Trộm cướp móc túi khách hành hương: Cẩn trọng ở chỗ đông người

14/02/2017 19:50 GMT+7

Đó là một trong những ý kiến của bạn đọc về bài viết Trộm cướp móc túi khách hành hương trên Thanh Niên số phát hành ngày 13.2.

Rất chủ quan
Nhiều người hành hương các chùa, lễ hội thường chủ quan, thiếu cảnh giác đối với trộm cướp. Ở nơi đông đúc, sau khi lấy tài sản của khách, bọn trộm thường dùng chiêu chuyền tay cho đồng bọn. Do đó mà nhiều người thấy kẻ móc túi mình nhưng do không “bắt tận tay day tận mặt” nên đành chịu. Tốt nhất là mọi người cần đề cao cảnh giác khi đến nơi đông người, dù là ở đâu chăng nữa.
Vũ Thái Bảo (TP.Tân An, Long An)

Hạn chế mang theo tài sản quý
Tôi rất e ngại khi đến chốn đông người. Thứ nhất là rất mệt mỏi vì bị chen lấn, thậm chí giẫm đạp. Thứ hai là dễ mất tài sản. Nếu buộc phải đến chỗ đông người thì tôi không mang theo tài sản có giá trị, chỉ mang theo một ít tiền đủ xài và cất kỹ trong người. Người bị trộm trong lễ hội cũng có một phần lỗi là không biết bảo vệ tài sản của mình. Nhiều cô đi đến chốn đông người mà đeo lỉnh kỉnh nữ trang, điện thoại thì để hớ hênh trong túi, rất… hấp dẫn đối với những kẻ móc túi.
Vũ Thị Thùy Trang (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Nên trình báo
Trong các lễ hội, chùa chiền có đông người tham gia thì chuyện bị móc túi, trộm, thậm chí cướp rất hay xảy ra. Và đa số nạn nhân ngại mất thời gian, ngại đi lại nên ít khi trình báo với cơ quan chức năng. Đây là việc không nên. Nạn nhân cần trình báo để cơ quan công an biết nơi đó có xảy ra trộm, cướp mà tăng cường lực lượng bảo vệ người dân, tiếp đến là có cơ sở để điều tra truy bắt tội phạm. Khi nạn nhân không trình báo, cơ quan chức năng không có thông tin và sẽ cho rằng lễ hội đó diễn ra an toàn, trật tự.
Nguyễn Đức Thanh (Q.4, TP.HCM)
Tăng cường lực lượng bảo vệ
Nơi diễn ra lễ hội cũng như các chùa có đông khách hành hương cần phải bố trí lực lượng bảo vệ đông, đủ mạnh để có thể phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi trộm, cướp. Có như vậy, người dân mới yên tâm khi đến lễ hội, một lòng hướng về lễ hội chứ không phải vừa tham gia lễ hội vừa lo giữ của.
Huỳnh Ngọc Hiền (Q.8, TP.HCM)
Lợi dụng đám đông
Tôi cũng từng đi chùa và lễ hội có đông người tham gia. Quả thật, đây là nơi mà bọn trộm dễ gây án vì lượng người quá đông. Chỉ cần khách sơ hở một chút là bọn chúng ra tay móc túi, giật ví, giật điện thoại. Không thể ngăn cản được dòng người đổ về các lễ hội, chỉ mong mọi người hãy từ tốn, thong thả viếng chùa, đi lễ, đừng chen lấn, xô đẩy... để bọn trộm có cơ hội hành động.
Trần Thị Thùy (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

       
Đi lễ, chùa ai cũng mong gặp được nhiều may mắn, rước tài lộc... Vậy mà chưa kịp thấy tài lộc đã trở thành nạn nhân của bọn trộm, cướp thì thật đau xót. Mong sao các nơi tổ chức lễ hội có các biện pháp tuyên truyền người đi lễ, chùa đề cao cảnh giác với trộm, cướp, biết cách tự bảo vệ tài sản của mình.
Đinh Trúc Ly (Q.8, TP.HCM)
       
Nên tăng cường lực lượng công an hóa trang thành du khách, cùng tham gia lễ hội để phát hiện, xử lý kịp thời bọn trộm, cướp. Trộm, cướp ít khi đi một mình mà đi cùng đồng bọn để cảnh giới, báo động cho nhau khi thấy lực lượng chức năng, nên biện pháp hóa trang sẽ giúp công an dễ dàng bắt quả tang những hành vi phạm pháp, đồng thời khiến tội phạm hoang mang nên không dám lộng hành.
Trần Hữu Thủy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.