Hôm nay là chủ nhật, tôi được nghỉ học nên đã xin ba mẹ cho đi theo cùng để qua sông thăm đám ruộng nhà mình và phụ ba mẹ làm công việc đồng áng. Nói là phụ cho oai vậy thôi chứ mục đích thiệt sự là để được dịp đi xuồng, được lội ruộng mò hang bắt cua bắt cá, cái thú vui mà hầu như bất cứ đứa nhỏ nào ở vùng sông nước ruộng đồng như tôi cũng đều mê mẩn. Ba mẹ đã thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị cơm nước và mọi thứ, khi tất cả đã xong thì tôi và ba mẹ cùng hòa vào dòng người huyên náo ngoài kia...
Suốt dọc đường đi hai hàng cây mù u và trâm bầu che phủ một màu xanh ngắt ven con rạch nhỏ, hơi nước và cây cối quyện vào nhau tạo ra bầu không khí thật trong lành và mát mẻ. Bên dưới rạch thi thoảng vài con cá thòi lòi chạy nhảy tung tăng trên mặt nước giống như đang nhảy múa nhìn thật vui mắt, những con còng cũng thi nhau bò ra khỏi hang đi kiếm ăn.
Do nhà cách bến sông cũng không xa nên lội bộ chừng 15 phút là tới nơi. Đưa mắt nhìn từ xa đoạn ở giữa sông, làn sương mù mờ ảo đang còn che phủ, ẩn hiện bên trong nó là chiếc xuồng nhỏ cũ kỹ của bác Ba Khen đang lênh đênh trên mặt nước. Đò... ò..., tiếng gọi lớn của một ông chú trong nhóm người đang đợi đò vang vọng cả bến sông, đáp lại bác Ba cũng hô lớn ơ... ơ... Chiếc xuồng xuôi mái từ từ cập bến. Bác Ba với dáng người nhỏ thó, gầy gò, đen sạm nhìn thật phong trần, trên đầu đội cái nón tai bèo đã cũ rách, mặc chiếc áo vải mỏng với chiếc quần xà lỏn chưa qua khỏi đầu gối, bên dưới là đôi chân trần nứt nẻ không dép. Bác năm nay vào tuổi ngũ tuần, nghe đâu bến đò này của bác đã có từ thời chiến, trước năm 1975 cho đến tận bây giờ.
Thói quen của tôi mỗi lần được đi xuồng là giành xuống trước, bước tới gần sát ngay phía mũi - chỗ ưa thích của tôi. Khi ngồi ở đây sẽ được nhìn thấy cảnh mũi xuồng rẽ nước tạo thành con sóng ở hai bên và được hứng trọn từng cơn gió mát lạnh thổi trực diện vào mặt, vào mũi, cảm giác sảng khoái và dễ chịu vô cùng. Sau 10 phút chèo chống thì xuồng đến được bờ bên kia.
Hình ảnh đầu tiên lọt vào tầm mắt là một màu xanh rì của cánh đồng lúa, trải dài đến tận chân trời và dường như không có điểm dừng. Đôi chân trần nhỏ bé đi từng bước cảm nhận cái mát lạnh của mặt đất còn ẩm hơi sương, thoảng trong gió mùi hương của lúa đang trong kỳ ngậm sữa hòa lẫn với mùi của sình đất lan tỏa khắp nơi. Tiếng kêu của chim bìm bịp báo hiệu con nước lớn thi thoảng xen lẫn tiếng cu gáy vang lên từ trong mấy rặng dừa nước dọc ở mé sông. Trên cánh đồng, từng bầy chim sẻ, chim chích ríu rít vờn nhau bay lượn... Tất cả hợp thành một khung cảnh thật tươi vui và sống động.
Lội bộ băng qua mấy đám ruộng, cuối cùng cũng đến được thửa ruộng của nhà tôi. Vừa đến nơi, mẹ loay hoay tìm bóng cây che mát cho cái giỏ đựng đồ ăn và cơm nước, rồi bỏ nó xuống một đám cây bình bát mọc ở ven bờ. Xắn ống quần qua khỏi đầu gối, mẹ lội xuống men theo con mương nhỏ dẫn nước đi vào giữa đám ruộng để nhổ những cây cỏ dại mọc lẫn trong lúa. Ba thì vác cái phảng đi dọc theo đường bờ để phát hoang những đám cỏ mọc um tùm. Tôi cũng bắt chước lội xuống theo mẹ để phụ một tay...
Được chừng khoảng nửa tiếng sau thì tôi bắt đầu thấy chán với công việc này. Rẽ sang một hướng khác, bước lần theo mé bờ để quan sát, khi vừa nhìn thấy một cái hang thì tôi thọc tay vào sâu để mò tìm xem có con cua hay con cá nào đang ở bên trong hay không. Mò mẫm một hồi phải đến tận cái hang thứ 5 mới tìm thấy một con cua đang nằm bất động, khi ngón tay tôi vừa chạm trúng nó thì ngay lập tức nó đáp trả lại bằng một phát kẹp khiến tôi đau điếng, nhưng vẫn phải ráng gồng mình chịu đựng nắm lấy cái càng để kéo nó ra. Sau ít phút vật lộn, cuối cùng nó cũng bị lôi ra khỏi hang, thành quả cho nỗi đau mà tôi phải chịu đựng quả thật xứng đáng, phải nói đây là con cua bự nhất mà tôi từng bắt được, nó lớn hơn cả lòng bàn tay, cái càng to bằng ngón chân cái. Cảm giác đau buốt khi ngón tay đang còn rỉ máu hòa lẫn niềm vui sướng khi bắt được một con cua bự chảng thực sự khó diễn tả thành lời…
Leo lên bờ, tôi bỏ con cua vào trong cái giỏ đan bằng tre mà ba đã chuẩn bị sẵn, tiếp tục lội sình lao vào cuộc tìm kiếm, khám phá những cái hang đến tận giữa trưa. Bỗng tiếng sấm rền vang vọng ầm… ầm... Giật mình tỉnh giấc, hóa ra tôi vừa nằm mơ.
Đó cũng là tất cả những gì sót lại về vùng nông thôn nghèo Nhơn Trạch còn lưu giữ trong tiềm thức của tôi. Nhơn Trạch ngày nay đã thay diện mạo mới, dựa vào vị trí địa lý chiến lược nằm giữa các trục đường chính thông với các tỉnh thành phía Nam, với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, đồng thời nằm tiếp giáp với hải cảng thông ra biển. Trên cơ sở này, chính phủ đã quan tâm đầu tư vào xây dựng đường sá - ngày càng nâng cấp và mở rộng, việc giao thương hàng hóa trên khắp mọi miền đất nước trở nên thuận tiện. Chính vì thế đã tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư về thành lập các cụm khu công nghiệp và phát triển theo thời gian. Dòng người nhập cư cũng đổ về ngày một đông để tìm cho mình công việc và một cơ hội đổi đời. Nhà cửa mọc lên khắp nơi, len lỏi vào tận các xóm làng xưa nay vốn dĩ không có người sinh sống.
Người Nhơn Trạch bao đời đã quen với cuộc sống làm nông chân lấm tay bùn, nhưng rồi họ cũng phải chuyển đổi thích nghi và quen dần với nhịp sống công nghiệp hối hả. Xét về mặt tích cực thì lợi ích từ việc phát triển kinh tế đã nâng cao đời sống vật chất cho người dân, nhưng mặt trái mà nó mang lại cũng không thể không kể đến, đó là việc môi trường sống ngày càng trở nên bị ô nhiễm bởi nước và khí thải độc hại thải ra trực tiếp bên ngoài từ các công ty không tuân thủ luật pháp. Lượng người nhập cư đông đảo cũng kéo theo nhiều tệ nạn xã hội thường. Bản chất của nếp sống công nghiệp cũng khác xa với đời sống nông nghiệp nên đã khiến cho các giá trị sống về tinh thần giữa con người và con người với nhau cũng không còn được như xưa…
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)