Người học trưởng ngu ngốc là triển lãm đôi giới thiệu các tác phẩm của 2 nghệ sĩ: một của Việt Nam - Nguyễn Hoàng Giang và một đến từ Đức - Gabriel Hensche, diễn ra từ 18-25.12 tại không gian nghệ thuật GốcLab đặt tại Toong (188 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM).
Chương trình được kết nối thông qua khuôn khổ dự án RECONNECT do Viện Goethe khởi xướng |
btc |
Được gợi cảm hứng từ cuốn sách The Ignorant Schoolmaster: Five Lessons in Intellectual Emancipation (tạm dịch: Hiệu trưởng dốt nát: 5 bài học về Giải phóng Tri thức, 1987) của Jaques Rancière, dự án Người học trưởng ngu ngốc đưa người xem đến với các phiên tập dợt (workshops/exercises) dựa trên những băn khoăn: làm thế nào để đảm bảo được cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất khi cường độ sử dụng thiết bị điện tử tăng lên; con người có thể học được gì từ máy móc thông minh; tương lai của mối quan hệ giữa máy móc và con người… Ý tưởng này nảy sinh từ lần gặp gỡ đầu tiên giữa Nguyễn Hoàng Giang và Gabriel Hensche vào năm 2018, trong một chương trình lưu trú nghệ sĩ tại Viafarini, Milan, Ý.
Thưởng lãm 2 tác phẩm Người học - Học người (video/trình diễn) của nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Giang (Việt Nam) và Những bài tập cho kỷ nguyên số (sắp đặt tranh vẽ trên ứng dụng Miro Board, in trên vải nhiều kích cỡ) của nghệ sĩ Gabriel Hensche (Đức), khán giả không chỉ được trải nghiệm một không gian đối thoại giữa hai tác phẩm, mà còn được khuyến khích tương tác, thực hiện những bài tập mà các nghệ sĩ đưa ra trong suốt thời gian diễn ra triển lãm. Đây cũng là lần đầu tiên, cả hai nghệ sĩ đặt thực hành nghệ thuật của mình trong không gian đối thoại thông qua việc thực hiện một chuỗi workshop.
Mối quan tâm xuyên suốt trong thực hành nghệ thuật của Nguyễn Hoàng Giang là những vận động qua lại phức hợp, không ngừng biến hóa giữa con người và công nghệ |
btc |
Cụ thể, Người học - Học người (tiền thân là tác phẩm Cú ngã, đã đoạt giải nhất Dogma Prize 2019) là một tác phẩm video/trình diễn được thực hiện bởi nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Giang và bốn nghệ sĩ chuyển động đến từ TP.HCM: Nguyễn Huỳnh Như, Minh Duyên, Sơn Lương, Psycho Neo. Video có thời lượng 14 phút được chiếu loop (lặp lại) trong không gian một sàn tập giả tưởng, như một lời đề nghị khán giả vừa theo dõi vừa thực hiện các bài tập ngã/đi lại/vượt chướng ngại vật… theo hướng dẫn. Hoặc đơn giản, người xem có thể ngồi, nằm trên sàn tập để thưởng thức tác phẩm. Người học - Học người đóng vai trò khảo sát về cách mà các hành vi phi lý của con người có thể được châm ngòi bởi sự tràn ứ dữ liệu.
Đặt tên dự án Những bài tập cho kỷ nguyên số (một dự án dài hơi), Gabriel muốn cùng các nghệ sĩ tham gia khảo sát xem đâu là những thực hành cần được phát triển trong thời đại của internet, phương tiện số và trí tuệ nhân tạo |
btc |
Còn Những bài tập cho kỷ nguyên số là sắp đặt tranh in trên vải được cấu trúc treo dạng nhánh cây gồm 20 tấm vải cỡ vừa và lớn tạo không gian cho người xem có thể len lỏi đi vào giữa để ngắm/đọc/chạm vào các thảo luận, ý tưởng được thực hiện giữa nghệ sĩ Gabriel Hensche cùng 20 nghệ sĩ hỗ trợ đến từ khắp nơi trên thế giới (nổi bật là từ Đức và Việt Nam). Trong suốt nhiều tháng, tác phẩm được phát triển và lưu trữ trực tuyến dưới dạng những ghi chép và hình vẽ trên Miro Board.
Các sự kiện thuộc triển lãm Người học trưởng ngu ngốc
- Khai mạc (dành cho khách mời và khách đã đăng ký trước): 18 giờ 30 ngày 18.12; trình diễn trực tiếp tác phẩm Người học - Học người của Giang Nguyễn cùng 4 nghệ sĩ chuyển động Nguyễn Huỳnh Như, Minh Duyên, Sơn Lương, Psycho Neo
- Các hoạt động ngày 23.12
+ 14 giờ - 16 giờ 30: Workshop online (Tiếng Anh, có hỗ trợ chuyển ngữ) với Gabriel Hensche & Ashlee Conery. Link đăng ký: https://bit.ly/EFTDAworkshop
+ 18 giờ 30: Trình diễn trực tiếp tác phẩm Người học - Học người của Giang Nguyễn và 4 vũ công
+ 18 giờ 45: Trò chuyện với hai nghệ sĩ Giang Nguyễn và Gabriel Hensche. (tiếng Anh, có hỗ trợ chuyển ngữ)
Bình luận (0)