Đã 14 năm trôi qua kể từ khi Satoshi Nakamoto gửi mail đến danh sách người tham gia Cypherpunk (một diễn đàn thảo luận về công nghệ, toán học, mật mã... phổ biến vào thập niên 1990 - đầu 2000), đính kèm whitepaper của Bitcoin mà chúng ta biết hiện tại, được đặt tên là "Bitcoin: Một hệ thống tiền kỹ thuật số ngang hàng". Hiện nay, whitepaper vẫn được lưu trữ công khai trên website bitcoin.org.
Văn bản này dài chưa tới 10 trang nhưng chính là viên gạch đầu tiên đặt nền móng tạo nên ngành công nghiệp tiền mã hóa trị giá nghìn tỉ USD. Trong số 1.000 tỉ USD trong nền kinh tế tiền mã hóa, Bitcoin chiếm gần 38% tổng giá trị.
Đã 14 năm kể từ khi whitepaper về Bitcoin được công bố |
CHỤP MÀN HÌNH |
Mở đầu mail, Satoshi Nakamoto tuyên bố đang tạo ra một hệ thống tiền số hoàn toàn ngang hàng, không cần bên thứ ba. Theo ông, loại tiền này có một số lợi ích như ngăn chặn gian lận lặp chi, không có sự tham gia của bên trung gian và mỗi đồng Bitcoin sẽ được đúc thông qua cơ chế "Proof-of-work theo kiểu hashcash". Vào thời điểm đó, ý tưởng loại bỏ bên trung gian của Satoshi Nakamoto đã gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội.
Whitepaper của Bitcoin, cùng với sự đề xuất cơ chế Proof-of-work được xem như lời giải cho bài toán các tướng quân Byzantine (Byzantine Generals Problem). Theo CoinTelegraph, đây là bài toán có từ năm 1982, đề xuất một vấn đề trong lý thuyết trò chơi, mô tả việc các nhóm người khó có thể đạt được sự đồng thuận nếu không có sự trợ giúp từ một bên trung gian. Bài toán đặt câu hỏi: Làm thế nào để các thành viên trong mạng lưới có thể cùng đồng ý về một vấn đề khi không ai có thể xác minh danh tính của họ?
Ngày 13.11.2008, Satoshi Nakamoto tuyên bố: "Chuỗi Proof-of-work chính là giải pháp cho bài toán các vị tướng Byzantine". Vấn đề niềm tin giữa các cá nhân ẩn danh trong một mạng lưới có thể được giải quyết bằng sức mạnh tính toán của máy tính và nhắm vào bản chất chạy theo lợi ích của con người. Cơ chế Proof-of-work yêu cầu các thợ đào chạy đua để giải mã các bài toán xác thực giao dịch. Người nào đưa ra đáp án đầu tiên sẽ tạo ra block (khối) tiếp theo và nhận phần thưởng là đồng mã hóa. Trong quá trình đó, lượng điện năng mà các máy móc tiêu thụ để giải bài toán được xem như “bằng chứng công việc” để đảm bảo sự đồng thuận trên hệ thống.
Một trang trong whitepaper của Bitcoin |
CHỤP MÀN HÌNH |
Satoshi Nakamoto tiếp tục gửi mail trao đổi với những thành viên trong cộng đồng Cypherpunk cho đến ngày 10.12.2008. Mạng Bitcoin chính thức ra mắt vào ngày 1.3.2009. Theo Bitcoin News, có ý kiến cho rằng "cha đẻ" Bitcoin đã khai thác từ 750.000 - 1,1 triệu Bitcoin trước khi rời khỏi cộng đồng vào năm 2010. Cũng có giả thiết rằng Satoshi đã khai thác bộ nhớ cache của Bitcoin bằng máy tính duy nhất.
Sau 14 năm, Bitcoin từ một khái niệm bị hoài nghi, dè bỉu đã trở thành đồng mã hóa được công nhận trên toàn cầu và mở ra hàng loạt xu hướng công nghệ mới từ blockchain, NFT, Web3 cho đến Metaverse, DeFi và DAO. Bitcoin cũng là nguồn cảm hứng của những dự án tiền mã hóa sau này như Ethereum, Cardano, Solana...
Trong đó, blockchain - công nghệ nền tảng đằng sau Bitcoin - đã dần thoát khỏi cái bóng của tiền mã hóa và hiện là một trong những công nghệ không thể thiếu trong chuyển đổi số, được cơ quan quản lý trên khắp thế giới nghiên cứu ứng dụng vào đời sống thông qua những lĩnh vực cụ thể như y tế, hậu cần, giáo dục, nông nghiệp, bất động sản, định danh số... và dần thay đổi cách thức con người giao tiếp, tương tác với nhau vượt qua ranh giới lãnh thổ, quốc gia.
Bình luận (0)