Ngày 18.5, đoàn công tác của Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã xuống thăm, tặng quà gia đình anh hùng liệt sĩ, thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ ở xã Quảng Kê, H.Quảng Xương.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ của gia đình, anh Vũ Xuân Thế (em ruột anh Trừ) kể: “Mấy năm nay chị Tần (vợ anh Trừ) gửi nhà cửa vườn tược cho tôi trông nom để vào TP.HCM làm ăn, nuôi con học đại học. Cũng may, hai đứa con anh Trừ rất ngoan, giờ đã có công ăn việc làm ổn định. Vũ Hải Đăng (con trai đầu của anh Trừ) hiện nối nghiệp cha làm bộ đội hải quân, cháu đang công tác ở chính đơn vị mà xưa kia bố mình từng công tác, chiến đấu. Đó là Hải đội 1, Lữ đoàn 125 Hải quân. Còn em nó là Vũ Xuân Khoa hiện đã tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm việc tại Tân Cảng TP.HCM”. Anh Thế cũng cho biết từ 2 tháng nay, Vũ Hải Đăng đã nhận lệnh ra trực ở Trường Sa.
|
Chúng tôi điện thoại cho chị Nguyễn Thị Tần để hỏi thăm sức khỏe và nghe chị kể về anh Trừ lúc chị đang giải lao giữa giờ làm việc. Chuyện anh Trừ hy sinh với chị như chỉ mới hôm qua, giọng chị nghẹn ngào nhưng mạch lạc: “Ngày đó, mỗi lần gửi thư về, anh Trừ chỉ toàn kể chuyện vui và hỏi thăm sức khỏe gia đình chứ tuyệt nhiên không thấy anh ấy nói gì đến chuyện đi biển gian khổ thế nào… Năm 1987, được về quê nghỉ phép tới gần 3 tháng trời, anh cũng chỉ động viên tôi yên tâm ở nhà vì “bộ đội thời bình có gì đâu mà gian khổ”. Anh còn dặn sau này cu Đăng lớn lên nhất định sẽ cho vào hải quân. Hóa ra anh chỉ nói để tôi yên lòng, chứ thực sự đó là những ngày tháng mà anh và các đồng đội đang phải hằng ngày đối diện với hiểm nguy trước sự gian tham của kẻ thù. Rồi chị Tần nhận được tin anh Trừ hy sinh ở Trường Sa. Đất trời như sụp đổ. Nhưng chị đã vượt qua nỗi đau, thay chồng chăm sóc bố mẹ già và con dại. Nhớ lời anh dặn, năm Vũ Hải Đăng 18 tuổi, chị đã chấp thuận cho Đăng vào bộ đội hải quân, vào chính đơn vị mà xưa kia anh Trừ công tác.
|
Được biết, ngày ấy tàu HQ 604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng nhận nhiệm vụ chở quân, lương thực và vật liệu ra bảo vệ và xây dựng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa trong chiến dịch CQ-88. Trong hải trình từ đảo Đá Lớn đến Gạc Ma, tàu HQ 604 gặp phải sự khiêu khích và ngăn chặn của các tàu Trung Quốc. Nhưng với bản lĩnh của người thuyền trưởng kiên gan, Vũ Phi Trừ đã chỉ huy, điều khiển HQ604 giữ nguyên hướng và tốc độ tiến thẳng đến vị trí đã định, thả neo và chốt giữ đảo Gạc Ma. Đêm 13.3.1988, Vũ Phi Trừ đã cùng với chỉ huy chốt giữ đảo và lực lượng công binh tổ chức cắm cờ Tổ quốc trên đảo.
4 giờ 30 ngày 14.3.1988, khi Vũ Phi Trừ đang chỉ huy bộ đội chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo, thì hai tàu cỡ lớn của địch tới bao vây chĩa pháo uy hiếp, đồng thời dùng loa gọi ta rút ra khỏi đảo Gạc Ma. Không chịu lùi bước, Vũ Phi Trừ đã lớn tiếng trả lời: “Hãy ra khỏi khu vực này, đây là lãnh thổ Việt Nam". Trước tình hình cấp bách ấy, Vũ Phi Trừ đã cùng với Trần Đức Thông báo cáo tình hình về sở chỉ huy và xây dựng phương án đánh trả địch nếu chúng tấn công ta.
Ngay sau đó, địch đã đổ quân lên đảo để nhổ cờ, trước sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta. Một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra giữa những người lính Việt Nam với lũ giặc hung bạo và đông đúc. Tàu địch sau đó lùi ra xa, và nã đạn khiến tàu HQ 604 bị hư hỏng nặng. Trước tình hình đó, Vũ Phi Trừ đã trực tiếp dùng AK, B40 chiến đấu và chỉ huy điều khiển tàu che chắn những làn đạn cho đồng đội trên đảo Gạc Ma. Rồi anh bị thương nặng và hy sinh, con tàu HQ 604 cũng chìm dần xuống biển. Ghi nhận công lao bảo vệ Tổ quốc của anh, năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đại úy Vũ Phi Trừ.
Rời nhà anh Trừ, chúng tôi đến thăm gia đình đồng đội của anh là liệt sĩ Đỗ Viết Thắng (ở nhà gọi là Thanh), người lái trưởng quả cảm của tàu HQ 604. Anh Thắng hy sinh khi mới 23 tuổi, để lại người vợ trẻ mới 22 tuổi và đứa con gái mà anh chưa một lần được nhìn mặt.
Dù đã 81 tuổi và là thương binh chống Pháp, ông Đỗ Viết Công (bố anh Thắng) vẫn còn nhanh nhẹn lắm: “Nhà tôi có 12 đứa con, trai gái chi tôi cũng cho vô bộ đội hết. Thắng là người sáng dạ lắm, mới 22 tuổi đã làm lái trưởng rồi. Tết năm 1988, nó báo tin được nhà nước tuyển chọn cho đi đào tạo về hàng hải ở nước ngoài. Thời gian đi được ấn định vào tháng 7.1988. Gia đình mừng lắm, nhất là vợ nó, nhưng rồi nó đã nằm lại ở Gạc Ma. Chỉ khổ vợ nó cứ ở vậy vò võ nuôi con…”.
Con gái của anh Thắng là Đỗ Thị Thu đang làm việc tại Công ty cao su Thanh Hóa và đã có chồng cùng một đứa con xinh xắn. “Từ bé, em đã không có được sự nâng niu, chăm sóc của bố, nhưng lúc nào em cũng rất tự hào là con gái của bố. Sự hy sinh của bố đã góp phần cho Tổ quốc mình giữ vững được chủ quyền”, Thu nói. Hôm nay 19.5, đoàn công tác tiếp tục gặp gỡ, trao quà cho 4 gia đình liệt sĩ Gạc Ma tại huyện Hoằng Hóa và Tĩnh Gia.
Cao Ngọ - Tấn Tú - Ngọc Minh
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Về quê hương anh hùng Trần Văn Phương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị
Bình luận (0)