Trọng tài ngày càng nhiều sai sót, VPF không thay đổi V-League sẽ tụt hậu!

10/07/2022 17:31 GMT+7

Ngày càng có nhiều trọng tài sai sót hết lỗi nhận định đến lỗi kỹ thuật ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Trách nhiệm này không chỉ là trọng tài hay ban trọng tài mà cao hơn cả là Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). 

Từ tối hôm qua cho đến nay, - từ truyền thông chính thống cho đến mạng xã hội - đã dậy sóng phê phán trọng tài khi công nhận bàn thắng ghi bằng tay của tiền đạo Xuân Nam giúp Bình Định mở tỷ số 1-0 trong trận hòa 1-1 trên sân chủ nhà Saigon FC ở vòng đấu thứ 6 lượt đi V-League 2022.

“PSG Việt Nam” - Topenland Bình Định chưa thể tối ưu 100% sức mạnh đội hình toàn sao

Có rất nhiều góp ý, phê phán thậm chí giận dữ khi phản ánh năng lực yếu kém của lực lượng trọng tài đang điều hành hai giải hàng đầu của hệ thống bóng đá Việt Nam là V-League và Hạng Nhất. Nhưng trên hết, do vấn nạn tiêu cực kéo dài mấy mươi năm, nên người hâm mộ đã mất niềm tin ở trọng tài. Từ đây, dẫn đến thực tế dù lỗi có xuất phát từ nhận định của trọng tài vẫn bị xem là có tiêu cực.

Bàn thắng bằng tay của Xuân Nam vẫn được trọng tài Ngọc Châu công nhận. Hết nói nỗi sai sót của trọng tài và hơn cả là ai phân công, sắp xếp những người kém năng lực như vậy

Thái hOàng

Tóm lại, cái gì không bình thường trong môi trường bóng đá Việt Nam, tất cả đều bị nghi ngờ và đều đổ lỗi cho tiêu cực.

Thật ra, khi thời đại thông tin bùng nổ, chúng ta đã tận mắt chứng kiến không ít trọng tài đẳng cấp hàng đầu thế giới vẫn có những sai sót. Và những sai lầm này nếu xảy ra trên các sân cỏ Việt Nam, chắc chắn sẽ bị “kết tội”: bán độ!

36 năm trước, huyền thoại Diego Maradona cũng đã qua mặt trọng tài để ghi bàn thắng bằng tay giúp đội tuyển Argentina thắng Anh 2-1 ở vòng tứ kết tại World Cup 1986 mà sau đó Argentina đã lên ngôi vô địch thế giới.

Nói như thế không phải chúng tôi bênh vực trọng tài, mà ở đây, đến lúc này, dù đã quá trễ, nhưng chúng ta cần tìm ra giải pháp để hạn chế tối đa sai sót của trọng tài. Không phải ngẫu nhiên VAR ra đời và được các nền bóng đá phát triển nhanh chóng tiếp nhận, vận hành.

Công an phải vào sân hộ tống trọng tài

Minh Hoàng

V-League vì sao cho đến nay chưa áp dụng VAR?

Một giải vô địch hàng đầu quốc gia mà luôn bị tai tiếng về năng lực trọng tài, về khả năng trọng tài có tiêu cực vẫn còn cao thì giá trị giải đấu sẽ tương ứng với những thông tin tiêu cực như thế này.

Một giải đấu mà vẫn phải tạm ngưng bất kể thời gian, bất kể thời điểm vì tập trung cho các giải U.23, SEA Games, thì còn gì là một giải vô địch quốc gia. Trên thế giới, giải vô địch quốc gia của các nước chỉ dừng theo lịch thi đấu các trận Quốc tế do FIFA ấn định mà chúng ta thường gọi là FIFA Days, hoặc chỉ dừng khi có các giải đấu quốc tế chính thức dành cho đội tuyển quốc gia. Thế nhưng Việt Nam thì gần như quá ưu tiên không chỉ cho đội tuyển mà cả các giải trẻ nên V-League cũng phải "hy sinh" theo.

HLV đội Thanh Hóa chạy vào sân phản ứng trọng tài

Minh Hoàng

Thương hiệu V-League không có giá trị cao là vì thế. Khi không có giá trị vì hình ảnh, thông tin tiêu cực nhiều hơn hẳn tích cực thì không thu hút được nguồn lực kinh tế, từ đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ngay lực lượng trọng tài nghỉ quá lâu giờ làm lại mà không được tập huấn lại sâu sát nên còn quá nhiều lúng túng và lỗi nhận định. Giờ đây, chúng ta có trút cơn mưa hay cơn bão giận dữ lên lực lượng trọng tài thì cũng chỉ là bề nổi. Tảng băng chìm vẫn là năng lực điều hành của VPF.

VPF thay đổi thì V-League mới đổi thay phát triển về mọi mặt. Đó mới là giải pháp cho bóng đá Việt Nam!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.