Đại loại là ông thầy, bà cô có khi hết cửa làm nghề, dạy dỗ gì nữa khi mà học trò muốn biết gì thì cứ đè "cái đứa" AI ra mà hỏi. Hỏi tiếng Việt nó không hiểu thì hỏi tiếng Anh, tiếng Anh mà không biết đàng hỏi thì lại hỏi tiếng Việt rồi nhờ "đứa AI" dịch ra tiếng Anh. Cứ vậy mà làm.
Thế thì cần thầy cô làm chi nữa. Thầy cô sẽ mất nghề. Thầy cô không mất nghề thì cũng mất linh. Trên bục giảng thầy cô ra đề bài chưa kịp xong thì ở dưới AI đã đưa câu trả lời. Đại loại thế. Nghe cũng nổi da gà, nghĩ đến cảnh ông thầy như mình thất nghiệp mở quán bán bánh mì, bán xôi mà thấy hãi.
Nhưng tôi cóc sợ…
Nằm đêm suy nghĩ kỹ, tôi cóc sợ. Chat GPT hỏi gì trả lời nấy thì sao? Trí tuệ nhân tạo biết tuốt thì sao? Mình làm thầy, cứ tung câu hỏi, tung đề bài ra dí học trò. Học trò dí AI hỏi, trả lời xong thì mình dí hỏi tiếp. Học trò lại dí AI chạy tiếp. Cứ cái vòng xoay ấy thì học trò sẽ giỏi hơn, còn mình thì khỏe, và vẫn cứ ngạo nghễ giữ cái vai trò dí câu hỏi, dí đề bài cho học trò. Cứ cái đà dí câu hỏi, dí bài tập kiểu đó thì chỉ có học trò lâm nguy, AI lâm nguy chứ thầy cô như tôi thì lâm nguy cái nỗi gì. Có sợ thì chỉ sợ cái cảnh thầy cô mỗi cái khả năng đưa câu hỏi, đặt đề bài mà cũng làm không xong.
Chưa kể, tôi còn vũ khí thứ hai. Đó là cấm học trò lên lớp dùng máy tính, dùng điện thoại. Nhất là lúc kiểm tra, lúc thi cử. Thế thì có đằng trời mà đem AI ra hù thầy cô chúng tôi mất nghề, mất linh. Trường còn thì thi cử còn, thi cử còn thì thầy cô còn. Đơn giản vậy thôi.
ChatGPT với hỗ trợ AI thì làm được cái gì? Thì giỏi lắm là trả lời nhanh các câu hỏi dựa trên việc tổng hợp mớ dữ liệu khổng lồ trên mạng mà nó học được qua cơ chế máy học (machine learning). Các thuật toán của máy học có thể càng ngày càng sâu hơn, ghê gớm hơn, nhưng bản chất vẫn cứ là máy tính tự động hiểu, xử lý và học từ dữ liệu thực tế để thực thi nhiệm vụ được giao cũng như cách đánh giá giúp tăng tính hiệu quả. Nếu AI hỗ trợ được người học, thì chắc chắn cũng sẽ hỗ trợ người dạy. Đứa học trò A hỏi ChatGPT chuyện B để có câu trả lời C thì ông thầy tôi đây cũng sẽ hỏi ChatGPT rằng có phải câu trả lời C là do mày trả lời hay không? Thế là "đứa AI" sẽ khai ra tuốt.
Nói đùa vậy thôi, ý tôi là chẳng việc gì phải sợ đâu. Học trò khai thác ChatGPT để học, để tìm các câu trả lời nhanh hơn, để thỏa mãn nhu cầu thu nhận tri thức thì đó chính là điều thầy cô mong muốn mà. Sao cứ khu định cái quyền dạy vào mỗi ông thầy, mà không cho ai đó, kể cả ai đó là AI sẽ làm thay mình.
AI dạy chữ, thầy cô dạy người
Trong một viễn cảnh phát triển rất khó lường của AI, chúng ta vẫn có quyền tự tin rằng, dù trình độ của AI thậm chí có thể làm được cả việc chia sẻ cảm xúc và hóa giải trạng thái tâm lý cho người dùng, thì vẫn có những điều nó không dễ làm. Thậm chí chúng ta nên tin rằng nó không làm được.
AI làm gì với đứa học trò nghèo ngồi trước nó, và đứa khác là con nhà giàu? AI làm gì với đứa học trò đang đau khổ vì tình cảm đầu đời, đang bất lực trước một cơn cảm xúc tức giận của bản thân? AI làm gì để đứa học trò đứng lên sau câu mắng có tác dụng gợi ý thâm sâu về giá trị bản ngã của mình và tìm ra bản ngã trong một ngày không xa? Có thể AI sẽ cố làm, nhưng theo cách ngớ ngẩn, và vô cảm. Thầy cô thì khác, thầy cô sẽ làm được. AI giỏi lắm thì thay thầy, thay cô "dạy chữ" (tức là dạy kiến thức) chứ nhiệm vụ "dạy người", rèn giũa nết người thì AI làm sao được.
Không có thầy cô, học trò sẽ lâm nguy trước một cơn bão cảm xúc mà tuổi trẻ không quản trị được. Không có thầy cô, học trò sẽ mắc kẹt trong một mớ những kết quả trả về từ những câu lệnh tìm kiếm thông tin trên mạng lưới AI. Chỉ con người mới có thể "xử lý tinh" những dữ liệu, thông tin đa nghĩa phức tạp nhiều tầng nhiều lớp của cảm xúc. Có nhiều thứ trên đời để thống kê, giải mã được, và nhờ đó mà máy học được, nhờ đó mà trí tuệ của máy vươn lên mức nhân tạo. Nhưng cuộc sống còn rất nhiều thứ không thống kê được, không giải mã được. Thế thì thầy cô cứ tìm cách định vị ở ngay trong cái "phân khúc thị trường" phi công nghệ đó. Thế là lành.
Tôi sẽ thách AI thay thế được tôi – ông thầy không còn trẻ và có phần tụt hậu về công nghệ mạng này, app kia.
Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn.
Bình luận (0)