm tỉ đồng thuế thu nhập DN. Nguyên nhân cuối cùng cũng vì chính sách ưu đãi thuế thiếu nhất quán, thậm chí "đá" nhau... Sự thay đổi liên tục, thay đổi đột ngột của chính sách thuế nói riêng và nhiều cơ chế, chính sách khác nói chung thực sự là vấn đề lớn, tồn tại như một khối u trong môi trường đầu tư của VN nhưng vẫn không được giải quyết. Nếu ai đã theo dõi Hội nghị các nhà tài trợ (đã đổi tên thành Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam) hàng chục năm nay sẽ thấy, chính sách thiếu ổn định là đề tài được các nhà đầu tư nước ngoài than phiền nhiều nhất. Nó trở thành nỗi ám ảnh, khiến họ lo lắng và phải nâng lên đặt xuống nhiều lần khi cân nhắc đầu tư vào VN. Nhưng như nói trên, nó vẫn diễn ra thường xuyên và ở khắp nơi. Vẫn làm khổ DN và quan trọng hơn là ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh cũng như việc cạnh tranh thu hút đầu tư của chúng ta với các nước trong khu vực.
"Đi ngược" rõ nét và kinh khủng nhất có lẽ là vấn đề giấy phép con và thủ tục hành chính. Đây là một trong các mục tiêu lớn của luật Doanh nghiệp cũng như luật Doanh nghiệp sửa đổi (năm 2005) nhằm tạo môi trường thông thoáng, để người dân thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường. Nhưng có nhà đầu tư 10 năm chưa thể hoàn thành bộ hồ sơ triển khai dự án chung cư; chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng hiện nay có tới 400 văn bản hướng dẫn khác nhau; giới đầu tư bất động sản thuộc làu công thức "33 thủ tục + 3 năm = 1 dự án"... Có nhà đầu tư đã phải ngao ngán thốt lên "DN chúng tôi như người ăn xin"...
Rồi chuyện lấn sân, vừa quản lý - vừa kinh doanh; những đề xuất siết, cấm, hạn chế; những loại thuế - phí, những lệ làng được đặt ra bủa vây và kìm hãm sự phát triển của các DN.
Điểm lại vài câu chuyện để thấy, từ luật xuống dưới các văn bản dưới luật, đặc biệt là việc thực thi ở các cơ quan, các đơn vị công quyền, các địa phương là cả một chặng đường dài có thể làm sai lệch, méo mó tinh thần, mục đích của luật. Đó là lý do, điều mà những người soạn thảo luật, các chuyên gia kinh tế và đặc biệt là các DN mong mỏi ở luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là vực dậy và giữ vững tinh thần của luật Doanh nghiệp. Đó là giảm thiểu mọi thủ tục không cần thiết, tạo môi trường thông thoáng để mọi DN, người dân có thể bình đẳng cạnh tranh, bình đẳng kinh doanh.
Nguyên Hằng
>> Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi: Phù hợp thông lệ quốc tế
>> Thực hiện Luật Doanh nghiệp: Còn vô số "thủ tục nhánh, cành
>> Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư - Luật Doanh nghiệp: Có "mở" nhưng chưa đủ
>> Đề nghị hành nghề môi giới bất động sản phải theo Luật Doanh nghiệp
Bình luận (0)