Trụ cột giúp dân thoát nghèo

16/07/2020 06:22 GMT+7

Với hơn 12 triệu hộ được vay vốn, dư nợ tín dụng hàng trăm nghìn tỉ đồng, có thể nói, dòng vốn chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột giúp người dân thoát nghèo bền vững, thậm chí vươn lên làm giàu.

Trụ cột giảm nghèo bền vững

Ngày 15.7, Ban Kinh tế T.Ư chủ trì phối hợp với Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)... tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị 40).

Chính sách tín dụng xã hội đã thành một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 cho thấy 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỉ đồng, tăng hơn 91.000 tỉ đồng so với cuối năm 2014. Theo đó, 12 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn (hơn 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo một cách bền vững); gần 346.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn NHCSXH để tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết nhờ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển KT-XH, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020 (năm 2011 - 2015, tỷ lệ này là 14,2%); Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo. Trong đó, tín dụng chính sách xã hội trở thành một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
“Kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 ở các địa phương cho thấy, nơi nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính “sáng tạo” và “nhân văn” và thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại chỉ thị, thì tại địa phương đó, đạt kết quả rất tích cực. Đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong triển khai thực hiện chỉ thị quan trọng này của Đảng”, ông Bình khẳng định.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Vĩnh An (TP.Đông Hà, Quảng Trị) cho biết, ba mẹ bà sinh được 4 người con, gia đình thuộc hộ thuần nông, quanh năm 2 vụ lúa nên khó khăn tứ bề. Với nguồn vốn được vay từ NHCSXH, gia đình đã khai hoang vùng đất Hướng Hóa, Quảng Trị trồng cây cà phê, từ đó, kinh tế cũng bắt đầu khấm khá hơn.
“Giữa lúc con cái ngày một lớn, tiền ăn học ngày một cao, mỗi lần đến kỳ gửi tiền cho chúng tôi, ba mẹ phải chạy vạy mượn nhà này nhà kia rất vất vả. May mắn có gói vay dành cho học sinh, sinh viên, đó thực sự là “cứu cánh” cho gia đình tôi lúc bấy giờ”, bà An nhớ lại và cảm ơn NHCSXH vì cả 4 đứa con đều ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định.

Nhân rộng cách làm hay, sáng tạo

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá, sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. “Chính sách tín dụng xã hội đã thành một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững”, ông Vượng khẳng định và nhấn mạnh giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn. Đây cũng là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách, các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, và phát triển KT-XH, góp phần ổn định chính trị xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Dự kiến tăng thời hạn cho vay đối với hộ mới thoát nghèo lên 10 năm

NHNN vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 28/2015 của Thủ tướng về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 10 năm, tăng 5 năm so với quy định hiện nay. Đồng thời, sửa đổi điều khoản thi hành có hiệu lực từ ngày 5.9.2015 và không còn quy định “và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31.12.2020”. Dự kiến quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.    
T.Xuân
Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao vai trò của NHNN khi đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì số dư tiền gửi 2% trên nguồn vốn huy động. Các địa phương đã ưu tiên cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội.
“Ban Kinh tế T.Ư cần tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị hôm nay, cùng với kết quả sơ kết để đề xuất kiến nghị với Ban Bí thư ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40. Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung những nhiệm vụ giải pháp cụ thể khả thi, nhân rộng cách làm hay mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới”, ông Vượng chỉ đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.