Nguyễn Trọng Long không phải cái tên xa lạ với các giải đấu trẻ. Là học viên khóa 3 của Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ PVF, Trọng Long từng góp mặt ở đội U.16 Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Đinh Thế Nam lọt vào tứ kết giải U.16 châu Á 2016.
Đây cũng là năm bùng nổ của bóng đá trẻ Việt Nam khi U.19 Việt Nam góp mặt ở bán kết châu Á, qua đó giật vé đi U.20 World Cup.
Tuy nhiên, nếu U.19 Việt Nam trình làng lứa Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Tiến Linh hay Đoàn Văn Hậu góp công lớn vào thành công của bóng đá Việt Nam, đội U.16 của Trọng Long khó khăn hơn trên hành trình chứng tỏ bản thân.
Trọng Long trong màu áo CLB TP.HCM |
CLB TP.HCM |
Sau thành công ở giải U.16 châu Á 2016, Trọng Long lỡ hẹn với giải U.18 Đông Nam Á do dính chấn thương dây chằng. Đây là nốt trầm trong sự nghiệp, tưởng như chặn đứng sự nghiệp của tiền vệ sinh năm 2000.
Dù vậy, Trọng Long đã vượt qua, trở lại trong màu áo CLB Phố Hiến và chơi đều đặn ở các mùa giải 2019, 2020 dù tiền vệ quê Thanh Hóa không có thể hình ấn tượng.
HLV Park giải thích về việc chỉ định Hùng Dũng làm đội trưởng ĐTVN thay “Hải Quế” |
Với chiều cao 1m67, Trọng Long “lọt thỏm” khi đứng cạnh nhiều đồng đội trên sân, nhưng sự cần mẫn, xông xáo cùng khả năng bao quát không gian ở vị trí tiền vệ phòng ngự là những phẩm chất giúp cầu thủ của CLB TP.HCM được HLV Park Hang-seo đưa vào tầm ngắm.
Năm 2019, khi mới 19 tuổi, Trọng Long đã có tên ở một số đợt tập trung ngắn ngày của U.22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 30.
Trọng Long là tiền vệ trẻ triển vọng của Việt Nam |
CLB TP.HCM |
Màn thể hiện của Trọng Long trước các đàn anh là chưa đủ để HLV Park điền tên vào đội hình dự giải đấu trên đất Philippines khi ông có trong tay Triệu Việt Hưng, Trần Thanh Sơn và Trương Văn Thái Quý dày dạn hơn.
Song đây là khoảng thời gian quý báu để Trọng Long tích lũy kinh nghiệm. Năm 2021, tiền vệ 21 tuổi có bước đột phá khi chia tay CLB Phố Hiến để gia nhập CLB TP.HCM.
Tại đây, Trọng Long lại “đi sau” (ngồi dự bị cho các đàn anh) nhưng đã “về trước” khi chơi 6 trận ở nửa cuối lượt đi, thi đấu tổng cộng 432 phút dù phải cạnh tranh với nhiều tiền vệ kỳ cựu như Đỗ Văn Thuận, Nguyễn Thanh Bình, Lee Nguyễn hay trước đó là Ngô Hoàng Thịnh.
“Trọng Long là mẫu cầu thủ có tầm hoạt động rộng, thể lực tốt, khả năng tranh chấp, cản phá giữa sân khá ổn nhờ sức chiến đấu dẻo dai. Tuy nhiên, Trọng Long còn trẻ, lại chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự nên chưa giỏi ở khâu luân chuyển bóng, tổ chức lối chơi cho tuyến trên ghi bàn.
Trọng Long và Duy Khiêm trong màu áo đội tuyển trẻ Việt Nam |
VFF |
Đó là vấn đề kinh nghiệm, cần thêm thời gian để tích lũy. HLV Park Hang-seo gọi Trọng Long để đội tuyển có làn gió mới. Phải có phương án khác lạ thì mới tính toán làm mới lối chơi được.
Đây cũng là nguồn lực để không chỉ tăng tính cạnh tranh cho đội tuyển, mà còn là cách ông Park ém quân để chuẩn bị cho SEA Games 31 và các giải đấu khác, trong bối cảnh lứa U.22 của Trọng Long có tới 4 giải trẻ trong năm nay”, chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá.
Chiến lược “gối đầu” các lứa cầu thủ của HLV Park Hang-seo đã mang lại thành công trong năm 2019 khi không những tạo nên đội tuyển trẻ trung, mà còn giúp đội U.22 của Tiến Linh, Hà Đức Chinh đạt điểm rơi phong độ cho SEA Games.
Với "cơn gió lạ" Trọng Long, Hồ Thanh Minh hay Nguyễn Thanh Bình trên tuyển, bóng đá Việt Nam có thể kỳ vọng các cầu thủ trẻ trưởng thành để hướng tới các giải quan trọng trong năm 2022 như SEA Games 31, vòng chung kết U.23 châu Á hay ASIAD.
Bình luận (0)