Tại Washington D.C tối 21.12 (giờ địa phương), ông Zelensky đã có bài phát biểu trước các nhà lập pháp lưỡng viện quốc hội Mỹ. Trong một khoảnh khắc mang tính biểu tượng cao, ông đã trao cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lá cờ Ukraine có chữ ký của những người lính đang chiến đấu ở Bakhmut, một trong những mặt trận khốc liệt nhất lúc này tại quê nhà của ông. Sau khi nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ các nghị sĩ, ông Zelensky bước ra khỏi hội trường cùng với lá cờ Mỹ đã tung bay trên Điện Capitol ngày hôm đó.
Ông Zelensky và ông Biden tại Nhà Trắng ngày 21.12 |
Reuters |
Chuyến đi ngắn ngủi nhưng quan trọng
Nhà lãnh đạo 44 tuổi của Ukraine chỉ ở Mỹ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ hôm 21.12, từ đầu buổi chiều đến tối, song chuyến đi mang ý nghĩa lớn vì đây là lần đầu tiên ông Zelensky rời khỏi Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng nổ hồi cuối tháng 2. Chuyến đi cũng diễn ra giữa lúc quốc hội Mỹ đang chuẩn bị biểu quyết về ngân sách năm sau, bao gồm khoản viện trợ bổ sung trị giá 45 tỉ USD cho Ukraine. Việc thông qua gói ngân sách này có thể gặp khó khăn khi đảng Cộng hòa trở lại nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ từ đầu năm sau.
Xem nhanh: Chiến dịch ngày 301, tổng thống Ukraine đến Mỹ kêu gọi hỗ trợ, ông Putin họp củng cố quân đội |
“Hai quốc gia chúng ta là đồng minh trong cuộc chiến này và năm tới sẽ là bước ngoặt”, ông Zelensky nói, theo báo The New York Times. Ông nhấn mạnh viện trợ của Mỹ không phải là từ thiện, mà là “một khoản đầu tư vào nền dân chủ và an ninh toàn cầu mà chúng tôi xử lý theo cách có trách nhiệm nhất”.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 22 tỉ USD về hỗ trợ quân sự từ đầu chiến sự đến nay. Ngay khi ông Zelensky đang ở trên đất Mỹ, Nhà Trắng đã công bố khoản viện trợ mới trị giá 1,85 tỉ USD, trong đó lần đầu tiên Washington đồng ý chuyển cho Kyiv hệ thống tên lửa phòng không Patriot tân tiến. Dù vậy, sự hỗ trợ của Mỹ “thực sự vẫn chưa đủ”, theo Tổng thống Ukraine.
“Trận chiến này không thể bị đóng băng hoặc bị trì hoãn. Cũng không thể bị phớt lờ”, ông Zelensky nói với các nhà lập pháp Mỹ, đồng thời tuyên bố Ukraine sẽ “giữ vững lập trường và không bao giờ đầu hàng”, cũng như không thỏa hiệp. “Cuộc đấu tranh này sẽ xác định con cháu chúng ta sẽ sống trong thế giới nào”, ông nói.
Tổng thống Putin nói Nga muốn chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine 'càng sớm càng tốt' |
Viễn cảnh nhiều thách thức
Trước khi phát biểu ở quốc hội Mỹ, ông Zelensky đã có cuộc họp kín kéo dài hơn 2 tiếng với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Mối quan hệ của họ đã có những thời điểm căng thẳng trước khi xung đột nổ ra và thậm chí cả sau đó, khi nhà lãnh đạo Ukraine liên tục thúc ép Mỹ và phương Tây tăng cường viện trợ quân sự.
“Chúng tôi sẽ ở bên các bạn chừng nào còn cần thiết. Những gì các bạn đang làm, những gì các bạn đã đạt được, không chỉ quan trọng với Ukraine mà còn với toàn thế giới”, ông Biden nói trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky, theo Financial Times.
Ông Zelensky đến Mỹ thế nào?
Chuyến đi của ông Zelensky bắt đầu bằng việc ông bí mật đi tàu lửa sang Ba Lan, nước láng giềng của Ukraine, vào tối 20.12 (giờ Ukraine), theo Reuters. Sáng hôm sau, ông có mặt tại thành phố Przemysl ở miền nam Ba Lan. Video mà một kênh truyền hình tư nhân quay được cho thấy ông xuất hiện ở ga tàu thành phố cùng với Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink.
Tại Ba Lan, ông lên một máy bay của chính phủ Mỹ. Đến khoảng trưa 21.12 (giờ Bờ Đông Mỹ), máy bay hạ cánh tại căn cứ Andrews ở bang Maryland, cách Washington D.C khoảng 20 km về phía đông nam. Sau đó, một đoàn xe hộ tống ông đến Blair House, nhà khách của tổng thống Mỹ nằm trên đại lộ Pennsylvania. Tiếp theo, ông di chuyển đến Nhà Trắng gần đó, được Tổng thống Biden và phu nhân chào đón. Thay vì mặc âu phục, ông Zelensky mặc áo len màu xanh quân đội mang tính biểu tượng.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington đã tham vấn chặt chẽ với Kyiv về “các thông số an ninh” để ông Zelensky có thể rời Ukraine và thăm Mỹ trong thời gian ngắn rồi quay trở lại.
Tổng thống Putin: Quân đội Nga phải khắc phục các vấn đề đã gặp ở Ukraine |
Báo The New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ nhận định, bước qua năm 2023, quân đội Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong việc giành lại các vùng lãnh thổ đang do Nga kiểm soát, trong khi lực lượng của Nga tập trung vào việc bảo vệ các vùng đất đó thay vì cố gắng tiến sâu hơn vào Ukraine. Theo đó, chiến sự nhiều khả năng sẽ lâm vào tình thế bế tắc mà hai bên đều không thể giành quyền kiểm soát thêm bất cứ khu vực nào bất chấp giao tranh ác liệt.
Hôm 21.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận một số thiếu sót của quân đội nước này, nói lực lượng của Moscow cần “cải thiện hệ thống chỉ huy và kiểm soát”, cũng như khả năng đáp trả pháo binh của đối phương. Song ông cũng nhấn mạnh chính phủ sẽ “cung cấp tất cả mọi thứ mà quân đội yêu cầu”, gửi đi thông điệp rằng Moscow sẽ tiếp tục chiến đấu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp lãnh đạo Hội đồng An ninh Nga |
Bình luận (0)