Trí tuệ nhân tạo biết cảm thụ nghệ thuật

29/03/2021 10:36 GMT+7

Các tác phẩm nghệ thuật có khả năng biểu lộ thế giới nội tâm phong phú của con người. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ gần với con người hơn nếu có thể đọc hiểu cảm xúc trong những bức tranh.

Từ lâu, AI đã đạt được khả năng nhận biết các vật thể trong một bức ảnh ở mức cơ bản. Chưa hài lòng với điều đó, các nhà nghiên cứu còn muốn máy tính có thể nắm bắt phần nào cảm xúc con người thông qua việc đọc hiểu các tác phẩm nghệ thuật thị giác.
Làm việc với các cộng tác viên ở Pháp và Ả Rập Xê Út, Panos Achlioptas - ứng viên tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ) cho biết: "Khả năng này sẽ là chìa khóa khiến cho trí tuệ nhân tạo không chỉ thông minh hơn mà còn đậm chất con người hơn".
Để đạt được mục tiêu, Achlioptas và đồng nghiệp phát triển một tập dữ liệu gọi là ArtEmis, gồm 81.000 bức tranh trên WikiArt và 440.000 phản hồi ghi lại cảm nhận của hơn 6.500 người khi ngắm các tác phẩm nghệ thuật. Dùng những phản hồi này, Giáo sư Leonidas Guibas - người đứng đầu nhóm của Achlioptas dạy máy tính cách đọc hiểu tác phẩm nghệ thuật thị giác và cách lột tả cảm xúc bằng ngôn từ. Giờ đây ArtEmis có thể đưa ra cảm nhận cho tất cả thể loại tranh từ chân dung, tĩnh vật đến trừu tượng. 
Guibas - giảng viên của phòng thí nghiệp AI và Viện AI Stanford cho biết công trình ArtEmis là một cách tiếp cận mới trong lĩnh vực thị giác máy tính. Guibas chia sẻ: "Thị giác máy tính truyền thống chỉ đọc nội dung theo nghĩa đen, như có ba con chó, hay có một người đang uống cà phê trong hình. Thay vào đó, chúng ta cần máy tính mô tả nội dung cảm xúc của bức ảnh". 
Thuật toán máy tính phân loại tranh của nghệ sĩ thành 8 loại cảm xúc như kinh ngạc, thích thú, sợ hãi, buồn bã... rồi giải thích vì sao bức tranh gợi lên cảm xúc như vậy. Achlioptas chia sẻ: "Chúng ta có thể cho máy tính xem một bức ảnh nó chưa bao giờ thấy, rồi nó sẽ nói xem con người sẽ cảm thấy như thế nào khi nhìn bức này".

Những cảm nhận của AI

Ảnh: Đại học Stanford

Khi ngắm bức Bầu trời sao của van Gogh, AI cảm thấy "kinh ngạc" và nêu cảm nhận: "Màu xanh và màu trắng trong tranh khiến tôi cảm thấy như đang nhìn một giấc mơ". Trong khi bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của Vermeer lại gợi cho AI cảm giác hài lòng, thỏa mãn vì cô gái trong tranh ăn mặc đẹp và có đôi mắt rất sinh động.
Thuật toán còn có khả năng giải mã những cảm xúc khác nhau trong cùng một bức tranh. Ví dụ trong bức tranh nổi tiếng của Rembrandt, AI nhận thấy nỗi đau trên gương mặt thánh John, nhưng đồng thời cũng đọc ra sự mãn nguyện trên gương mặt của Salome - người gián tiếp gây ra cái chết của thánh John.

AI đọc cảm xúc trong bức tranh của Rembrandt

Ảnh: Đại học Stanford

ArtEmis đủ tinh vi để nhận biết ý đồ nghệ thuật của họa sĩ có thể thay đổi tùy vào bối cảnh của bức tranh. Mặt khác, công cụ cũng nhận thức được tính chủ quan trong cảm nhận nghệ thuật. Achlioptas cho biết: "Không phải ai cũng cảm nhận nghệ thuật giống nhau. Tôi vui khi nhìn thấy Mona Lisa nhưng Giáo sư Guibas lại thấy buồn. ArtEmis có thể phân biệt những khác biệt này".
Trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu mong ArtEmis có thể trở thành công cụ giúp nghệ sĩ tự đánh giá tác phẩm. Theo Achlioptas, AI có thể hướng dẫn và truyền cảm hứng để nghệ sĩ "lèo lái" tác phẩm như mong muốn. Trong quá trình nghiên cứu và cải tiến ArtEmis, anh cũng dự đoán các thuật toán trí tuệ cảm xúc sẽ góp phần nâng cấp hoạt động của các chatbot và AI đàm thoại.
Achlioptas nói thêm: "ArtEmis đưa những dữ liệu học tập từ tâm lý con người vào trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn trải nghiệm của con người với AI được cải thiện và trở nên thân mật hơn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.