Trong gia đình, con gái thường gần gũi mẹ hơn ba, tôi cũng vậy. Với tôi, ba là người khó tính, đòi hỏi cao, hay la mắng nên khoảng cách giữa tôi và ba khá xa vời.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Từ nhỏ đến lớn, dù không nói ra nhưng tôi đã ngấm ngầm “thiên vị” tình cảm dành cho mẹ.
Khi đi học xa hoặc đi công tác lâu ngày, tôi vẫn thường gọi điện và chăm chút từng món quà tặng mẹ mà “bỏ quên” ba. Bởi vậy, tôi không mấy quan tâm đến cảm xúc vui buồn của ba ra sao cho đến tận ngày đi lấy chồng. Lúc đưa dâu, tôi nhìn thấy mắt ba đỏ hoe như sắp khóc. Giây phút ấy, tôi mới nhận ra mình đã quá thờ ơ với ba. Nhưng điều đó qua rất nhanh, những tất bật của cuộc sống cuốn đi, nếp sống cũ trở lại. Tôi vẫn về thăm nhà nhưng chỉ tỉ tê tâm sự với mẹ, ít khi hỏi han ba.
Cho đến một ngày, ba bị cơn tai biến quật ngã. Trong một lần phụ mẹ dọn dẹp phòng, tôi tìm thấy một cuốn album cũ ố vàng. Những hình ảnh thơ bé của tôi được ba cất giữ cẩn thận, có những bài thơ, dòng nhật ký ông viết cho tôi vào những ngày trọng đại như thi đỗ đại học, tốt nghiệp, ngày cưới và lúc nào cũng bắt đầu bằng “con gái yêu của ba”. Đọc những dòng chữ ấy, nước mắt tôi trào ra, ba kể rất nhiều chuyện kể cả nỗi buồn bị con gái “thờ ơ”. Tôi ân hận vô cùng nhưng không còn cơ hội để bày tỏ tình cảm với ba nữa.
Nếu bạn may mắn còn có ba trong đời, hãy cởi mở lòng mình hơn. Bởi bản tính đàn ông khô khan không thể cho ba sự dịu dàng, gần gũi như mẹ, nhưng trái tim luôn yêu thương và dõi theo con trong từng bước đi trên đường đời.
Bình luận (0)