Triết lý quản trị của HLV Troussier

19/02/2023 10:04 GMT+7

HLV Philippe Troussier luôn đề cao tinh thần tập thể, không tạo ra bất cứ ngoại lệ nào cho các cầu thủ ngôi sao ở những đội bóng mà ông từng dẫn dắt.

Bản hợp đồng giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và HLV Philippe Troussier hứa hẹn mang tới thành công đột phá cho đội tuyển Việt Nam (bên cạnh đội U.23), bởi nhà cầm quân người Pháp từng chứng tỏ đẳng cấp ở nhiều CLB, đội tuyển quốc gia khác nhau. ‏

‏Trong 40 năm huấn luyện, HLV Troussier không giành nhiều vinh quang, nhưng ông vẫn được xem trọng bởi khả năng nâng tầm và truyền cảm hứng, giúp các đội bóng vốn không được đánh giá cao có thể vươn mình và tạo nên kỳ tích, trong đó đỉnh cao là 3 năm thành công vang dội cùng bóng đá Nhật Bản (1998 - 2000), bên cạnh dấu ấn ở một số đội tuyển như Nam Phi hay Qatar.

Triết lý quản trị của HLV Troussier - Ảnh 1.

HLV Philippe Troussier thay ông Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

KHẢ HÒA

‏Bí quyết giúp ông Troussier tạo dựng chỗ đứng trong làng HLV, trước tiên nằm ở triết lý quản trị con người, mà câu chuyện với Hidetoshi Nakata là minh chứng. ‏

‏Ở Confederation Cup 2001 (giải đấu truyền thống giữa nhà vô địch của các châu lục trước mỗi kỳ World Cup), đội tuyển Nhật Bản gây bất ngờ khi lọt vào tới chung kết, chỉ thua 0-1 trước Pháp. Chỉ 1 năm trước đó, đội tuyển có biệt danh "Samurai áo xanh" đã vô địch Asian Cup 2000. ‏

‏Tuy nhiên, một biến cố đã xảy ra ở giải đấu này. Sau khi đội tuyển Nhật Bản giành vé vào chơi chung kết, ngôi sao số 1 khi ấy, tiền vệ Hidetoshi Nakata đã yêu cầu được trở về Serie A để cùng AS Roma thi đấu trong phần còn lại của mùa giải. Roma lúc này có nhiều cơ hội vô địch và Nakata muốn trở về giúp sức đội bóng. Tuy nhiên, HLV Troussier không cho phép ai rời đội trước chung kết. Nakata vẫn trở về Roma và chiến lược gia người Pháp quyết định đóng sập cánh cửa lên tuyển của ngôi sao Nhật Bản.‏

‏Cuộc tranh cãi nổ ra khi HLV Troussier khẳng định: "Nếu Nakata tiếp tục chỉ nghĩ đến bản thân mình, chứ không nghĩ đến đội, tôi không chắc liệu anh ta có tham dự World Cup 2002 không". Cần biết, Hidetoshi Nakata là thần tượng của bóng đá Nhật Bản đúng giai đoạn HLV Troussier nắm quyền, nhưng ông sẵn sàng tuyên chiến với ngôi sao số 1. 

Triết lý quản trị của HLV Troussier - Ảnh 2.

HLV Troussier đề cao tinh thần tập thể, nhưng cũng thôi thúc học trò phát triển phẩm chất cá nhân

KHẢ HÒA

‏Sau đó mâu thuẫn được hàn gắn, Nakata trở lại đội tuyển để đá World Cup 2002, nhưng vị thế của cựu cầu thủ Parma không còn vững chãi như trước, còn cái uy của HLV người Pháp được củng cố. 

HLV Troussier nhấn mạnh: không ngôi sao nào được lớn hơn tập thể. Ông đánh giá cầu thủ Nhật Bản giàu kỹ thuật nhưng thiếu sự va chạm và tính chiến đấu. Để cải tổ bóng đá Nhật Bản, chiến lược gia có biệt danh "Phù thủy trắng" đã huấn luyện một lứa cầu thủ nòng cốt ở đội U.20 Nhật Bản, đôn lên đội Olympic rồi sau đó là đội tuyển quốc gia. Ông sẵn sàng trẻ hóa đội tuyển, gạt bỏ các ngôi sao nếu không đáp ứng yêu cầu.‏

‏Triết lý quản trị của HLV sinh năm 1955 từng bị nhìn nhận là hà khắc, với những nguyên tắc cứng rắn, máy móc. Ông kiên trì thay đổi từng thói quen chơi bóng của cầu thủ Nhật Bản và tin rằng kỷ luật là sức mạnh. Chỉ có kỷ luật, các cầu thủ mới tôn trọng và tuân thủ yêu cầu của HLV trưởng.

Triết lý quản trị của HLV Troussier - Ảnh 3.

HLV Troussier nghiêm khắc và cứng rắn

KHẢ HÒA

‏"Đã là một HLV ở cấp độ đội tuyển, điều quan trọng đầu tiên là kinh nghiệm. Người dẫn dắt tập thể phải là người được các cầu thủ biết đến và tôn trọng. HLV phải sở hữu được uy quyền đối với các cầu thủ của mình. Kinh nghiệm là thứ tạo ra quyền lực đối với một HLV trưởng", HLV Troussier trả lời truyền thông. ‏

‏Cựu HLV CLB Marseille của Pháp cũng nói về mục tiêu của ông khi huấn luyện đội tuyển Nhật Bản là tạo ra một tập thể gắn kết, giàu thể lực, kỷ luật, cứng rắn và tự chủ. Tập thể ấy chỉ có thể thành hình trong lò luyện khắc nghiệt mà ông Troussier tạo ra, mà tấm vé lọt vào vòng 16 đội ở World Cup lần đầu tiên trong lịch sử là thành quả của những "khối vàng" đã nung qua bão lửa. ‏

‏Tất nhiên, cá tính và cách hành xử của HLV Troussier thay đổi linh hoạt tùy theo môi trường, nhưng những giá trị cốt lõi trong triết lý của nhà cầm quân người Pháp không thay đổi. "Tiêu chí chọn cầu thủ của tôi là nhìn nhận năng lực cá nhân, khả năng hòa nhập vào lối chơi tập thể chung trước khi xác định cầu thủ ấy từ CLB nào", ông Troussier nói.

Triết lý quản trị của HLV Troussier - Ảnh 4.

HLV Troussier sẽ củng cố tính kỷ luật ở đội tuyển Việt Nam

KHẢ HÒA

 ‏Khi còn huấn luyện đội U.19 Việt Nam, ông từng không gọi những cầu thủ mặc định có tên trong danh sách. Nguyên tắc ấy rất có thể sẽ được duy trì ở đội tuyển Việt Nam và đây là tín hiệu tốt. Sự cứng rắn và khắt khe của HLV Troussier là bàn đạp động lực để các cầu thủ phải nỗ lực hết sức.

Không ai chắc suất đá chính, mọi cầu thủ phải cố gắng đến cùng để được lựa chọn. Đây là nguồn năng lượng nội tại cần thiết để đội tuyển Việt Nam tự làm mới và thúc đẩy mình. ‏

‏Với con mắt tinh tường, tin rằng HLV Troussier sẽ không bỏ sót nhân tài và luôn mở rộng cơ hội với những cầu thủ tận hiến. Đội tuyển Việt Nam đã vươn cao dưới thời HLV Park Hang-seo nhờ kỷ cương và nề nếp. Yếu tố này cần được kế thừa, thậm chí nâng lên ở mức độ cao hơn cùng HLV Troussier, tất nhiên cũng cần mềm dẻo và phù hợp với văn hóa bản địa để đạt được mục tiêu nâng tầm bóng đá Việt Nam.‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.