Trời không mưa, người người vẫn mặc áo mưa chống chọi cái lạnh miền Trung

An Dy
An Dy
13/01/2021 13:38 GMT+7

Đó là cách không ít người Đà Nẵng, người miền Trung chống chọi lại đợt lạnh đỉnh điểm, nhiệt độ xuống thấp nhất (13-17 độ) kỷ lục trong nhiều năm qua ở địa phương này.

Với thời tiết quanh năm nóng ẩm, thì người miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng có thể nói là chịu nóng vẫn còn dễ hơn là chịu lạnh. Nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao, người miền Trung đang trải qua những ngày thực sự rét buốt đến tê tái...
Dự báo thời tiết cho thấy đợt lạnh đỉnh điểm sẽ kéo dài gần 1 tuần, đết hết 15.1. Nơi chịu nền nhiệt xuống thấp nhất vẫn là các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên, không khí lạnh cũng tràn xuống các tỉnh miền Trung, vào tận Nam Trung Bộ. Tại Đà Nẵng, nhiệt độ ban đêm xuống ở mức 13 độ C, ban ngày 18-20 độ C. Chênh lệnh nhiệt độ lớn khiến người Đà Nẵng vốn không quen với thời tiết lạnh buốt đã “lạnh chịu không nổi”.

Trên các tuyến đường ở Đà Nẵng, rất nhiều người phải sử dụng áo mưa bên ngoài để chống lạnh dù trời không mưa

An Dy

Nhiều người Đà Nẵng chọn cách xuống đường với áo mưa dù trời không mưa. Chị Nguyễn Hồng Loan (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) trùm kín áo mưa để đưa các con đến trường sớm. Chị Loan cho biết, mặc dù các cháu đã được đã được mặc nhiều lớp áo và khăn mũ len, tất tay chân... nhưng nhiệt độ buốt lạnh khiến chị vẫn không yên tâm. “Trùm áo mưa như vậy sẽ kín gió, giữ ấm an toàn hơn cho các cháu nhỏ vì các cháu vốn không quen với thời tiết quá lạnh, thậm chí buốt tận óc đến người lớn cũng không chịu nổi như thế này”, chị Loan nói.
Những phụ huynh có con nhỏ khác cũng chọn cách trùm áo mưa cho các con để đưa đến trường an toàn trong đợt lạnh đỉnh điểm. Trong khi đó, những người lao động mưu sinh trên đường phố cũng chọn cách mặc áo mưa tiện lợi để chống lại đợt lạnh kỷ lục. 

Một người đàn ông khiếm thị trùm kín áo mưa giữa ngày tạnh ráo để mưu sinh trong những ngày nhiệt độ xuống thấp

An Dy

Áo mưa tiện lợi giúp người lao động đỡ lạnh hơn trong cuộc mưu sinh giữa phố

An Dy

Những người buôn thúng bán bưng cũng run lập cập trong đợt lạnh đỉnh điểm. Bà Lê Thị Nhàn (Thị trấn Nam Phước, Quảng Nam) cho biết bà dậy từ lúc 3 giờ sáng để "gánh gồng" mớ rau củ ra Đà Nẵng bán nhưng dậy không nổi. "Sáng sớm trời lạnh buốt tận óc, tê cứng hết tay chân dù tôi đeo bao tay, đi ủng, mặc mấy lớp áo rồi trùm thêm áo mưa vẫn lạnh. Chạy mấy chục số đường quốc lộ vắng teo và lạnh tê tái chưa từng thấy...", bà Nhàn run lập cập nói. 

Những người bán rau củ trùm áo mưa chống lạnh để đi giao hàng, bán hàng giữa phố phường Đà Nẵng

An Dy

“Lạnh ở miền Trung khó chịu lắm”

Những ngày qua, nhiệt độ xuống thấp, mạng xã hội cũng tràn ngập những hình ảnh giá lạnh kèm dòng trạng thái “lạnh tê tái”, “lạnh buốt giá”, “ai đó giấu cái remote máy điều hòa nhiệt độ đi đâu làm ơn trả lại, lạnh quá chịu không nổi”...

Nhiệt độ về đêm những ngày qua ở Đà Nẵng thấp kỷ lục và tê tái đối với người dân thành phố biển quanh năm đón nắng nóng

An Dy

Vừa trở về sau chuyến công tác ở các tỉnh phía Bắc, anh Nguyễn Hoài Thanh (đường Chu Huy Mân, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn bất ngờ với cái lạnh tê tái đến khó chịu ở miền Trung. Anh Thanh cho biết, anh ở Hà Nội, rồi lên Tây Bắc, nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C anh vẫn có thể chịu được, nhưng về miền Trung nhiệt độ chỉ cần dưới 17 độ C ban ngày và đêm xuống tầm 13 độ C như những ngày qua thôi đã cảm thấy buốt óc, tê tái chịu không nổi. "Cái lạnh ở miền Trung khó chịu lắm. Một phần do cơ địa người miền Trung quen với thời tiết nắng nóng hơn lạnh giá, nhưng kiểu khó chịu lạnh này, người ở xa đến cũng phải công nhận rất buốt, rất rét", anh Thanh nói.

Lưu thông trên đường Bạch Đằng lúc sáng sớm, nhiều người Đà Nẵng đã chọn giải pháp trùm thêm áo mưa chống lạnh...

An Dy

 

Trùm áo mưa chống lạnh khi qua cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) ban đêm, khi nhiệt độ tầm 13 độ C

An Dy

 

Áo mưa, giải pháp chống lạnh khi ra đường những ngày này của người Đà Nẵng

An Dy

 Dự báo thời tiết cho thấy đợt lạnh sẽ còn kéo dài trong khoảng 3 ngày tới. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo người dân, đặc biệt là người già, trẻ em, hạn chế ra đường những ngày này nếu không quá cấp bách để an toàn cho sức khỏe trong khi nhiệt độ xuống thấp. "Nhiệt độ xuống thấp, thay đổi nhiệt độ và tư thế đột ngột dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, huyết áp... là nguyên nhân gây đột quỵ ở người già, người trưởng thành. Nhiệt độ xuống thấp dễ khiến trẻ dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi cấp. Cần giữ ấm cơ thể đúng cách những ngày này để đảm bảo sức khỏe", bác sĩ Dương Quang Hải, Phó Trưởng Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đà Nẵng) khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.