Cũng theo báo cáo này, hiện nay trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo nghề (CĐ, trung cấp, sơ cấp) ở Việt Nam thấp, chủ yếu là THCS (67%). Trong các trình độ thì đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (80%).
Bộ LĐ-TB-XH vừa có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6.6.2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhận thức của xã hội về đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã được nâng lên và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của nhân dân.
“Các bậc trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp được hình thành theo hướng mở, liên thông, phù hợp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp các nước trên thế giới. Mạng lưới trường CĐ chất lượng cao được hình thành, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế”, ông Bình cho hay.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014 - 2023 đạt hơn 21 triệu người, trong đó trình độ CĐ đạt hơn 1,7 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%).
Quy mô đào tạo nghề tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%.
"Các cơ quan liên quan đã xây dựng và ban hành 300 bộ khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, CĐ cho 300 nghề để các trường tự chủ làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh, ban hành chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, ông Bình thông tin.
Bên cạnh đó, đào tạo chất lượng cao được đẩy mạnh, đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc, Đức…
Trong vấn đề tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, các trường đã chủ động gắn kết hơn với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động; cơ chế phối hợp giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động bắt đầu hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá nhận thức về đào tạo nhân lực tay nghề cao ở một số địa phương còn chưa thống nhất và đầy đủ; chưa chú trọng tạo việc làm bền vững từ công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, chưa làm tốt công tác dự báo nguồn nhân lực.
6 nhiệm vụ để đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Ngày 6.6.2014 Ban Bí thư khóa XI đã ra Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Chỉ thị này nhận định: Trong những năm qua, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở nước ta đã có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đối với các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao...
Chính vì vậy, chỉ thị đưa ra 6 nhiệm vụ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, gồm:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao
3. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao
4. Tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao
5. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao
6. Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế
Bình luận (0)