Hàng trăm ngàn mét khối cát bị hút trộm từ các khu vực rừng phòng hộ và đặc dụng thuộc địa bàn 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (H.Thạnh Phú, Bến Tre) khiến cây rừng bị chết khô, đổ ngã... Thỉnh thoảng, ngành chức năng cũng có bắt được vài vụ, nhưng việc xử lý như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Dụ dỗ người dân hút cát trộm
“Mỗi khi trời sụp tối, thấy họ (cát tặc) chạy vỏ lãi chở theo mấy can dầu hướng ra phía rừng là chúng tôi biết chắc đêm đó bị mất ngủ, bởi tiếng máy hút cát cứ rền vang đến gần sáng mới ngưng”, ông H., người nhận giao khoán đất rừng tại ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phong, bức xúc.
Theo ông H., khoảng 2 năm nay, việc hút cát trái phép trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và ven Biển Đông chủ yếu do những người từ nơi khác đến (cò cát - PV). Họ phối hợp với một số nông dân tại địa phương bơm hút để bán cát lấp cho các công trình giao thông trên địa bàn. Ban ngày, các thiết bị bơm hút được cát tặc giấu kỹ trong rừng, chờ đêm xuống mới hành động.
Ông Nguyễn Văn H. (ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phong) cho biết ông đã từng tham gia bơm cát cho cò L. “Khoảng một năm trước, ông L. từ xã Thạnh Hải đến bảo tôi trang bị thêm giàn sát-xi, các phi nổi, đường ống và tận dụng máy D24 mà gia đình tôi đang dùng bơm nước tưới dưa hấu để ban đêm lén bơm cát từ rừng đặc dụng vào phần nền hạ một công trình giao thông (hiện công trình đã hoàn thành), ông trả cho tôi 20.000 đồng/m3. Chúng tôi có giao kèo bằng giấy viết tay, trường hợp không may bị bắt, bị xử phạt hành chính hay tịch thu máy móc thì ông L. sẽ hoàn số tiền đó cho tôi. Tôi bị tịch thu máy nhiều lần, nhưng may mắn là chưa lần nào bị bắt tận tay và lần gần đây nhất là vào trước Tết Mậu Tuất 2018. Theo giao kèo, ông L. đã đền cho tôi tổng cộng gần 50 triệu đồng tiền máy móc, đường ống bị tịch thu”.
Ông P. (ngụ cùng xóm với ông H.) hằng ngày sinh sống bằng nghề bắt cua trong rừng. Từ khi được “cò cát” hướng dẫn, ông làm thêm “nghề” bơm cát trộm. “Sau thời gian tiếp tay cho nhóm “cò” thực hiện việc bơm trộm cát, anh em chúng tôi mới biết số tiền mà công trình trả cho “cò” lên đến 100.000 đồng/m3. Còn phần chúng tôi, sau khi trừ hết các chi phí được khoảng 10.000 đồng/m3. So với nghề bắt cua, số tiền thu nhập từ bơm cát trộm có cao hơn. Tuy nhiên, ông L. mới là người hưởng lợi khủng nhờ quen biết nhiều”, ông P. nói.
Bằng cách thức tương tự, nhiều công trình giao thông cần đến hàng trăm ngàn mét khối cát lấp tại địa phương đã hoàn thành, như công trình giao thông phục vụ “Sắp xếp, ổn định dân cư gắn với bảo vệ rừng xã Thạnh Phong” có tổng chiều dài 4 đoạn gần
10 km nối Biển Đông đến QL57... Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện công trình giao thông phục vụ công tác phòng chống cháy với tổng chiều dài khoảng 1.500 m, từ cồn Đâm (xã Thạnh Phong) đến cồn Bửng (xã Thạnh Hải) cần khoảng 13.000 m3 cát lấp vẫn chưa tìm được nguồn cung cấp. “Chúng tôi cũng có liên hệ với một số người chuyên cung cấp cát ở địa phương, nhưng không ai đủ điều kiện để ký hợp đồng nên hiện vẫn chưa tìm được nguồn cung cấp cát lấp cho công trình này”, ông Ngô Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng cầu đường Bến Tre (đơn vị thi công), cho biết.
|
Những hố sâu giữa rừng
Để được “mục sở thị” hậu quả của việc bơm trộm cát giữa rừng, chúng tôi đã lội xuống nhiều khu rừng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt, rừng đặc dụng, rừng phục hồi sinh thái trên địa bàn ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phong. Trong các khu rừng này, rất dễ dàng tìm thấy những hố sâu rộng đến vài trăm mét vuông hoặc những con kênh dài hun hút đâm xuyên giữa rừng với chiều rộng khoảng 2 m... Ước mỗi điểm như thế, “cát tặc” có thể bơm hút đến vài trăm mét khối cát lấp. Cạnh các hố sâu này là những thân cây mắm, cây đước bị xắn cụt rễ ngả nghiêng trong quá trình bơm hút cát, dấu len còn mới chứng tỏ việc bơm hút cát trái phép chỉ diễn ra trong thời gian gần đây.
Ông Phạm Văn Trường, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre, cho biết từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng như Hạt Kiểm lâm, Công an H.Thạnh Phú, chính quyền 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải thường xuyên tổ chức các buổi tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng, đặc biệt là đấu tranh ngăn ngừa hành vi của “cát tặc”. “Nếu tôi nhớ không lầm thì từ năm 2017 đến nay đã tịch thu 2 dàn máy bơm và đường ống của “cát tặc” nhưng đều là dụng cụ vô chủ, chỉ có một trường hợp bắt tại trận là Nguyễn Thanh T. (ngụ xã Thạnh Phong) vào trước Tết Mậu Tuất. Mới đây, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một trường hợp đã thủ sẵn dụng cụ bơm hút cát trong rừng, nhưng chỉ nhắc nhở, yêu cầu đối tượng chuyển các dụng cụ này đi chỗ khác”, ông Trường cho biết. Về đường dây khai thác, mua bán cát trái phép mà chúng tôi đã tìm hiểu được, ông Trường nói không hề biết đường dây này: “Tôi chỉ biết các đối tượng bị bắt tại trận mà thôi, việc họ liên kết với ai thì tôi không biết”.
Do “lịch sử để lại” ?
Trong khi đó, giải thích về các hố sâu và các tuyến “kênh” dài mà cát tặc tạo ra giữa rừng, ông Phạm Văn Hiếu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Thạnh Phú, nói rằng đó là do “lịch sử để lại”. “Vùng bị hút cát trái phép đương nhiên cây rừng sẽ bị chết... tự nhiên. Nhưng sự việc đã lỡ xảy ra rồi, qua vài năm sau đất rừng sẽ tự bồi lắng, lấp lại như cũ, cây rừng sẽ mọc lại mà thôi”, ông Hiếu cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Thạnh Phú, cho biết việc người dân bơm hút cát trái phép trong rừng, trong các lòng rạch hay khu vực ven Biển Đông là một thực trạng nhức nhối của địa phương từ nhiều năm qua. Hằng năm, UBND huyện đều đề ra kế hoạch bảo vệ; đồng thời cũng thường xuyên chỉ đạo công an huyện, chính quyền 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải chủ động theo dõi, phối hợp các đơn vị chức năng về bảo vệ rừng để ngăn chặn cát tặc. Chính quyền các xã có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ các đối tượng vi phạm, nếu phát hiện tái phạm nhiều lần sẽ đề xuất với ngành chức năng khởi tố hình sự. “Giải pháp là vậy nhưng trong các cuộc họp về nội dung này, tôi đều nghe báo cáo rằng tình trạng bơm hút cát trái phép vẫn đang diễn ra”, ông Hùng cho biết.
Chưa xử lý được trường hợp nào
Theo ông Mai Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Thạnh Phú, vài năm gần đây, số dự án về giao thông, du lịch trên địa bàn 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải được thi công khá nhiều; trong khi địa phương không có mỏ cát nào đang được khai thác nên tình hình cát tặc trở thành vấn đề nóng. Thêm một vấn đề nhức nhối khác là việc người dân sở hữu đất nông nghiệp thỏa thuận với các “cò cát” để họ khai thác tận thu bán cát lấp cho các công trình. Hậu quả của việc này là để lại nguy cơ sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thửa đất liền kề. “Đúng ra, việc sử dụng đất nông nghiệp không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa xử lý được trường hợp nào vì khi phát hiện thì họ đã bơm hút xong”, ông Hùng trăn trở.
|
Bình luận (0)