Ngữ mày thì rồi cũng ra đường làm đĩ sớm thôi. Mẹ chỉ tay vào mặt cô con gái chín tuổi là tôi khi học đòi đứa bạn lấy đũa bếp hơ nóng quấn tóc xoăn. Tôi sợ quá, đứng đờ ra, cho tới lúc tóc cháy khét lẹt.
Khi đó tôi còn nhỏ quá, không bê được cả chậu cám vào chuồng lợn. Mỗi lần cho lợn ăn phải phi vào chuồng lợn với cây gậy, xùa lợn ra để xúc từng gáo cám cho vào chậu. Đám lợn háu đói chồm vào tranh ăn, cám đổ ra tung tóe. Mẹ bê ra một xô cám sống. Mày làm gì mà ngu thế, mày chỉ biết hốc thôi à.
Tìm mãi không thấy số tiền hai mươi nghìn cất đâu, mẹ khẳng định ngoài tôi ra thì còn ai vào đấy. Mẹ cấm không cho ăn bữa tối. Không chịu nhận tội, mẹ kéo hết chăn ra khỏi giường, đêm mùa đông lạnh buốt, tôi nức nở một lúc rồi cũng chìm vào giấc ngủ. Hôm sau cảm lạnh, mẹ đi đâu về mang cho một bịch cháo lòng lạnh ngắt. Ăn được nửa bát thì nôn ra hết. Con này láo, không ăn thì để đấy tao cho chó. Còn làm nư tao bóp cổ cho mày chết bây giờ.
Những ngày đó tôi cứ mong mẹ đi vắng, nhà chỉ ba bố con với nhau thật vui vẻ, yên bình. Chắc các con khắc mệnh mẹ, bố nói. Không muốn bận lòng những lời của mẹ nhưng trong tôi luôn có nỗi xấu hổ với bạn bè. Lúc nào tôi cũng mặc cảm mình đang sống trong một gia đình không giống ai. Tại sao mẹ lại nói ra được những lời khó nghe như vậy với các con của mình? Phải chăng mẹ có ẩn ức không được giải tỏa. Mẹ có nỗi tổn thương nào trong quá khứ và con cái là nơi trút giận. Mẹ có che giấu nỗi bất hạnh của mình không? Tôi mang nỗi hoang mang này đi hỏi bà ngoại, bà nói tính mẹ mày trời sinh ra là thế. Mẹ được cưng chiều nhất nhà. Một lần bác trai giành mất bộ chài mẹ lấy gạch ném vào trán bác, bà phải đưa bác ra trạm xá khâu ba mũi. Biết tính mẹ dữ vậy nên mọi người hạn chế va chạm.
Sao mẹ như vậy mà bố lại chọn làm vợ? Thì hồi đó yêu nhau qua thư là chính. Mẹ viết thư hay lắm. Vài lần gặp gỡ mẹ rất hồn nhiên, đáng yêu. Cưới xong thì bố lại ra thị xã làm việc, cuối tuần mới về. Cho đến khi bố chuyển hẳn công tác về huyện, hằng ngày bên nhau thì mới biết. Khi đó cũng sinh ra hai đứa con rồi. Bố nhịn cho êm cửa nhà. Mẹ cũng chỉ độc miệng, xốc nổi vậy thôi.
Sống quá lâu bên mẹ dần dà bố biến mình người đàn ông nhu nhược, buồn bã. Mẹ mặc định bố là người vô tích sự, mỗi cái xe đạp cũng không biết sửa, đường điện hỏng cũng phải chờ thợ điện, lợn gà không lo chăm lại đi viết thơ thẩn cho người. Nhìn cảnh bố nhẫn chịu tôi đau xót, hứa với mình rằng lớn lên chút nữa, kiếm ra tiền sẽ đưa bố đi một nơi thật xa. Chưa kịp bù đắp cho bố thì một cơn nhồi máu cơ tim đã cướp người đi khi đang ở ngoài ruộng vớt bèo cho lợn. Bố ra đi để lại trong lòng tôi một vết thương khó lành.
Lâu rồi tôi không chơi với người bạn nào ở lớp. Sau một lần bị mẹ mắng rồi đuổi hết khỏi ngõ vì cười đùa ầm ĩ không đứa nào còn dám đến nhà nữa. Bố đi rồi, người bạn thân nhất trên đời của tôi là em. Nó là con trai nhưng dễ mủi lòng. Đêm trước khi lên thành phố học đại học hai chị em ngồi bên nhau ngoài khu vườn mọc đầy cỏ loạn. Nó bảo, chị đi rồi những lúc bị mẹ chửi, mẹ đánh em kiếm ai. Tôi động viên nó ráng chịu, chờ học cho xong cấp ba rồi lên phố sống cùng tôi. Đêm đó mất điện. Chúng tôi ngồi mãi ngoài vườn trong bóng tối. Muỗi đốt hết chân này sang chân kia em vẫn không muốn vào nhà. Có những lúc hai chị em lặng thinh không nói gì, nước mắt cứ chảy dài. Tôi nắm tay em mãi không muốn rời. Năm giờ sáng hôm sau hai chị em đi bộ ra đường cái đón xe khách. Tôi lên xe, ngoái lại thấy em vẫn đang đứng yên chỗ đó nhìn theo.
Tháng nào tôi cũng nhận được thư em. Cô chủ nhiệm đến nhà thông báo em được đi thi học sinh giỏi nhưng mẹ không cho đi học bồi dưỡng. Mẹ bảo cô chọn đứa khác đi, em phải ở nhà cho lợn cho gà ăn. Khi đưa tiền cho em đóng học phí, mẹ ném từng tờ tiền xuống đất cho em cúi xuống nhặt lên. Mẹ bảo làm vậy để em biết đồng tiền không dễ ngửa tay ra mà xin được. Mẹ vừa gây sự với bác Trung. Hai nhà từ mặt nhau rồi. Tại bác Trung lúc nào cũng bênh em. Mẹ cấm em từ nay không được sang nhà bác. Ai không hợp với mẹ thì người ấy không ra gì. Mẹ sang nhổ tóc sâu, tỉ tê buôn chuyện với chị Hoành cả buổi không chán. Chị Hoành gạ mẹ vay tiền nên tâng mẹ lên trời. Mẹ rút hết tiền tiết kiệm cho chị Hoành vay rồi còn gỡ cả hoa tai nữa. Vậy mà hôm qua em xin tiền mẹ mua quà tặng sinh nhật chị mẹ giơ gậy đòi đánh em vì hồ đồ, nói mà không biết nghĩ. Em chạy lại sát ti vi để mẹ sợ vỡ ti vi mà không dám đánh. Mẹ bảo mày rồi cũng giống chị, ăn cháo đá bát, nuôi chúng mày thà nuôi chó còn hơn. Nước mắt em hứng hàng xô không đủ. Trong lòng em luôn có nỗi sỉ nhục khó nói ra. Rồi đêm ngủ, em mơ thấy mẹ mắt nhìn em trợn trừng, mày ghét tao thì lôi thằng bố mày về bảo nó nuôi. Tim tôi thắt lại. Thôi em đừng kể nữa.
Mùa hè đầu tiên tôi ở lại kiếm việc làm thêm. Tôi đi đóng gói thuốc lào từ bảy giờ sáng tới năm giờ chiều cho nhà người ta, làm tăng ca mỗi giờ được thêm sáu nghìn. Nhìn mẹ con cô chủ vừa bốc thuốc vừa rủ rỉ chuyện trò mà lòng trào lên nỗi tủi thân. Hằng ngày tôi tới làm, lầm lũi, không mở lời được với ai. Mặc cảm, tự ti khiến tôi luôn thấy khó gần gũi với người khác. Hình như xung quanh mình ai cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một buổi tối tôi về tới nhà trọ thì có điện thoại mẹ. Đây là lần đầu tiên mẹ gọi cho tôi sau một năm ra đi. Mày về mà xem thằng em hỗn láo của mày. Chúng mày câu kết với nhau để nói xấu tao đủ điều để bây giờ ai cũng xa lánh cái nhà này. Nó học đòi uống rượu rồi về đòi đi lên huyện tố cáo cái người đẻ nó là bạo hành con cái. Chúng mày đẽo xương gọt thịt tao thế chưa đủ sao. Mày về bảo nó cút theo mày đi luôn đi. Nhà này không chứa loại chó má vậy. Mẹ nói một hơi rồi buông điện thoại.
Suốt mấy ngày hôm sau trong tai tôi vẫn cứ văng vẳng tiếng mẹ. Nghĩ đến em đang đang chịu nỗi oan ức mà không cầm lòng nổi. Tôi làm sao đưa được em lên khi số tiền mẹ gửi cho chưa đủ trang trải chuyện học hành cho mình. Tôi thức trắng đêm viết cho em lá thư nhòe mực vì nước mắt. Tôi viết những lời trái với ý nghĩ đang diễn ra trong đầu, viết những lời khuyên răn vô cảm. Là lời ai đó chứ không phải của tôi lúc này. Chị dặn em, con trai không được khóc. Không ai chọn được cha mẹ nhưng chúng ta có thể chọn được cuộc sống theo cách của mình. Trên đời này không phải chuyện gì cũng lý giải được. Có những chuyện ta chỉ còn cách phải chấp nhận nó mà thôi.
Chờ mãi không thấy em hồi âm. Mùa hè qua đi, tôi lại vào năm học mới với gánh nặng mưu sinh mệt mỏi hơn rất nhiều lần chuyện học hành. Thả người xuống giường tôi lại nhắc mình ngày mai nhớ viết gì đó cho em. Rồi trong giấc ngủ mê mệt tôi lại nghe âm u tiếng mẹ cùng những cái tát ù tai.
Tôi dành được một khoản tiền nho nhỏ. Kẹp số tiền vào trong lá thư viết rất dài. Tôi ra bưu điện, thả thư vào thùng với nỗi vui âm thầm.
***
Mẹ rú lên rồi ngất xỉu.
Chết là hết. Chết là được lên thiên đường. Em viết những dòng cuối cùng trong mảnh giấy để lại.
Nó chơi điện tử nợ nhiều quá, người ta tới nhà đòi tiền. Những người họ hàng phân trần với từng người đến chia buồn. Tội nghiệp thằng bé, cái mặt lúc nào cũng hiền khô. Nó nhút nhát thế mà, không hiểu sao lại làm vậy.
Tôi đi ra vườn. Vườn đêm âm u. Cỏ loạn mọc rậm rì, như đêm nào hai chị em ngồi đó. Tôi ngẩng lên nhìn bầu trời sao. Ngôi sao nào của em tôi.
Nhớ lại khi mười lăm tuổi tôi đã hai lần muốn chết. Một lần là khi mẹ vứt quần áo tôi ra đường đuổi tôi đi. Một lần là khi tôi đi thi học sinh giỏi về không làm được hết bài. Khi đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc nên lựa chọn cách chết nào đỡ đau thương nhất nhưng nỗi ham sống đã chế ngự. Tôi đã dặn dò em rất nhiều điều mà sao lại sơ suất chuyện này.
***
Tôi quay về trường học. Suốt ba tháng liền tôi không nhắn nhủ với mẹ câu nào. Tại sao những người tôi yêu quý cứ đường đột ra đi thế này? Bố ơi, gia đình nào cũng có nỗi khổ riêng. Nỗi khổ của gia đình mình gọi tên là gì?
Tôi không nói chuyện với mẹ suốt nhiều năm sau đó. Giữa hai người là một hố sâu thăm thẳm. Ngày tết tôi về nhà vài ngày, lặng lẽ làm mâm cơm cúng rồi nuốt nước mắt trong đêm. Thương tuổi thơ em, thương tuổi thơ u uất của chị em tôi. Giường bên kia mẹ cũng đắm chìm trong nỗi cô độc bất tận. Đêm dài ra. Tiếng cú kêu. Tiếng con thạch sùng ăn đêm. Tôi nhắm mắt lại cố ru mình vào giấc ngủ. Mơ màng không biết mình đang tỉnh hay mơ. Tôi thấy em đang tựa cửa nhìn mình với đôi mắt rượi buồn. Chị đã về đây, về với em đây rồi. Sao em không nói gì. Em có tha thứ cho chị đã không ở bên cạnh khi em cần nhất?
Tôi không có cách gì làm lành nỗi đau. Mỗi ngày, ký ức tuổi thơ cứ trở về như mũi tên cứa vào tim. Tôi đưa cho người đàn bà lang thang một ít tiền. Lắng nghe bà kể câu chuyện cuộc đời mình không biết đúng hay sai. Bà làm lụng vất vả vì các con mà không được ghi nhận. Những đứa con bỏ mặc mẹ vạ vật đầu đường xó chợ ăn xin. Về nhà đi bà. Bà lắc đầu, nước mắt nhạt nhòa. Mỗi nhà đều có một cuốn sách khó đọc. Tôi nghĩ đến mẹ nơi quê nhà, tôi cũng đang quay lưng với mẹ của mình. Tôi có tàn nhẫn không? Con định đi sang Úc bốn năm thật à? Chỉ một câu trả lời có hoặc không thôi mà lúc này sao tôi thấy khó khăn đến vậy. Mẹ không còn sức lực để nhìn tôi như thẩm phán nữa. Tôi đau đớn. Tôi không nỡ làm tổn thương thêm trái tim người đàn bà bất hạnh.
***
Mẹ ốm lâu lắm rồi nhưng không chịu đi viện khám. Cô Trang gọi tôi về đưa mẹ lên Hà Nội kiểm tra toàn diện. Tôi thuê xe về đón mẹ. Mẹ gầy đi hàng chục ký sau nửa năm tôi biệt tích. Hơi thở nặng nhọc, hình như mẹ biết chuyện gì đang diễn ra trong cơ thể.
“Ung thư phổi - phát triển trên nền lao cũ”, tôi nhìn trân trối vào dòng chữ trong bệnh án của mẹ. Mẹ bị lao khi nào? Từ rất lâu rồi hay mới đây? Tôi muốn hỏi mẹ nhưng điều ấy lúc này còn ý nghĩa gì nữa. Mẹ nằm trên giường bệnh, thoi thóp, mong manh.
Tôi nắm bàn tay mẹ. Muốn nói một lời cho mẹ yên lòng mà cổ họng nghẹn lại. Còn bao nhiêu điều cần được nói ra phải không mẹ. Mắt mẹ khép lại, một hàng nước mắt lăn nhẹ từ khóe mắt. Tay mẹ vẫn ấm trong tay tôi. Miệng mẹ méo dần, giãn ra và cứng lại.
Bố mẹ và em trai không còn nữa. Không còn ai nữa trong ngôi nhà tuổi thơ. Tường rêu phong. Mưa thấm qua kẽ ngói ướt cả góc giường. Tôi thắp cho mỗi người một nén hương. Chờ hương tàn. Tắt đèn. Khóa cửa. Ra tới ngõ, tôi ngoái lại nhìn lần nữa ngôi nhà chìm trong bóng tối. Bóng tối phủ lên trái tim tôi đau đớn. Tôi viết nỗi buồn này để được bình tâm sống tiếp cuộc đời mình.
Bình luận (0)