Ngày 21.9, thông tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, đơn vị đã có báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động TP.HCM. Theo đó, đợt dịch Covid-19 lần 4 (từ ngày 27.4) đã gây tác động lớn đến tình hình lao động, việc làm của doanh nghiệp và người lao động, nhất là với nhóm người lao động tự do, lao động nhập cư một thời gian dài.
Ngành dệt may, du lịch, giao thông... bị ảnh hưởng mạnh
TP.HCM có hơn 4.7 triệu lao động, trong đó, có hơn 3.2 triệu lao động làm công ăn lương. Đồng thời, có 286.336 doanh nghiệp hoạt động và 465.348 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.
Dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát mạnh, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề nhất là sản xuất công nghiệp, xây dựng, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ thương mại, giao thông và xuất nhập khẩu... bị tác động mạnh, rất đông doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Trong đó, tính riêng tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (gồm 17 khu với hơn 278.000 lao động) và khu công nghệ cao (hơn 45.000 lao động) thì có tới 827 công ty, doanh nghiệp phải ngừng hoạt độn, với tổng số lao động hơn 244.000 người.
Theo Sở LĐ-TB-XH, tính đến ngày 12.9, TP.HCM có khoảng 21.000 doanh nghiệp đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lượng, ngừng việc với hơn 401.000 người lao động.
Trước tình hình này, để duy trình sản xuất, và đảm bảo phòng chống dịch, các doanh nghiệp phải thực hiện phương án làm việc mới: “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo đăng ký phương thức này. Còn những doanh nghiệp đăng ký thực hiện, nhất là đơn vị có quy mô lao động lớn trên 2.000 người phải đau đầu vì cách thức bố trí “3 tại chỗ” hay các chi phí rất tốn kém như thuê khách sạn, phương tiện vận chuyển người lao động..., chưa kể, lo thêm chi phí xét nghiệm, vật phẩm y tế...
TP.HCM đã trải qua các cấp độ giãn cách xã hội khác nhau.
Cụ thể, từ 0 giờ ngày 31.5, TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ (riêng P.Thạnh Lộc, Q.12 và toàn Q.Gò Vấp giãn cách theo Chỉ thị 16) trong vòng 15 ngày. Đến ngày 14.6, TP.HCM gia hạn giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần, tới ngày 29.6.
Sau đó, TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10. Tới ngày 9.7, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và kéo dài cho đến nay.
|
Đối với các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, hợp tác xã, nhất là lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ, chế biến, dịch vụ ăn uống, bất động sản... có số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình đó, UBND TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, trong đó, hỗ trợ cho hơn 5.800 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống là hơn 21.000 điểm/sạp kinh doanh...
Lao động tự do mất việc
Một chủ thể khác của nền kinh tế - người lao động, cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó nhóm lao động ở lĩnh vực phi chính thức (tức lao động tự do, không ký kết hợp đồng, thu nhập thấp - PV) còn chịu nhiều thiệt thòi hơn do thiếu nhiều chiều về tiếp cận y tế, bảo hiểm xã hội, các khoản an sinh...
Ở đợt dịch thứ 4, theo Sở LĐ-TB-XH TP, lao động tự do phải tạm ngưng làm việc theo yêu cầu công tác phòng chống dịch, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và cần sự hỗ trợ của chính quyền.
|
Từ đầu tháng 7, TP.HCM đã triển khai hai gói hỗ trợ Covid-19 (cho tháng 7, tháng 8) cho nhóm này, mức 1,5 triệu đồng/người. Đồng thời, tính đến ngày 10.9, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu hỗ trợ cho lao động tự do gặp khó khăn, bị mất việc làm với số lượng hơn 1,2 triệu lượt người (tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ hơn 1.800 tỉ đồng). Trong đó, đợt 1 đã chi hỗ trợ cho 365.791 người, đợt 2 đã chi cho hơn 848.000 người.
Nhu cầu lao động lớn ở các chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm
Từ tháng 7, TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai ở đâu, ở yên đó”, lúc này, chỉ một số loại hình dịch vụ thiết yểu được phép hoạt động.
Điều đáng chú ý ở vấn đề cung ứng lao động và giải quyết việc làm của TP.HCM trong thời gian này chính là hệ thống các chuỗi cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm như Bách hóa xanh, VinCommerce, 7-Eleven... có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn ở các vị trí như bán hàng, giao nhận hàng hóa... Tuy nhiên, việc tuyển dụng lại gặp khó, do việc lưu thông của người lao động bị hạn chế khiến nhiều nhà tuyển dụng phải dời thời điểm phỏng vấn ứng viên khi TP ngưng thực hiện giãn cách.
Riêng thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB-XH), tính trong tuần đầu của tháng 9, có 325 doanh nghiệp đăng ký có nhu cầu tuyển với hơn 1.300 lao động. Trong khi đó, số người có nhu cầu tìm kiếm việc làm là hơn 2.000 người, đa số không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Sở LĐ-TB-XH cũng đưa ra các giải pháp tập trung phục hồi kinh tế đối với việc tạo nguồn lao động. Theo đó, khi hết giãn cách xã hội, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn để tìm kiếm, đào tạo nguồn lao động, nhất là vì đã có đông người lao động trở về quê tránh dịch.
Với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, Sở LĐ-TB-XH chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm rà soát nhu cầu theo từng lĩnh vực, ngành nghề của doanh nghiệp, từ đó kết nối với người lao động, đặc biệt quan tâm đến nhóm người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các phòng LĐ-TB-XH cấp quận để cập nhật nhu cầu của doanh nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động.
Sở LĐ-TB-XH cũng thông tin, để duy trì hoạt động sản xuất khi thiếu hụt lao động, doanh nghiệp cần cải cách quy trình sản xuất, hình thức hoạt động, có chính sách sử dụng nhân lựcđể chủ động tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của mình.
Dự kiến, chậm nhất vào ngày 24.9, TP.HCM sẽ triển khai gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 hơn 7.300 tỉ đồng cho hơn 7,3 triệu người (tức hơn 80% dân số TP), thực hiện hỗ trợ cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động và người phụ thuộc người lao động khó khăn... Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/lần bằng tiền mặt.
|
Bình luận (0)