Người già ngủ ít hơn người trẻ tuổi. Đó là thực tế ai cũng đều biết, nhưng giới khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân. Nghiên cứu mới của Đại học California tại Berkeley (Mỹ) cho rằng người lớn tuổi cũng có nhu cầu ngủ tương tự nhóm trẻ hơn, nhưng chính vì sự suy thoái của các tín hiệu não bộ đã khiến họ không nghỉ ngơi với thời lượng như mong muốn, theo trang Popular Science.
Mỗi khi ngủ, con người tiến vào 4 giai đoạn, một trong số này là giấc ngủ sóng ngắn (SWS), và mục tiêu của nó là khôi phục chức năng cho não bộ và cơ thể. Người lớn tuổi mất nhiều thời gian hơn để đi vào giấc ngủ và giật mình thường xuyên hơn trong đêm, nhưng điều quan trọng nhất là họ dành ít thời gian cho trạng thái SWS. Chất lượng giấc ngủ bắt đầu giảm sút vào cuối những năm 20 hoặc con người bước qua ngưỡng 30 tuổi, và từ đó liên tục giảm dần. Đến thời điểm con người được 50 tuổi, tính theo trung bình, họ ngủ ít hơn lúc 20 tuổi đến 50%. Đó là lý do tại sao người lớn tuổi có thói quen thức giấc trong đêm trong khi cánh thanh niên “ngủ say như chết”.
tin liên quan
Coi chừng bạn bị rối loạn giấc ngủ mà không hay biếtCó những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ và hoàn toàn không biết mình bị rối loạn giấc ngủ.
Để tìm hiểu nguyên nhân, trưởng nhóm Matthew Walker, Giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học, chủ nhiệm Phòng thí nghiệm ngủ và hình ảnh học thần kinh, nhấn mạnh giấc ngủ đóng vai trò then chốt cho mọi động vật. Mỗi cơ thể đều dựa vào điều này để hoạt động theo đúng chức năng vốn có. Đội ngũ Berkeley xem xét dữ liệu ngủ của 2 triệu người và lưu ý những thay đổi trong các mô hình giấc ngủ. Kế đến, họ kiểm tra từng mô hình và xung động thần kinh ở chuột. Kết quả cho thấy cường độ của các tín hiệu hóa học kích hoạt giấc ngủ trong não chuột bị suy giảm khi chuột già đi. Thế là não bộ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp nhận tín hiệu, đẩy độ tuổi này vào tình trạng khó ngủ đủ giấc.
tin liên quan
Lợi đủ điều khi bạn ngủ đủ giấcNgủ đủ giấc tăng cường sức khỏe và hạnh phúc, bởi khi đó sẽ giúp các tế bào tự sửa chữa và phục hồi.
Chuyên gia Walker mô tả tình trạng trên giống như một ăng ten vô tuyến bị yếu dần. “Tín hiệu vẫn phát đi, nhưng ăng ten không thể bắt được thông điệp”, ông giải thích. Walker cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu ngủ góp phần khiến con người già đi, hoặc cũng có thể ngủ ít và lão hóa có tác động tương hỗ, theo kiểu già đi làm thiếu ngủ và ngủ thiếu càng khiến các dấu hiệu lão hóa ập đến mau hơn. Giấc ngủ ngon có ý nghĩa quan trọng hơn, so với việc con người dựa vào cà phê để tỉnh táo hoặc xua đi tâm trạng cáu kỉnh. Giáo sư Walker cho biết bất kỳ căn bệnh nghiêm trọng nào đang giết chết con người ở các nước đang phát triển - từ tiểu đường, béo phì, Alzheimer đến ung thư đều có mối liên hệ chặt chẽ với chuyện thiếu ngủ. Và nguy cơ mắc bệnh lại có xu hướng tăng theo tuổi tác, đặc biệt là chứng mất trí nhớ.
Giờ đây, giới chuyên gia hiểu rõ hơn về vấn đề trên, mở ra hy vọng có thể tiến tới giai đoạn điều trị. Hiện chưa có loại thuốc nào cải thiện được “thụ quan ru ngủ” ở não. Thuốc ngủ và những loại tương tự có thể giúp dễ ngủ hơn, nhưng chúng không gia tăng được tần suất SWS được cơ thể cần đến. Giáo sư Walker đang nghĩ đến hai cách tiếp cận đầy hứa hẹn, bao gồm kích thích não bằng dòng điện và liệu pháp chữa bệnh bằng tâm lý thông qua nhận thức hành vi, vốn đã được áp dụng để trị chứng mất ngủ trước đây.
Bình luận (0)