Triều Tiên xác nhận phóng tên lửa Hwasong-17, 'sẵn sàng đối đầu lâu dài với Mỹ'

Khánh An
Khánh An
25/03/2022 07:13 GMT+7

Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 nhằm khẳng định sức mạnh quân sự và răn đe chiến tranh hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Triều Tiên được phóng thử ngày 24.3

afp

Hãng Yonhap ngày 25.3 đưa tin CHDCND Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới mang tên Hwasong-17 vào một ngày trước đó dưới chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Kim Jong-un.

Chỉ đạo tại hiện trường, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh rằng đất nước ông sẽ “hoàn toàn sẵn sàng đối đầu lâu dài với Mỹ”.

Xem hình ảnh vụ phóng tên lửa liên lục địa mạnh nhất của Triều Tiên

“Vũ khí chiến lược mới sẽ khiến cả thế giới một lần nữa biết rõ về sức mạnh của lực lượng vũ trang chiến lược của chúng ta”, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông phát biểu.

Tên lửa bay 1.090 km trong vòng 4.052 giây với độ cao tối đa là 6.248 km

AFP

Theo bản tin, Chủ tịch Kim nhấn mạnh rằng lực lượng quốc phòng sẽ sở hữu năng lực, kỹ thuật đáng nể và không lo sợ bất cứ mối đe dọa quân sự nào.

Ông cảnh báo rằng bất cứ lực lượng nào xâm phạm an ninh quốc gia của Triều Tiên nên biết rõ sẽ phải trả giá đắt. Nhà lãnh đạo này đã chỉ đạo chi tiết hầu như hằng ngày để đảm bảo rằng tên lửa Hwasong-17 hoàn tất, trở thành “phương tiện răn đe chiến tranh hạt nhân đáng tin cậy” và vũ khí mới là thành quả của việc tự lực.

Cũng theo bản tin, ICBM đã bay 1.090 km trong vòng 4.052 giây với độ cao tối đa là 6.248 km, trước khi rơi trúng khu vực dự kiến trước tại vùng biển phía đông nước này.

Quân đội Hàn Quốc trước đó cho rằng tên lửa được phóng từ sân bay Sunan ở Bình Nhưỡng vào lúc 14 giờ 34 (giờ địa phương), bay 1.080 km với trần bay hơn 6.200 km.

Theo Reuters, Mỹ đã ra các lệnh cấm vận đối với 2 công ty Nga và một tổ chức của Triều Tiên với cáo buộc chuyển giao những thứ nhạy cảm cho chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, 2 công ty Nga bị cấm vận gồm Tập đoàn Ardis và công ty PFK Profpodshipnik, còn tổ chức Triều Tiên là Ban Đối ngoại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên thứ 2.

Hình ảnh cuộc phóng thử tên lửa của Triều Tiên hôm 24.3 được đưa ra một ngày sau đó

afp

Bên cạnh đó, công dân Nga Igor Aleksandrovich Michurin và công dân Triều Tiên Ri Sung-chol cũng bị cấm vận. “Các biện pháp này nằm trong nỗ lực của chúng tôi nhằm ngăn cản Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và chúng thể hiện vai trò tiêu cực của Nga trên trường quốc tế trong việc xúc tiến các chương trình gây quan ngại”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.

Triều Tiên đang chịu cấm vận gì khi thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo?

Ngoài ra, Mỹ còn cấm vận Công ty Zhengzhou Nanbei Instrument Equipment của Trung Quốc với cáo buộc cung cấp thiết bị được kiểm soát bởi Australia Group, hiệp hội không chính thức của 42 quốc gia được thành lập vào năm 1985, hoạt động nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu vũ khí hóa học và sinh học cũng như các vật liệu được sử dụng để sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.