Tác phẩm Phục Sinh thụ kinh thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Osaka (Nhật Bản), được Bảo tàng Cố cung, Bắc Kinh (Trung Quốc) mượn triển lãm từ cuối tháng 10.2024.
Vương Duy (699-761) là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ và chính trị gia Trung Quốc vào giữa thời nhà Đường. Ông được coi là một trong những người xuất chúng nhất về nghệ thuật và văn chương thế kỷ thứ 8 ở Trung Quốc.
Giới nghiên cứu lịch sử, sưu tầm nhận định bức tranh lụa trên xuất xứ thời Đường, có tuổi đời hơn 1.200 năm, của tác giả Vương Duy "rất hiếm hoi và độc đáo".
Bức tranh miêu tả Phục Sinh đang giảng sách, đầu quấn khăn. Phục Sinh ham học từ bé, thuộc nhiều sách, am hiểu Thượng thư - cuốn sách cổ ghi lại nhiều sự kiện lịch sử. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Phục Sinh tên là Thắng, làm quan đời nhà Tần.
Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên) từng ra lệnh "đốt sách chôn nho", không được phép tàng trữ Thượng thư và chôn sống nhiều nho sĩ, nhằm loại bỏ tư tưởng, học thuyết thời Xuân Thu Chiến Quốc để phục vụ việc thống trị của nhà Tần. Lúc bấy giờ, Phục Sinh phải giấu sách Thượng thư trong vách nhà rồi sống lưu vong.
Khi nhà Tần bị diệt vong, Lưu Bang gây dựng nhà Hán, Phục Sinh trở về cố hương tìm lại sách Thượng thư nhưng mất đi vài chục thiên, chỉ còn lại 29 thiên, liền đem dạy ở Tề, Lỗ. Vua Hán Văn Đế hạ chiếu tìm người hiểu được sách Thượng thư nhưng chỉ có Phục Sinh biết nên được lệnh vào triều. Tuy nhiên vì ông quá già (hơn 90 tuổi), không đi được nên Hán Văn Đế sai Tiều Thố đến nhà Phục Sinh để học sách Thượng thư.
Theo lời tựa sách Cổ văn Thượng thư thì khi Tiều Thố đến nhà Phục Sinh, ông quá già, nói không được đúng câu chữ, phải sai con gái mình dạy Tiều Thố. Nhiều chỗ Tiều Thố không hiểu được, chỉ hiểu lược lấy ý rồi học thuộc lòng..
Vế sau, Phục Sinh truyền lại lời giải thích Thượng thư của mình cho Âu Dương Sinh (Âu Dương Hòa Bá) và Trương Sinh. Trương Sinh truyền lại cho Âu Dương Cao, Hạ Hầu Thắng (Đại Hạ Hầu) và Hạ Hầu Kiến (Tiểu Hạ Hầu).
Bình luận (0)