Ngày nhà máy khánh thành, ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La chỉ lên thân đập lừng lững so sánh: “Thủy điện Hòa Bình gần 2.000 MW, ta làm trong 15 năm, lúc cao điểm có 2,5 vạn người, trong đó có tới 2.500 chuyên gia nước ngoài làm việc trực tiếp trên công trường để hướng dẫn cán bộ người Việt. Chuyên gia Liên Xô giúp ta từ khảo sát, thiết kế, đến thi công. Với thủy điện Sơn La, công suất 2.400 MW, chúng ta chỉ thi công có 7 năm, lúc cao điểm nhất cũng chỉ có 1 vạn người lao động trên công trường và chỉ có 220 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài làm việc dưới sự chỉ đạo của người Việt. Chúng ta làm từ thiết kế, thi công đến vận hành”.
|
Câu chuyện về thành công của thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm đã ghi dấu mốc quan trọng về sự trưởng thành của những người chủ dự án mà Ban A Sơn La là đại diện chủ đầu tư (dự án do Tập đoàn điện lực Việt Nam là chủ đầu tư).
Ban A có tới hơn 80% là người ở Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi. Suốt từ năm 2004 đến nay, ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng ban, ông Phạm Hồng Phương, Phó ban và cả trăm cán bộ khác làm việc cả thứ 7, chủ nhật, chỉ thỉnh thoảng dồn phép mới được về nhà 3-4 ngày, trong đó riêng thời gian di chuyển 2 chiều từ Sơn La về Hà Nội đã mất tới hơn 1 ngày.
Mái đầu ông “tổng điều hành dự án” Nguyễn Hồng Hà đã dần nhiều cọng bạc qua gần chục năm ở Sơn La. Đại công trường phát sinh hàng loạt vấn đề lớn nhưng những cán bộ của Ban A dưới sự điều hành của ông đã giải quyết ổn thỏa, từ chuyện lo vốn ứng cho các nhà thầu đến chuyện nhập thiết bị và vận chuyển thiết bị sao cho kịp tiến độ. Từ việc giải quyết sự cố đến thẩm định và chấp nhận những sáng kiến của các kỹ sư đề xuất...
Khi tôi hỏi ông Nguyễn Hồng Hà: "Điều gì làm ông lo lắng nhất trong suốt 7 năm thi công nhà máy?". Ông Hà nhìn ra cây cầu Mường La: "Đó là khi ông Sâm đưa máy biến áp nặng 280 tấn của tôi vượt núi, vượt cầu yếu lên Sơn La".
Ông Nguyễn Đăng Sâm, TGĐ Công ty CP vận tải đa phương thức (Vietranstimex) đã chứng minh cho mọi người thấy người Việt có thể làm nên những điều khó khăn tưởng như không thể.
Cửa ngõ tử thần với những người vận tải lại là cầu Mường La, cây cầu dài gần 1 km với những khoảng dầm dài cả trăm mét nên rất dễ bị võng, gãy cầu. “Cầu chỉ cho xe trọng tải 40 tấn qua nên nguy cơ gãy cầu là rất lớn. Chúng tôi phải nối mooc thành một tổ hợp dài gần bằng chiều dài cây cầu, rồi thiết kế một loại dầm phân tải đặc biệt đặt lên trên để trọng lực kiện hàng dàn đều ra hơn trăm bánh xe bên dưới rồi đặt máy biến áp 280 tấn lên trên. Khi đó, mỗi trụ cầu, mỗi thanh dầm đều được phân tải. Khi đưa hàng qua, dầm cầu chỉ võng chưa quá 5 cm”, ông Sâm nói.
Trí tuệ Việt còn thể hiện ở những con người như ông Nguyễn Thế Trinh, Phó TGĐ Lilama 10, chỉ huy lắp máy thủy điện Sơn La, người đề xuất hàng loạt sáng kiến lắp máy rút ngắn tiến độ tới cả năm trời; là ông Nguyễn Tăng Cường, người làm nên chiếc cẩu “chân què” có một không hai, làm ra chiếc cẩu 1.200 tấn lớn nhất Việt Nam để giúp đưa các tổ hợp thiết bị nặng cả ngàn tấn vào vị trí chính xác đến từng milimet.
Thủy điện Sơn La đã hoàn thành, Ban A Sơn La lại tiếp tục quản lý dự án thủy điện Lai Châu và những người làm nên thủy điện Sơn La sẽ tiếp tục xa nhà thêm 4-5 năm nữa để xây dựng thủy điện cuối cùng trên dòng chính sông Đà ở cuối trời Tây Bắc - thủy điện Lai Châu công suất 1.200 MW.
Thanh Phong
>> Mổ lợn ăn mừng thủy điện Sơn La
>> Nguồn sống mới từ hồ thủy điện Sơn La
>> Thủy điện Sơn La làm lợi 1 tỉ USD nhờ về đích sớm
>> Tháng 12, dự kiến khánh thành công trình thủy điện Sơn La
>> Hòa lưới tổ máy cuối cùng thủy điện Sơn La
Bình luận (0)