Triều Tiên cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa

30/04/2022 11:35 GMT+7

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un một lần nữa cảnh báo nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu nếu bị đe dọa.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 30.4 cho biết ông Kim thể hiện "ý chí kiên định" về việc tiếp tục tăng cường sức mạnh của quân đội để có thể "ngăn chặn trước và triệt để, cũng như làm thất bại mọi âm mưu nguy hiểm và động thái đe dọa, bao gồm mối đe dọa hạt nhân ngày càng leo thang từ các thế lực thù địch, nếu cần thiết".

Theo KCNA, ông Kim đã gặp các quan chức quân sự hàng đầu để ca ngợi đóng góp của họ cho cuộc duyệt binh hôm 25.4. Tại cuộc duyệt binh, Triều Tiên đã giới thiệu những vũ khí lớn nhất trong chương trình hạt nhân của quân đội nước này, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ và nhiều loại tên lửa nhiên liệu rắn tầm ngắn hơn. Những vũ khí này làm gia tăng mối đe dọa đối với Hàn Quốc và Nhật Bản. KCNA không cho biết cuộc gặp diễn ra khi nào.

Ông Kim Jong-un đứng trước các quân nhân trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng.

kcna/reuters

Cuộc duyệt binh đánh dấu 90 năm ngày thành lập quân đội của Triều Tiên diễn ra giữa lúc ông Kim liên tục lên tiếng về năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhằm buộc Mỹ chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Phát biểu trước hàng nghìn quân nhân và khán giả tại sự kiện này, ông Kim cam kết sẽ phát triển lực lượng hạt nhân với "tốc độ nhanh nhất có thể" và đe dọa sẽ sử dụng chúng nếu bị khiêu khích, theo AP. Ông nói rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ "không bao giờ bị giới hạn cho một nhiệm vụ duy nhất là răn đe chiến tranh" trong các tình huống mà "lợi ích căn bản" của Triều Tiên bị đe dọa từ bên ngoài.

Xem hình ảnh vụ phóng tên lửa liên lục địa mạnh nhất của Triều Tiên

Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ thử nghiệm vũ khí chỉ từ đầu năm đến nay, bao gồm cả vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên kể từ năm 2017, trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang tập trung vào xung đột Nga-Ukraine.

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ kể từ năm 2019 vì những bất đồng về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu để đổi lấy các bước giải trừ quân bị của Triều Tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.