Trồng 5.000 gốc dưa lưới thủy canh, chàng trai thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm

11/11/2022 09:00 GMT+7

Đam mê làm nông nghiệp, mong muốn làm giàu trên chính quê hương, Khắc Tùng đã rời phố trở về nhà mở trang trại trồng dưa lưới thủy canh, thu về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.

“Quê hương của mình có nông nghiệp là thế mạnh rồi. Thời của ba mình làm nông khá là vất vả. Mình cũng muốn tìm một phương pháp nào đó sản xuất để nâng cao nghề nông, nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp, mình có thể giúp ích được cho gia đình hơn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở địa phương phát triển. Đó là động lực để mình về quê khởi nghiệp”, Huỳnh Khắc Tùng (26 tuổi), ngụ xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tâm tình.

Anh Huỳnh Khắc Tùng (phải) đã trồng thành công dưa lưới thủy canh tại quê nhà.

NVCC

Trồng dưa lưới theo phương pháp thủy canh

Năm 2017, khi đang học ngành Công nghệ sinh học tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Huỳnh Khắc Tùng đăng ký và được nhận vào làm việc ở Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Khắc Tùng nói: “Làm nghiên cứu về vật liệu Nano nhưng mình cảm thấy công việc trong phòng thí nghiệm không có phù hợp với mình nên mình có tìm hiểu ở một số quốc gia tiên tiến về nông nghiệp như Hà Lan, Israel. Năm 2019, sau khi tốt nghiệp, mình tìm được chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp ở Israel”.

Sau gần 2 năm học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp anh Tùng trở về nước. Về Việt Nam, anh bắt tay vào tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa lưới. 5.2021, anh Tùng quyết định rời TP.HCM về quê nhà ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp mở trang trại trồng dưa lưới thủy canh và bắt đầu hành trình làm giàu trên mảnh đất quê hương.

“Chương trình học tại Israel giúp mình tư duy được tốt hơn về kinh tế nông nghiệp, phương thức sản xuất, cách quản lý nông nghiệp. Hơn nữa, mình còn học được phương pháp trồng thủy canh, giúp tiết kiệm nước tưới, đồng đều về phân bón, tiết kiệm rất nhiều về chi phí quản lý, nhân công, về Việt Nam áp dụng. Khi về Việt Nam, mình áp dụng này vào canh tác dưa lưới”.

Để có kinh phí mở trang trại, anh Tùng nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hồng, vay ngân hàng đầu tư nhà màng, hệ thống bồn, hệ thống tưới thủy canh…

NVCC

Theo anh Tùng, trồng thủy canh giúp cho phân bón vào cây dưa lưới không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, lượng phân bón thừa không thải ra môi trường, tiết kiệm nước tưới một cách tối đa, quản lý lượng phân bón bón vào cho cây, kiểm soát được mọi thành phần.

“Phương pháp này giúp mình tiết kiệm được thời gian dọn vườn, thời gian để mình canh tác rút ngắn hơn phương pháp trồng truyền thống. Dưa lưới thủy canh, một năm mình có thể trồng từ 4 - 5 vụ. Với 1000 m2 có thể cho ra từ 3 - 3 tấn rưỡi tấn dưa lưới, cao hơn cách trồng truyền thống khoảng 1 - 1,5 tấn. Vườn của mình có khoảng 5000 gốc dưa lưới. Đến nay, mình đã thu hoạch được 5 vụ dưa”, chàng trai Khắc Tùng cho biết.

Chịu thương chịu khó tìm đầu ra cho dưa lưới

Dưa lưới của trang trại của anh Tùng trồng theo phương pháp thủy canh nên chất lượng cao hơn so với phương pháp trồng truyền thống tại. Vì thế, giá dưa lưới cao hơn giá thị trường khoảng từ 15 - 20%. Dưa của trang trại anh Tùng được các siêu thị, cửa hàng trái cây bao tiêu với giá từ 30.000 - 35.000 đồng, cao hơn giá dưa trồng truyền thống từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Trung bình một vụ dưa, chàng trai có lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng.

“Lúc mới sản xuất vụ đầu tiên, mình gặp khó khăn về đầu ra. Sản phẩm của mình khó có thể nào bán ra chợ vì giá cao. Mình liên hệ siêu thị, các cửa hàng trái cây cao cấp, để mình tìm “lối thoát” cho trái dưa lưới. Mình phải nhiều công sức để mình thuyết phục người. Mình mới ra trồng, mình chưa có danh tiếng so với trang trại lớn”.

Những trái dưa lưới thủy canh của trang trại anh Tùng

nvcc

Trải qua nhiều lần đi giới thiệu sản phẩm dưa lưới thủy canh, anh Tùng đã nhận lại được trái ngọt. Sau vụ đầu tiên gặp khó khăn đầu ra, đến vụ thứ 2, các doanh nghiệp nhận thấy sản phẩm của trang trại anh Tùng đạt chất lượng nên họ bắt đầu chịu tiêu thụ dưa lưới. Ngoài ra, chàng trai 9X cũng siêng năng đi các hội thảo về nông nghiệp để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo các doanh nghiệp khác. Nhờ sự chịu thương, chịu khó, đầu ra của trang trại dưa lưới của anh Tùng đã ổn định.

Vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2022, anh Tùng còn tạo ra dưa lưới khắc chữ thư pháp. Trang trại dưa lưới cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 trái dưa lưới khắc chữ với giá bán 300.000 đồng/cặp. Dịp tết năm nay, chàng trai dự kiến làm 1.000 - 1.500 để phục vụ nhu cầu của bà con.

Dưa lưới khắc chữ thư pháp được anh Tùng đưa ra tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2022.

nvcc

Chị Trần Thị Thùy Linh, Bí thư Xã đoàn Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp nhận xét về mô hình trồng dưa lưới của anh Huỳnh Khắc Tùng: “Tôi nhận thấy anh Khắc Tùng rất tâm huyết với công việc trồng dưa lưới. Trang trại của anh Tùng còn giúp cho người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.