Trình Chính phủ 5 phương án xử lý BOT Cai Lậy

Mai Hà
Mai Hà
13/04/2018 16:04 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ 5 phương án xử lý dự án BOT quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

Cụ thể, phương án 1 mà Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, là giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm, khoảng 30% so với ban đầu. Các phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ tiếp tục được giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt (đây là mức thu thấp nhất trong tất cả các dự án BOT trên quốc lộ 1 hiện nay), đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận.
Thời gian hoàn vốn theo phương án này khoảng 15 năm 9 tháng. Ưu điểm là không phải bố trí ngân sách nhà nước hỗ trợ, nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn.
Phương án 2 theo đề xuất là lập thêm 1 trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm với mức thu 15.000 đồng/lượt tại trạm trên quốc lộ 1 và 25.000 đồng/lượt với trạm trên tuyến tránh đối với các phương tiện nhóm 1.
Ưu điểm của phương án này là giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm là phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng thêm trạm ở vị trí mới khoảng 90 tỉ đồng, địa phương phải bố trí thêm diện tích giải phóng mặt bằng để làm trạm. Đồng thời, phương án này dễ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi trên quốc lộ 1 do mức phí thấp hơn, gây ùn tắc, dễ dẫn đến hệ luỵ lan rộng ra các dự án BOT tuyến tránh khác.
Phương án 3 đề xuất giữ nguyên vị trí trạm, mức giá 25.000 đồng/lượt phương tiện nhóm 1, thu giá hoàn vốn khoảng 7 năm 7 tháng. Ưu điểm là đảm bảo khả thi về tài chính, không phải bố trí ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, dư luận còn một số ý kiến cho rằng vị trí trạm thu giá đặt sai nên theo Bộ Giao thông vận tải cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc đặt trạm là đúng quy định; Bộ Công an và địa phương cần có biện pháp đảm bảo việc tiếp tục tổ chức thu giá tại trạm.
Phương án 4 theo đề xuất của  Bộ Giao thông vận tải là đặt trạm thu giá trên tuyến tránh. Tuy nhiên, theo số liệu đếm xe, chỉ có khoảng 3.800 ô tô các loại lưu thông trên tuyến tránh, dẫn tới không đảm bảo phương án tài chính dự án. Nhà nước sẽ phải sử dụng ngân sách hỗ trợ, theo tính toán sơ bộ, phải bố trí ngân sách khoảng 1.250 tỉ đồng vào năm 2019. Nếu phân luồng, yêu cầu các xe vào tuyến tránh sẽ dẫn đến phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé với mức giá cao hơn.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề xuất trước mắt tiếp tục dừng thu tại trạm Cai Lậy hiện tại và thành lập 1 trạm tạm thời trên tuyến tránh. Sau thời gian 3 tháng tạm thu trên trạm tuyến tránh, Bộ sẽ đánh giá đầy đủ tình hình lưu lượng xe, các hệ lụy, tính toán cụ thể phương án tài chính của dự án và báo cáo Thủ tướng phương án xử lý.
Phương án 5 là đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng tương tự như hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao, xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy hiện nay, không thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và dùng vốn nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hợp đồng BOT đã ký.
Thời gian hoàn trả tương ứng thời gian thực hiện hợp đồng BOT (7 năm 7 tháng). Số tiền thanh toán hàng năm đã bao gồm lãi vay phát sinh khoảng hơn 2.000 tỉ đồng.
Theo một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, phương án xử lý BOT Cai Lậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các dự án BOT tuyến tránh và các dự án thu cả đường mới, đường cũ nên cần được xem xét thận trọng. Trong số các phương án này, việc dùng ngân sách nhà nước mua lại dự án hoặc sử dụng ngân sách hỗ trợ nhà đầu tư rất khó khả thi, do ngân sách hiện còn khó khăn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.