Trời Mỹ bao la, con tôi đang nơi đâu?

12/09/2018 11:25 GMT+7

'19 năm qua, đi đâu tôi cũng ngóng nhìn dáo dác, tim tôi đập loạn xạ khi thấy một bóng hình nhang nhác giống Tôm... Tôi hối hả, quay cuồng chạy lại, khuôn mặt đó khác lạ, không phải là Tôm...', bà Nguyễn Thị Thu thổn thức.

Ngày 7.2.1972, tại một bệnh viện tư nhân trên đường Cao Thắng (nay thuộc Q.1, TP.HCM), một bé trai kháu khỉnh chào đời.
“Hôm đó là 23 tháng Chạp âm lịch, người ta cúng ông Công ông Táo, chuẩn bị đón Tết. Nhà ai cũng rộn ràng chờ năm mới”, bà Nguyễn Thị Thu nhớ mãi, nhớ mãi khoảnh khắc bà nghe tiếng khóc đầu tiên của cậu con trai đầu lòng. Bé trai được đặt tên là Phạm Duy Lam, ở nhà, ông bà Thu gọi con là Tôm.

Năm nào cũng thế, cứ đến giáp Tết, bà Thu lại thao thức. Nước mắt đã cạn khô khi 19 năm trời không một tung tích về người con trai bà dứt ruột đẻ ra. Chỉ đến khi có một ai đó vô tình gợi nhớ về Lam, bà Thu lại nghẹn ngào, lồng ngực như có ai bóp nghẹt, cảm giác không thể thở được. “Tôm ngoan, cao lớn, hiền hậu, quý các em. Tôm thích uống cà phê, thích ăn trứng vịt lộn và đọc sách lịch sử. Ngày xưa, đi đâu Tôm cũng lượm lặt mấy đồ bỏ đi để về ba có thể tái chế thành đồ chơi cho các em ”, bà Thu hay lẩn thẩn những ý nghĩ như thế mỗi khi đang tỉ mẩn nấu nướng hay dọn dẹp.
“19 năm qua, đi đâu tôi cũng ngóng nhìn dáo dác, tim tôi đập loạn xạ khi thấy một bóng hình nhang nhác giống Tôm. Nhưng rồi, khi tôi hối hả, quay cuồng chạy lại, khuôn mặt đó khác lạ, không phải Tôm. Tôi quay đi, không khóc được vì những cảm xúc trong mình giằng xé”, câu chuyện về bà Thu, người mẹ bất hạnh lạc con 19 năm giữa trời Mỹ bao la, ám ảnh tôi suốt một thời gian dài.
Bà Thu là người phụ nữ duy nhất không mỉm cười từ đầu đến cuối buổi trao giải cuộc thi Hành trình mơ ước - Đến Mỹ và Canada do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây. Được trao giải Bài viết chạm tới trái tim với một lá thư gửi con trai, phần thưởng cho bà Thu không phải là tấm vé đến Mỹ như ước nguyện của cuộc đời bà. Vậy là cơ hội tới Mỹ tìm con của người mẹ tuổi 71 tạm khép lại.
“Người ta muốn tới Mỹ để chạm tới đất nước của những giấc mơ, bước giữa những đại lộ thênh thang hay những công trình kiến trúc kỳ vĩ, tôi chỉ ước mong một lần được tới đây, để chạy ào tới Bệnh viện tại Boston, nơi duy nhất tôi biết con từng điều trị ở đó một thời gian dài vì bệnh trầm cảm, biết đâu có thể cho hay thông tin, con trai tôi giờ nơi đâu, con còn sống hay đã chết…”, bà Thu buồn buồn nói.
Lam là con trai đầu của bà Nguyễn Thị Thu và ông Phạm Huy Cần (79 tuổi, ngụ đường Trần Hưng Đạo, P.11, Q.5, TP.HCM). Dưới Lam có 2 người em trai khác là Phạm Duy Tuân (39 tuổi) và Phạm Duy Anh (36 tuổi).
Năm 1987, bà Thu gửi Lam cho chồng của em gái và cháu gái để qua Mỹ. Sau 2 năm ở trại tị nạn Palawan (Philippines), năm 1989, Lam được tới Mỹ học trung học, sau đó gia nhập quân đội. Tuy nhiên, vào quân ngũ không được bao lâu thì Lam có kết luận của bệnh viện bị trầm cảm. Năm 1995, Lam về thăm nhà lần đầu tiên, mang theo tờ giấy kết luận tình trạng bệnh từ phòng khám ngoại trú 251 Causeway Street, Boston, Ma.02114.
Năm 1999, Lam về thăm nhà lần thứ 2 cũng là lần cuối cùng. Bà Thu và chồng thấy bệnh của con nặng hơn, con ít khi nói chuyện với mọi người. Và một điều luôn ám ảnh và dằn vặt bà trong suốt 19 năm qua, đó là trong lần trở về sau cùng, nhiều lần Lam đến bên mẹ và bảo: “Mẹ ơi con muốn ở Việt Nam với mẹ”. Bà Thu gạt đi, bảo con phải trở lại Mỹ. “Ngày đó tôi không biết gì về bệnh trầm cảm, tôi luôn nghĩ rằng ở Mỹ sẽ chữa khỏi bệnh cho con, sẽ cho con một cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Thu nói về nỗi day dứt lớn nhất đời mình.
Năm 2002, gia đình bà Thu mới nghe được lời xác nhận chính thức của vợ chồng người em gái rằng Lam mất tích, họ không biết Lam đang ở nơi nào, kể cả ở bệnh viện ở Boston. Người mẹ bất hạnh nói với tôi, từ sau lần về nhà năm 1999, họ đã không còn một liên lạc nào nữa với con trai, dù chỉ là một cuộc điện thoại hay lá thư tay.
“Tất cả chúng tôi chỉ biết thông qua vợ chồng em gái. Chúng tôi tin họ, họ nói Lam ra sao thì mình biết là như thế, đâu dám oán trách gì. Lần nào gọi điện bên đó cũng nói không biết gì thêm, bận bịu, cuộc sống quay cuồng, không có thời gian tìm Lam”, bà Thu cho biết với giọng thật buồn. 
Cơ hội để vợ chồng bà tìm lại Lam ngày càng hẹp khi cả ông bà đã ở tuổi gần đất xa trời, không biết tiếng Anh, không có tiền và hiện đang sống nhờ trợ cấp của hai con trai.
Ngay sau khi bài báo đầu tiên về bà Thu và Lam Người mẹ Sài Gòn 19 năm lạc con trên đất Mỹ được đăng tải trên Thanh Niên, tôi nhớ đó là một buổi tối chủ nhật của tháng 8.2018, email của tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị được giúp đỡ bà Thu tìm con trai. Phần lớn trong đó là email của những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Có bạn rất tâm tư, viết một lá thư rất dài, trình bày những việc bạn có thể làm để cho bà Thu có thêm chút hi vọng, dẫu chỉ mong manh về con trai… Người thì tình nguyện giúp bà viết thư bằng tiếng Anh gửi tới Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM hay gửi tới bệnh viện nơi Lam từng điều trị… Tôi đều chuyển tiếp thư cho bà. Người mẹ 71 tuổi hạnh phúc, đôi lúc bật khóc vì sự ấm áp của tình người khắp thế gian.
Tôi gửi đường link bài viết cho những người bạn của mình, những người đã và đang sống ở Mỹ, nhờ họ chia sẻ với những hội nhóm người Việt, hội du học sinh Việt ở Boston hoặc các bang khác trên toàn nước Mỹ. Không ai từ chối share (chia sẻ), bởi câu chuyện về người mẹ tìm con lưu lạc đều khiến trái tim họ rung động.
Mới đây, câu chuyện Báo Thanh Niên đăng tải cũng được một kênh phát thanh (radio) phát sóng trong cộng đồng người Việt Nam ở Boston… Và một lần nữa, ước mơ tìm được Lam của bà Thu lại được nhóm thêm những đốm lửa hi vọng, dù chỉ là tia lửa nhỏ nhưng cũng đủ để sưởi ấm cõi lòng cho người mẹ đang ngóng chờ con trai trong cả những giấc mơ.
Bà Thu bảo trong suốt 19 năm ròng, giấc mơ trở đi trở lại trong bà nhiều nhất đó là bà thấy mình đang đứng giữa Boston, Mỹ, ngay trước cửa bệnh viện nơi Lam từng điều trị. Dù có thể tìm được Lam hay không, bà Thu vẫn mong được một lần đến Mỹ, được tới nơi mà con trai đã nằm, được nghe người ta nói về thằng Tôm của vợ chồng bà. Với người phụ nữ nhỏ bé này thì đó là ước mơ, là điều kỳ diệu của cuộc đời bà. Buồn thay, chính bà cũng không chắc mình có thể làm được điều này trước khi bà qua đời không.
À ơi
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…
Bà Thu đêm nào cũng nhẩm theo bài thơ ấy rồi thiếp đi. Để tự ru mình rằng Lam vẫn bình yên. Để tự ru mình, một ngày bà sẽ được ôm con, nấu cho con bữa ăn ngon, mua cho con cuốn sách như ngày thơ bé.
“Lam có thể gầy yếu, mất trí nhớ, hình dáng có như thế nào nhưng chỉ nhìn con giữa cả trăm người, tôi cũng sẽ nhận ra. Giá như, con đọc được những dòng này mà tha lỗi cho tôi…”.
Vâng, giá như, ở một nơi nào giữa trời Mỹ bao la, Lam đọc được những gì tôi viết và trở về với mẹ… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.