Trở lại Củ Chi 'Đất thép thành đồng'

01/12/2023 15:00 GMT+7

Tôi trở lại thăm địa đạo Củ Chi lần thứ hai. Lần đầu lúc tôi sắp về hưu, công đoàn trường có tổ chức cho tập thể giáo viên đi tham quan địa đạo, lúc đó tôi vui lắm vì lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến một địa đạo được xây dựng trong lòng đất, nơi được mệnh danh là "Đất thép thành đồng".

Lần này tôi đi với hai con. Con chị tốt nghiệp đại học xã hội nhân văn, có công việc ổn định, còn thằng nhỏ vừa lấy được học bổng ASEAN của Singapore, tháng 11 đã bay sang đó học tập. Thăm địa đạo Củ Chi lần này tôi mong muốn các con có cái nhìn mới mẻ về quê hương một thời đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hiểu được cuộc sống tự do hạnh phúc hôm nay được đổi lấy bằng nhiều xương máu của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có chiến sĩ đồng bào đã chiến đấu dũng cảm, nằm lại trên mảnh đất anh hùng nầy. Các con đã lớn và qua trải nghiệm trong đợt đi hình thành nhân sinh quan, cách sống của mình trong tương lai để xứng đáng với những hy sinh anh dũng đó.

Trở lại Củ Chi 'Đất thép thành đồng' - Ảnh 2.

Tham quan địa đạo Củ Chi là dịp để ôn lại văn hóa lịch sử hào hùng của ông cha

Chí Nhân

Khu di tích địa đạo Củ Chi nằm phía tây bắc của TP.HCM, cách khoảng 70 km trên đường tỉnh lộ 15, thuộc ấp Phú Hiệp xã Phú Mỹ Hưng huyện Củ Chi. Xe chúng tôi bon bon theo đường quốc lộ 22 xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn tiếng ve ngân của những ngày tháng năm đầy nắng. Địa đạo được dân và quân xã Tân Phú Trung và xã Phước Vĩnh An xây dựng trong giai đoạn chống Pháp phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài của đất nước. Bên ngoài địa đạo bố trí nhiều hầm chông, bãi mìn chống lại sự càn quét của địch bảo vệ an toàn vùng căn cứ địa cách mạng.

Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh mở rộng, địa đạo được gia cố mở rộng thêm. Tổng chiều dài địa đạo lên đến 250 km. Có 3 tầng hầm sâu khác nhau, tầng sâu nhất cách mặt đất đến 12 m, các tầng được kết nối với nhau thành hệ thống liên hoàn, có cả một hệ thống thông hơi được ngụy trang kín đáo ở những gốc cây bụi rậm. Địa đạo có 2 địa điểm: địa đạo Bến Dược, nơi này là căn cứ khu ủy Quân khu Sài Gòn – Gia Định được bảo tồn ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng và địa đạo Bến Đình, căn cứ Huyện ủy Củ Chi được bảo tồn ở Bến Đình, xã Nhuận Đức.

Điều làm cho 3 mẹ con tôi thú vị là việc các hướng dẫn viên trong khu bảo tồn ăn mặc như trong thời chiến tranh: nam mặc đồ giải phóng mũ tai bèo, nữ áo bà ba đen quàng khăn rằn, tất cả đều đi dép lốp. Họ có mặt ở những nơi cần thiết làm khách tham quan cảm nhận như mình đang sinh hoạt trong thời Củ Chi đánh giặc. Một đĩa khoai mì luộc, một bát muối mè, một ly rượu bé trong vắt được mời mọc chân tình cũng đủ làm khách cảm thấy gần gũi thương mến vì sự hiếu khách của họ.

Trở lại Củ Chi 'Đất thép thành đồng' - Ảnh 3.

Du khách xem biểu diễn nghề làm bánh tráng truyền thống của người dân Củ Chi

Chí Nhân

Chúng tôi chăm chú nghe cô hướng dẫn viên đứng trước sơ đồ thuyết minh về địa đạo. Dưới địa đạo bố trí các khu hầm thiết yếu cho cuộc chiến đấu lâu dài như: phòng hội họp, phòng ăn thông với bếp Hoàng Cầm giấu được khói - không để máy bay địch phát hiện, hầm cứu chữa thương bệnh binh, hầm dự trữ lương thực và vũ khí sử dụng trong thời gian dài. 

Dài theo địa đạo, chiến sĩ xây dựng hàng ngàn ụ, ổ chiến đấu được liên hoàn với các giao thông hào trên mặt đất, hầm tránh bom chữ A tránh sụp hầm khi bị bom lớn công phá... Khi đi tham quan đến trước một địa đạo, hai đứa con tò mò không biết bên dưới ra sao nên xin phép tôi được xuống thử, tôi dặn con cẩn thận vì đường trong địa đạo rất nhỏ hẹp, phải khom lưng đi vì trần thấp, thiếu không khí nên thấy không ổn thì xem ngách nào thông lên mặt đất gần nhất theo bậc thang mà đi lên.

Rời địa đạo, chúng tôi theo đoàn tham quan đến Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, được ngắm cổng tham quan, nhà văn bia, tháp chín tầng và ngôi điện chính có kiến trúc truyền thống hài hòa cùng thiên nhiên. Khu đền là nơi tưởng niệm các chiến sĩ đồng bào đã hy sinh, trong đền ghi đầy đủ họ tên 44.375 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong các cuộc kháng chiến giải phóng bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Chúng tôi đốt nhang tưởng niệm với lòng thành kính. Trước đền có khắc bài văn bia của nhà thơ Viễn Phương, nhà thơ nổi tiếng với bài Viếng lăng Bác mà ai cũng biết, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của những người còn sống:

"Máu hồng tỏa hương chính khí

Nhân kiệt làm nên địa linh

Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng

Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước

Người đang sống nhớ thương người đã khuất

Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời

Những anh linh như ngàn sao tỏa sáng

Đời đời sau chiếu mãi tim người"

Chiến tranh đi qua gần nửa thế kỷ nhưng những năm tháng hào hùng vẫn vang lên trong lòng người đến thăm địa đạo Củ Chi, nơi mệnh danh là "Đất thép thành đồng" và được nhà nước công nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Địa đạo Củ Chi, cái tên đã trở thành huyền thoại, in đậm dấu ấn lịch sử và những chiến công vẻ vang của dân Sài Gòn - Gia Định trong các cuộc kháng chiến, giờ trở thành một địa điểm lý tưởng cho mọi người "về nguồn". Trên đường về tôi bỗng nhớ đến bài Về Củ Chi của nhà thơ Đỗ Xuân Thu trong một lần ông ghé thăm:

"... Mình về Bến Dược nghe em

Tìm trong khoảng lặng êm đềm khúc ru

Anh linh liệt sĩ ngàn thu

Tâm nhang cháy đỏ vi vu hồn người

Tam giác sắt của một thời

Mưa bom bão đạn vẫn ngời niềm tin

Đất chở che, đất giữ gìn

Mấy tầng địa đạo muôn nghìn chiến công..."

Tiếng lá cây rừng reo lên như muốn chia tay cùng chúng tôi khi xe bắt đầu lăn bánh.

Trở lại Củ Chi 'Đất thép thành đồng' - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.