Trong buổi giao lưu với giới yêu hội họa Việt Nam trước khi tổ chức triển lãm tại Nhà triển lãm TP.HCM (số 92 Lê Thánh Tôn, Q.1), ba nữ họa sĩ nổi tiếng đến từ Munich (Đức) đã chia sẻ rất nhiều điều thú vị về quá trình đến với nghệ thuật và cách họ đưa nghệ thuật đến công chúng.
|
Traude Linhardt học tập và làm việc trong ngành dược được 10 năm nhưng cô lại phát hiện ra mình yêu thích nghệ thuật hơn.
Vậy là từ bỏ công việc thu nhập cao, Traude Linhardt theo học các khóa học ngắn hạn và sáng tác nghệ thuật như một họa sĩ độc lập.
|
Không như nhiều nghệ sĩ khác, Traude Linhardt mang triển lãm đến… bệnh viện, nhà thờ để giúp các bệnh nhân hoặc người xem có thể thư giãn, tạo ra không gian thiền giúp con người trở nên thư thái hơn.
Với Traude Linhardt, đó là cách mà nghệ thuật giúp ích cho con người. Điều đó đã khiến những người tham dự buổi giao lưu rất thích thú và dành nhiều câu hỏi cho cô.
|
Trong khi đó, Susanne Wackerbauer đến với hội họa từ rất sớm và chú trọng các tác phẩm nghệ thuật ý niệm. Nhiều tác phẩm của Susanne thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cô đến đời sống tinh thần của con người.
Điển hình là một tác phẩm sắp đặt trong đó trưng bày chứng minh thư, thẻ ngân hàng, bằng lái xe và nhiều hình ảnh gia đình, bạn bè. Susanne giải thích rằng đó là những gì cô sẽ mang theo nếu rơi vào cảnh “chạy loạn” như những người phụ nữ Iraq - nạn nhân của chiến tranh mà cô đã từng gặp.
“Tôi không thể hiểu hết được họ nhưng tôi muốn mình hoặc người xem thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ”, Susanne nói.
|
Ngoài ra, Susanne còn thực hiện tác phẩm hình cầu thang xoắn ốc, chạy các dòng chữ cũng chính là những thống kê mà cô thực hiện về đời sống của giới văn phòng với những câu hỏi thú vị như: Bạn có bao giờ gác chân làm bàn làm việc? Bạn có mang dép lê đi làm? Bạn có phải lòng ai chưa?
Nữ họa sĩ thứ ba là Hertha Miessner. Ban đầu cô theo học ngành sư phạm với mong muốn trở thành một giáo viên tiểu học. Nhưng sau ba năm học, Hertha Miessner nhận ra rằng cô yêu thích việc thể hiện ý tưởng, sức sáng tạo của mình hơn là đi truyền dạy kiến thức cho người khác.
|
Vậy là Hertha Miessner bắt tay vào sáng tác hội họa cho đến nay. Những tác phẩm của cô thường dùng nhiều mảng màu chồng lên nhau một cách khéo léo, vận dụng cả kỹ thuật số lẫn tư duy nghệ thuật cũ.
Ba nữ họa sĩ Đức cùng hai nữ họa sĩ Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm tại Nhà triển lãm TP.HCM (số 92 Lê Thánh Tôn, Q.1) từ ngày 21.6. Triển lãm sẽ trưng bày 30 tác phẩm hội họa trên nhiều chất liệu và 11 tác phẩm điêu khắc. Những tác phẩm được giới thiệu trong buổi giao lưu lần này cũng sẽ được trưng bày trong triển lãm sắp tới. |
Thiên Hương
>> Triển lãm sắp đặt độc đáo vì... “bốc mùi”
>> Giới trẻ nghĩ gì về sự kết thúc?
>> Chơi, làm việc và yêu ở Amsterdam
>> 10 nhà thiết kế hội tụ trong triển lãm sắp đặt
>> Triển lãm sắp đặt thư pháp Hán - Nôm và ảnh tại Mỹ
>> Triển lãm sắp đặt Vô ngôn
>> Những chiếc gương phản xạ
>> Sắc màu" - kín và hở
>> Cái chết thương tâm của một nữ họa sĩ trẻ
Bình luận (0)