Theo tường thuật của hãng thông tấn KCNA ngày 16.1, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi sửa đổi hiến pháp nước này để xác định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch số 1” và hệ thống hóa cam kết “làm chủ” lãnh thổ Hàn Quốc trong trường hợp xung đột xảy ra.
KCNA cho biết ông Kim đã phát biểu tại kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức quốc hội Triều Tiên) khóa 14, diễn ra hôm 15.1. Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo kêu gọi xây dựng cơ sở pháp lý để xác định Hàn Quốc không phải là đối tác để hòa giải và thống nhất.
“Trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, điều quan trọng là phải tính đến vấn đề làm chủ, áp đảo, giành lại Hàn Quốc và sáp nhập nước này vào lãnh thổ Triều Tiên”, KCNA dẫn lời ông Kim.
Nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng cũng nói rằng Hàn Quốc nên được coi là “quốc gia thù địch số 1 và là kẻ thù chính không thể thay đổi” trong hiến pháp Triều Tiên.
Cũng theo KCNA, quốc hội Triều Tiên đã quyết định xóa bỏ các cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều. Các cơ quan này bao gồm Ủy ban Thống nhất Hòa bình Tổ quốc, Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia và Cơ quan quản lý Du lịch Quốc tế Kumgangsan.
KCNA cho biết Bình Nhưỡng sẽ giải thể những cơ quan chỉ tồn tại với mục đích thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên Triều. Chính phủ Triều Tiên và các cơ quan liên quan sẽ thực hiện các biện pháp “thiết thực” để thực hiện quyết định của quốc hội.
Kỳ họp quốc hội Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh ông Kim đã xác định mối quan hệ giữa nước này với Hàn Quốc là mối quan hệ giữa “hai quốc gia thù địch với nhau” tại một hội nghị trung ương của đảng cầm quyền Triều Tiên hồi cuối năm ngoái.
Theo ông Kim, nỗ lực thúc đẩy sự thống nhất giữa hai miền bán đảo Triều Tiên là “sai lầm” không nên lặp lại.
Triều Tiên phóng tên lửa, ông Kim Jong-un nói sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ sai lầm
CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc - tên chính thức của hai nhà nước cùng tồn tại trên bán đảo Triều Tiên - đều được thành lập vào năm 1948. Song về mặt kỹ thuật, mỗi nước vẫn coi bên kia là thực thể bất hợp pháp và hai bên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do chưa đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Trong hiến pháp của mình, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Cho đến nay, những gì được thông qua trong quan hệ ngoại giao giữa hai bên đều được xử lý bởi Bộ Thống nhất ở Seoul và Ủy ban Thống nhất Hòa bình Tổ quốc ở Bình Nhưỡng, theo AFP.
Bình luận (0)