TRÀN LAN "ĐẮP CHIẾU"
Như Thanh Niên đã phản ánh cách đây 1 năm, tại Quảng Trị có hàng trăm trụ sở công sản (thuộc quản lý của Quảng Trị và các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn) rơi vào tình cảnh mà người dân hay gọi là những… trụ sở "ma". Có một đặc điểm chung của các trụ sở công sản bị bỏ hoang ở Quảng Trị: nằm ở những vị trí đắc địa (thậm chí là khu vực "đất vàng"), không được sử dụng trong một thời gian dài, chưa biết tương lai sẽ ra sao và trở thành hình ảnh rất xốn mắt trong dư luận, vì đó chính là điển hình của sự lãng phí. Trong khi đó nhiều cơ quan thì không có trụ sở làm việc…
Nguyên nhân của tình trạng này phần nhiều là khi được chuyển đến địa điểm mới khang trang hơn, rất nhiều trụ sở, cơ quan, đơn vị cũ trên địa bàn thành phố và các huyện, thị xã ở Quảng Trị bị bỏ hoang, không sử dụng. Cùng với ảnh hưởng của thời tiết và tác động của con người, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài sản công và mất mỹ quan đô thị.
Riêng ở TP.Đông Hà hiện có 168 cơ sở nhà, đất, trụ sở công thuộc diện sắp xếp. Trong đó, có nhiều trụ sở cũ bỏ hoang xuống cấp nghiêm trọng như trụ sở cũ của TAND TP.Đông Hà (nằm ngay ngã tư Điện Biên Phủ và Hùng Vương nối dài), trụ sở cũ của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị ở đường Tạ Quang Bửu…
Tại H.Gio Linh, có trên 270 cơ sở nhà, đất nằm trong diện sắp xếp, xử lý, gồm: một phần trụ sở công an huyện, nhà khách UBND huyện, phòng nội vụ và phòng LĐ-TB-XH, TAND huyện, UBMTTQ VN huyện và trụ sở kho bạc nhà nước huyện. Tất cả đều là những khối nhà bị bỏ hoang.
Tại H.Triệu Phong có kho bạc nhà nước huyện (cũ), nhà khách UBND huyện (cũ) và nhà thiếu nhi huyện (cũ)… bị bỏ hoang. Tại H.Vĩnh Linh, các trụ sở cũ bỏ hoang gồm: nhà thiếu nhi, chi cục thuế, phòng văn hóa - thông tin, công an huyện…
Các trụ sở này đa phần được xây dựng từ nhiều năm về trước nên đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tuy vậy, bên cạnh đó một số trụ sở vẫn còn công năng sử dụng nhưng bị bỏ không hoặc chưa được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, địa phương không có nguồn kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.
VƯỚNG TRONG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại, xử lý tài sản công dù đã được UBND tỉnh Quảng Trị chú trọng, thế nhưng thực tế gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân xác định là dù đã trình phương án xử lý nhưng đến nay hàng loạt trụ sở công bỏ hoang do phương án bán đấu giá vẫn chưa được phê duyệt.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài chính đã được UBND tỉnh Quảng Trị giao chủ trì, phối hợp các ban ngành địa phương liên quan nghiên cứu phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Trong đó, vào cuối năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã thông qua chủ trương thực hiện bán đấu giá 70 cơ sở nhà đất của cấp huyện quản lý; UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Trị đã tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai bán đấu giá. Hiện các nội dung đã hoàn thành, đã trình UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, phê duyệt phương án đối với 70 cơ sở nhà đất.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên ngày 6.11, bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Trị, cho biết 70 cơ sở nhà đất nêu trên vẫn chưa thể thực hiện đấu giá. Lý do, phần vì lãnh đạo tỉnh muốn được rà soát lại kỹ càng hơn vì "đây là lĩnh vực nhạy cảm", phần vì dự kiến sắp tới sẽ có nhiều thay đổi trong luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó có thể bỏ hình thức "bán tài sản trên đất" mà phải thu hồi theo luật Đất đai rồi mới bán.
"Nếu như trước đây đã có phê duyệt phương án đấu giá thì không sao, nhưng đến giờ tỉnh vẫn chưa phê duyệt. Nếu phê duyệt vào thời điểm này thì sẽ khó thực hiện nếu có thay đổi về luật… Giờ mình biết thông tin sẽ có thay đổi nên đang chờ hướng dẫn luật mới để thực hiện cho phù hợp hơn", bà Thanh nói.
Liên quan đến nội dung này, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-HĐND ngày 15.8.2024 thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng, sắp xếp lại tài sản công là cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2024.
CHỜ ĐẾN BAO GIỜ?
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngay giữa nghị trường Quốc hội hôm 4.11, ông Hà Sĩ Đồng, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cảm thán về tình trạng lãng phí đất công xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, rằng có những trụ sở đất vàng bỏ hoang giữa TP.Đông Hà, 8 năm rồi vẫn chờ… "sắp xếp tổng thể".
Ông Đồng dẫn ra ví dụ về vị trí "đất vàng" của TP.Đông Hà có tòa nhà 3 tầng, diện tích hơn 2.000 m2 là trụ sở của TAND TP.Đông Hà bị bỏ hoang từ năm 2016 đến nay. Theo ông Đồng, tỉnh Quảng Trị và TAND tối cao đã phối hợp đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bán đấu giá hoặc chuyển cho địa phương quản lý, nhưng qua
8 năm chỉ nhận được câu trả lời là đang chờ sắp xếp tổng thể. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nêu câu hỏi: "Không biết phải chờ đến bao giờ?", vì hiện công trình này đang gây ra hoang hóa, mất mỹ quan đô thị giữa trung tâm thành phố, lãng phí tài sản lớn; đồng thời gây phản cảm, bức xúc trong dư luận, cử tri.
Từ đó, đại biểu Đồng đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công, trụ sở của các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn của các địa phương đã xây mới hoặc chuyển đi nơi khác. (còn tiếp)
Bình luận (0)