Treo bản đồ Việt Nam: Nuôi dưỡng tình yêu quê hương

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
27/12/2023 07:00 GMT+7

Rất nhiều ý kiến cổ vũ cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" với nội dung tuyên truyền, tổ chức treo bản đồ Việt Nam tại nơi học tập, lao động, làm việc.

Thầy Nguyễn Minh Thượng (27 tuổi), giáo viên bộ môn lịch sử và địa lý Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM), nhận xét đây là cuộc vận động giáo dục thế hệ trẻ nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên. Bản đồ Việt Nam là biểu tượng của chủ quyền quốc gia và niềm tự hào của mỗi người dân. Treo bản đồ Việt Nam trong không gian học tập, làm việc và sinh hoạt cộng đồng sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Treo bản đồ Việt Nam: Nuôi dưỡng tình yêu quê hương- Ảnh 1.

Anh Phạm Vĩnh Lộc (trái) đánh giá rất cao cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” trong việc giáo dục lòng yêu nước với người trẻ

NVCC

"Hoạt động này là hình thức tuyên truyền trực quan, giúp mọi người có thêm thông tin, kiến thức về đặc điểm địa lý, hành chính của đất nước. Đồng thời đây cũng là hành động cụ thể để khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước", thầy Thượng chia sẻ.

Thầy Thượng cũng cho biết thầy luôn chuẩn bị những bài giảng sinh động, chia sẻ hình ảnh bản đồ, vị trí quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, những địa danh ý nghĩa của đất nước, giúp học sinh hiểu được sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền và có nhận thức đúng về biển, đảo, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu quê hương, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc.

Còn anh Phạm Vĩnh Lộc (33 tuổi), đồng sáng lập của dự án Vietales - Chuyện người Việt kể, cho rằng cuộc vận động của T.Ư Đoàn rất hay. Việc treo bản đồ là rất tốt, tuy nhiên anh hy vọng sẽ có thêm các buổi hướng dẫn và giải thích sinh động để giới trẻ hiểu rõ.

"Mình từng ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thăm Nhà lưu niệm hải đội Hoàng Sa. Và là một người tìm hiểu lịch sử, mình ý thức rất rõ tầm quan trọng của biển đảo đối với sức mạnh của một quốc gia. Mình thấy rất nhiều người chưa hiểu đúng được tầm vóc và ý nghĩa của các quần đảo. Biển không chỉ là vùng không gian toàn là nước, mà nó còn bao gồm cả tài nguyên như thực phẩm, dầu lửa, khoáng sản, nguyên liệu... và vị trí chiến lược để tăng thêm sức mạnh cho quốc gia", anh Lộc nói.

Cũng theo anh Lộc, hình ảnh bản đồ có đủ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim anh vô cùng đặc biệt. Anh là người Khánh Hòa, địa phương phụ trách quần đảo Trường Sa. Mỗi lần dẫn khách tham quan TP.Nha Trang, anh đều đưa họ đến Viện Hải dương học để ngắm bản đồ và sa bàn vùng biển. Trong các bài viết của Vietales, anh luôn dặn kỹ đồng nghiệp rằng bản đồ Việt Nam bắt buộc phải có Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phải điểm thêm các đảo khác để trọn vẹn như: Phú Quốc, Côn Đảo, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ…

"Đối với mình, một người trẻ biết phát ngôn, bênh vực về chủ quyền quốc gia là rất tốt, tuy nhiên đi kèm với đó nên là hiểu biết nhất định về tầm quan trọng của địa lý Việt Nam trong nước và trên cục diện quốc tế. Việc nghiêm túc trang bị kiến thức về chủ quyền quốc gia, tự thân đó cũng là yêu nước. Ít nhất cũng nên tìm hiểu vì sao chính sách tương lai của quốc gia là hướng biển, hướng về phía Đông. Người trẻ nên hiểu về đất nước mình, hiểu rồi mới yêu", anh Lộc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.