Vốn ngân hàng giúp người dân vùng cao thoát nghèo

Anh Vũ
Anh Vũ
06/09/2019 13:18 GMT+7

Dòng vốn tín dụng "chảy" vào các hợp tác xã , hộ dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng cao đang mang lại hiệu quả khá tích cực, giúp nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu .

Tại Hội nghị Công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc do Ngân hàng nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 4.9, số liệu cho thấy, đến cuối tháng 7, huy động vốn của khu vực đạt 381.603 tỉ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn so với mức tăng chung toàn quốc 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc.
Dư nợ tín dụng cho khu vực này đạt khoảng 409.552 tỉ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 148.312 tỉ đồng, tăng 2,39% so với 31.12.2018; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 72.629 tỉ đồng, tăng 1,96% so với 31.12.2018...
Hiện, ngoài 14 chi nhánh NHNN, mạng lưới ngân hàng hoạt động tại khu vực này đã được mở rộng đến 176 chi nhánh cấp 1; 151 quỹ tín dụng nhân dân và 1.052 chi nhánh trực thuộc và phòng giao dịch.
Chủ trì hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và đồng bộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cơ quan quản lý cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh và ban hành các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng đánh giá, hoạt động tín dụng tại khu vực còn gặp một số khó khăn, như: nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn và chủ yếu là vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu về vốn trung, dài hạn lớn; đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro và khó khăn…
Thời gian tới, để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tại khu vực, trong đó tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách, ông Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, trong đó có quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng; tổ chức và hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô nhằm tạo điều kiện cho loại hình này hoạt động ổn định và phát triển an toàn, bền vững...  
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong cho vay các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên toàn quốc, trong đó có khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.