Thú tiêu dao là cách gọi giàu cảm xúc mà hai họa sĩ Văn Diệu Liên và Tô Bảo Ân dùng để giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật một không gian trưng bày các tác phẩm tâm huyết, như một giao điểm trên hành trình nghệ thuật của mỗi người.
Triển lãm diễn ra từ ngày 22 đến 28.6 (vào cổng tự do, ở 218A Pasteur, Q.3), trưng bày 68 tác phẩm sử dụng chất liệu chính là sơn dầu, màu nước, acrylic, gốm… với nhiều phong cách, bút pháp tạo hình khác nhau thể hiện rất rõ, riêng biệt. Các bức tranh chủ đề tĩnh vật, con vật, cảnh vật, không gian, môi trường… thể hiện những trải nghiệm của hai họa sĩ về tình yêu, gia đình, cuộc sống, xã hội, hướng người xem đến những giá trị, chân lý tốt đẹp.
Với họa sĩ Văn Diệu Liên (hay còn gọi là Liên Văn), tranh là khoảng trời thênh thang để bùng nổ về tâm trạng với các màu tương phản, khi tiêu khiển trong sự lặng lẽ của gam màu trầm mặc nhã nhặn; khi thì sâu lắng từ cái nhìn xa xăm, toát lên ánh nhìn phóng khoáng. Liên Văn làm mờ đi tất cả chi tiết và chỉ để lại không gian vài điều làm điểm nhấn. Mọi thứ cần thiết sẽ mờ dần giữa không gian ba chiều, mảng màu nhảy múa tạo nên không gian huyền ảo, sự ma mị nghệ thuật trong trật tự bố cục.
Họa sĩ Tô Bảo Ân tìm kiếm thông điệp của môi trường, thế giới tự nhiên qua hình ảnh các loài vật. Bằng tạo hình những con thú mang tính biểu tượng, thế giới hội họa với Bảo Ân như phương tiện hữu hiệu để diễn tả khoảng chiều sâu nội tâm, lẫn những suy nghĩ về cuộc sống, môi sinh và các vấn đề của ngày hôm nay. Các loài vật tuy chỉ được thể hiện bằng ánh mắt, cử chỉ hành vi…, đã diễn tả một đoạn hội thoại không lời mang tính ẩn dụ giữa con người và tự nhiên. Đó là sự cố gắng của người họa sĩ khi tìm cách đối thoại với thế giới xung quanh mình, và kể cả với chính nội tâm người cầm cọ.
Gặp nhau ở điểm dừng chân trên hành trình nghệ thuật của mình, mỗi họa sĩ tìm cho mình một câu chuyện khác nhau, từ đó nói lên nỗi niềm, sự quan tâm và những câu chuyện cần được bộc bạch qua tranh vẽ.
Hội họa với mỗi họa sĩ như một "cái thú" với đầy đủ những dư vị, cả sự trăn trở lẫn niềm vui mà nghệ thuật mang lại. Một cách nào đó, Thú tiêu dao như cách nói về niềm vui, một loại tình cảm với hội họa một cách vừa nhẹ nhàng vừa dai dẳng không ngừng nghỉ. Lần trưng bày tranh này được xem là cơ hội để hai họa sĩ gặp nhau, chia sẻ và trao cho nhau những động viên tích cực trên bước đường sáng tạo và yêu nghề của mình.
Có mặt tại lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết rất ngạc nhiên từ tiêu đề triển lãm đến các tác phẩm. Theo ông, tác phẩm của hai họa sĩ trong triển lãm có sự đối nghịch nhau về cách nhìn, cách thể hiện. Một người thì rất thong dong, như lánh sự đời còn một người lại chăm chú nhìn vào sự đời, nhìn sâu vào nội tâm để phân tích, tìm tòi và thấu hiểu.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín nhận định: "Tôi đã biết Tô Bảo Ân từ khi em còn là sinh viên. Em là người luôn luôn có những trăn trở, thậm chí con đường đi trong nghệ thuật lại ngược với trào lưu chung của lớp trẻ bây giờ. Khi những người khác đi tìm vẻ đẹp đương đại thì Tô Bảo Ân thích trở lại tìm những giá trị cổ điển, từ đó mang đến những cách thể hiện rất khác so với những họa sĩ trẻ. Tô Bảo Ân du học từ Khoa Hội họa - Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Vương quốc Bỉ trở về, mang theo tinh thần riêng. Tác phẩm của Ân luôn thể hiện những trăn trở về cuộc sống, có góc nhìn thú vị, luôn để người xem tự chiêm nghiệm.
Ngược lại, Văn Diệu Liên đúng là thong dong tự tại, thích rong chơi. Tác phẩm của cô có sự ngẫu nhiên. Có người nhận xét tranh của Văn Diệu Liên xem có vẻ ít phải suy nghĩ nhưng tôi nghĩ thành công của Văn Diệu Liên là tranh có sự ngẫu nhiên mang nhiều cảm xúc ấn tượng. Màu nước của cô rất tốt. Cô biết dừng đúng lúc trong bức tranh. Cho dù hai họa sĩ có hai cách nhìn nghệ thuật khác nhau nhưng khi kết hợp lại vô cùng thú vị. Một triển lãm nhẹ nhàng, tinh tế, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem".
GS-TS nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng triển lãm là sự kết hợp rất bất ngờ và mỗi họa sĩ đều có phong cách sáng tạo riêng. GS-TS Nguyễn Xuân Tiên nói: "Các tác phẩm của Văn Diệu Liên đa phần là tĩnh vật, con vật quanh ta, đặc biệt tranh phong cảnh. Qua từng vùng đất đã đến, chị vẽ lại, đưa tình cảm vào đó. Chị không tả thực phong cảnh thiên nhiên mà bút pháp phảng phất sự lãng mạn, trừu tượng đưa người xem tiếp cận tác phẩm - tác giả qua những gam màu, nét cọ cũng như chất liệu. Văn Diệu Liên vẽ bằng suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm và kết nối được giữa người vẽ - người xem cùng những gam màu rực rỡ.
Trong khi đó, Tô Bảo Ân sử dụng hình tượng những con vật quanh ta để rồi vẽ ẩn dụ diễn tả cuộc sống. Sự sinh tồn của những con vật trong điều kiện tự nhiên tạo cho người xem có những suy nghĩ đa chiều về xã hội, môi trường thiên nhiên. Anh sử dụng nghệ thuật làm ngôn ngữ rất hiệu quả khi diễn tả suy nghĩ, tâm tư sâu lắng của mình".
Bình luận (0)