Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ Công an vừa đề xuất quy định về điểm và trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) đối với tài xế có hành vi vi phạm pháp luật giao thông. Đề xuất này thuộc về phần giải trình một số nội dung mới trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội…
Theo đó, tùy vào hành vi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì tài xế sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước GPLX và phải học lại. Như vậy, tài xế buộc phải tự ý thức về số điểm trên GPLX của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để khỏi bị trừ điểm.
Để nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông, Bộ Công an cho rằng cần thiết quy định về điểm và trừ điểm GPLX và đây sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước chứ không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Trừ điểm ý thức
Cũng theo Bộ Công an, một trong những tác động tích cực mà biện pháp trừ điểm GPLX mang lại đó là quyền lợi của người điều khiển phương tiện khi vi phạm pháp luật về giao thông. Cụ thể, với quy định trừ điểm GPLX, tài xế vi phạm vẫn có thể tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu GPLX còn điểm.
Nhận xét về đề xuất nêu trên từ Bộ Công an, bạn đọc (BĐ) Nhựt Trần tỏ ý hoan nghênh: "Đề xuất này rất hay, nếu quản lý thực hiện tốt hy vọng nâng cao ý thức giao thông của mọi người". Tán thành, BĐ Tuấn Kiệt Nguyễn nêu: "Trừ điểm GPLX thì người ta còn đi làm ăn kiếm sống được. Chứ giam bằng 12 - 23 tháng thì tài xế lấy gì hành nghề mà sống. Luật là luật, nhưng tính toán sao cho có tình có lý như vậy mới đúng".
Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe, tài xế sẽ được hưởng lợi?
Nhiều BĐ cũng cho rằng nếu việc xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông chủ yếu hướng đến mục tiêu nâng cao văn hóa giao thông, thì cách trừ điểm vào GPLX cũng là một phương pháp giáo dục tốt. BĐ Ngọc Nhi phân tích: "Phải có điểm trừ trên GPLX vì đây là trừ vào ý thức giao thông. Người ý thức kém dễ gây tai nạn, tốt nhất không nên có bằng lái. Nếu không vi phạm hay ý thức tốt thì bạn sẽ không lo bị trừ điểm nào cả". BĐ Minh Nghĩa cũng cho rằng: "Với cơ sở dữ liệu dân cư như hiện nay thì chắc chắn điều kiện để tính điểm và trừ điểm trên GPLX đã chín mùi, sẽ hiệu quả trong quản lý dân sinh và giao thông".
Lo ngại thêm rối thủ tục
Mặt khác, nhiều BĐ nhắc lại câu chuyện "bấm lỗ bằng lái, phiếu kiểm soát lái xe" từng được áp dụng trước đây để tăng cường quản lý tài xế vi phạm giao thông, tuy nhiên sau đó phải bãi bỏ vì việc triển khai có nhiều vướng mắc.
Nhận xét liên quan câu chuyện này, BĐ Võ Ngọc Ánh đề nghị: "Các chế tài theo pháp luật của chúng ta đã có và rất chặt chẽ, chủ yếu là chúng ta áp dụng có nghiêm hay không. Trong trường hợp nếu cần hoặc cảm thấy chưa đủ tính răn đe thì cơ quan quản lý có thể sửa đổi, hoặc tăng mức phạt hoặc giam GPLX lâu hơn. Cần rất cân nhắc nếu đưa thêm quy định có thể làm phức tạp thêm về thủ tục giấy tờ".
Không ít BĐ cũng lo ngại đề xuất mới sẽ mang đến những rối ren về mặt thủ tục hành chính, trong khi các biện pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông từ trước đến nay đã có đầy đủ.
BĐ Nguyễn Văn Hùng bày tỏ sự băn khoăn nếu bổ sung thêm hình thức trừ điểm GPLX sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp GPLX: "Cần tìm cách giảm bớt thủ tục phiền hà nhưng vẫn bảo đảm an toàn hiệu quả, thay vì cứ thêm quy định mới. Chỉ sợ trừ điểm GPLX cũng giống việc bấm lỗ bằng lái, nửa đường gãy gánh".
Bình luận (0)