Do công tác đột xuất, nên chị Trần Thị Tuyến (vợ liệt sĩ An, hiện đang công tác ở Lữ đoàn 679 Hải quân) không có ở nhà, chỉ có cháu Nguyễn Tiến Anh (con trai anh An) cùng với ông nội và bà ngoại tiếp chúng tôi.
Kể về cậu con trai cả của mình, ông Nguyễn Văn Oánh (bố liệt sĩ An) vẫn còn nhớ như in từng chi tiết. Năm 1992, khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Văn An đã nhập ngũ trở thành người lính Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau khi huấn luyện ở Hải Phòng, An đã được điều động vào TP.HCM học kỹ thuật cơ điện hải quân rồi anh được biên chế phụ trách cơ điện trên tàu HQ 07. Năm 1996, sau khi cưới vợ xong, anh được điều động ra nhà giàn công tác. “Vẫn biết đi nhà giàn thì vô cùng gian khổ, nhưng nhiệm vụ cấp trên giao, nên nó đã hăng hái lên đường. Trước khi đi nhà giàn, nó được đơn vị cho nghỉ phép ít ngày, ở nhà nó cứ động viên tôi là bố cứ yên tâm, con ra đó chỉ có tốt lên thôi”, ông Oánh bùi ngùi.
Giữa biển khơi, An nhận được niềm vui lớn khi hay tin vợ đã sinh cho anh một cậu con trai kháu khỉnh. Anh viết thư về đặt tên con là Nguyễn Tiến Anh với ước vọng cậu con trai thông minh, tiến bộ. “Ngày ấy thông tin liên lạc khó lắm, cả xã chỉ có mỗi cái máy điện thoại của UBND xã thôi. Vậy nên nó chỉ điện được một lần cho ông ngoại của Tiến Anh đang làm cán bộ ở xã. Nó nhắn rằng cuối năm sẽ được về phép chơi với con... Vậy mà”, ông Oánh thở dài.
Đêm 12 rạng ngày 13.12.1998, cơn bão số 8 đã ập tới với sức mạnh hủy diệt có thể nhấn chìm bất cứ thứ gì xuống đáy biển trên đường nó đi qua. Trước tình thế hiểm nghèo, đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn 2A/DK1/6 Phúc Nguyên đã ra lệnh cho đồng đội rời khỏi nhà giàn xuống tàu về đất liền tránh bão, còn anh cùng Nguyễn Văn An và Lê Bích Hồng ở lại chống chọi với bão dữ. Khi nhà giàn có nguy cơ đổ sụp xuống trước sóng gió, thiếu úy Nguyễn Văn An cố gắng liên lạc lần cuối với đất liền. Và anh đã liên lạc với người đồng đội cũ đồng thời cũng là người đã huấn luyện anh. Qua làn sóng điện đàm chập chờn, chị Vân (nhân viên báo vụ của Lữ đoàn 602) chỉ có thể hình dung An và các đồng đội đang phải chống chọi với bão lớn giữa mênh mông biển cả. “Nếu em không về, nhờ chị về gia đình báo tin cho bố mẹ và vợ em nhé. Xin chào đồng đội. Vĩnh...”, đó là câu nói cuối cùng của An. Câu nói đã khiến đồng đội của anh trĩu nặng mãi đến hôm nay.
Giờ đây cháu Nguyễn Tiến Anh - con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn An đã lớn và hiện đang là học sinh lớp 9. Ông Oánh bảo: “Chả hiểu sao, nhưng nó chỉ thích đi biển thôi. Nó bảo học xong cấp 3 sẽ thi vào Học viện Hải quân, nếu không đậu sẽ xung phong đi bộ đội hải quân theo nghề của bố”. Nghe ông nội nói, Tiến Anh chỉ cười hiền, nhưng chúng tôi tin đó là khát vọng lớn lao có thật của cậu bé sớm tự lập này. Có một niềm tự hào rất lớn trong ánh mắt của Anh khi nhắc về người cha mà chưa một lần cậu nhìn thấy mặt.
Chương trình Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1 do Báo Thanh Niên tổ chức với sự hỗ trợ của nhãn hàng Mì Gấu Đỏ của Công ty CP thực phẩm Á Châu. Mỗi gia đình liệt sĩ sẽ được trao 20 triệu đồng và quà, tổng giá trị của chương trình hơn 200 triệu đồng. |
Cao Ngọ - Ngọc Minh
>> Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1: Quên mình cứu đồng đội
>> Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1 - Ôm cờ Tổ quốc vào lòng
>> Kỷ niệm 23 năm ngày thành lập Tiểu đoàn DK1
>> Thăm gia đình liệt sĩ nhà giàn DK1 ở Quảng Trị
>> Đến với thân nhân liệt sĩ DK1 đất Quảng Bình
>> Tri ân liệt sĩ Nhà giàn DK1
Bình luận (0)