Trúc Bạch sống chậm

Vũ Thơ
Vũ Thơ
15/03/2020 07:05 GMT+7

Đến phố Trúc Bạch, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình (Hà Nội) sau 1 tuần bị phong tỏa do dịch Covid-19 , chúng tôi được nghe những câu chuyện cảm động của người dân với câu nói vui: 'Chúng tôi sắp trở thành cán bộ cao cấp rồi!'.

Cuộc sống sung túc hơn ngày thường

Bữa cơm trưa ngày 13.3, sau đúng 1 tuần ở trong khu cách ly của nhà ông Trần Sơn Hải (số nhà 87 Trúc Bạch) có món chính là bún ngan, canh măng tiết, một món ăn cải thiện vì cả tuần ăn nhiều thịt cá quá rồi.
Bát canh măng đầy đủ gia vị hành tươi, rau húng, bát nước mắm tỏi, thịt ngan mềm thơm phức... Nhấp một ngụm bia sảng khoái, ông Hải chia sẻ: “Ngày thường nhà tôi chẳng mấy khi mua măng ăn, nhưng những ngày cách ly chúng tôi được cấp cho đủ thứ lương thực thực phẩm, rau củ quả các loại, măng thì nhiều lắm nên cứ ăn cải thiện liên tục. Tủ lạnh nhà tôi đã chật kín cả rồi!”.
Ông Hải kể từ ngày bị cách ly, cứ 2 ngày một lần, người dân lại được cán bộ phường đến cung cấp lương thực thực phẩm miễn phí. “Đủ các thứ không thiếu một cái gì, từ gạo, thịt lợn, bò, gà, rau quả, nước uống... và các loại nhu yếu phẩm khác. Xin lỗi, họ trang bị cho chúng tôi cả đến giấy vệ sinh nữa”, ông Hải xúc động nói. Đó là chưa kể, ở đây hầu như ngày nào người dân cũng nhận được quà tặng. “Thành ủy TP.Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan, đơn vị gửi quà tặng chúng tôi; các nhà hảo tâm đã liên tục gửi đến. Nhà tôi tiêu thụ không xuể. Bữa ăn phải bày biện ra nhiều món nên còn sung túc hơn cả ngày thường”, ông Hải vui vẻ kể.
Bà Trần Thị Hoa, vợ ông Hải, thì liệt kê: “Tính đến ngày thứ 5 bị cách ly, nhà tôi đã được cấp 25 kg gạo, 20 gói mì, mấy chai dầu ăn, 4 lít nước mắm ngon của toàn thương hiệu nổi tiếng... Thịt thì toàn loại ngon, sạch từ siêu thị; gạo thì được ăn loại đặc sản Séng Cù Điện Biên (có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg - PV)...”. Không chỉ được ăn ngon, hằng ngày cả gia đình bà và người dân được cán bộ y tế vào tận nơi đo thân nhiệt cho từng người để theo dõi sức khỏe.
Bà Hoa xúc động nói: “Chúng tôi sắp trở thành cán bộ cao cấp rồi. Tôi và người dân ở đây không nghĩ là lại được chính quyền chăm lo chu đáo như vậy. Tôi thường nói đùa với mấy bà hàng xóm thật là sung sướng, chả phải lo nghĩ gì, vì không phải làm cũng có cái ăn!”.

Như ở khu nghỉ dưỡng

Từ hôm khu phố Trúc Bạch bị phong tỏa, nơi đây có một nhịp sống bình yên đến không ngờ. Đường đi không còn cảnh xe cộ nhộn nhịp mà trở thành “đường nội bộ” trầm lắng dưới những tán cây xanh.
Anh Nguyễn Tấn Long (ở số nhà 83) mọi hôm phải dậy sớm mở cửa hàng sửa xe máy, giờ đành chịu thất nghiệp tạm thời. Anh kê chiếc ghế đẩu ra vỉa hè, ngồi uống trà và đánh cờ cùng những người hàng xóm. Phố vắng, ông Nguyễn Tấn Ninh, bố anh Long, nhẩn nha đi bộ tập thể dục từ đầu đến cuối phố. Mỏi chân, ông dừng nghỉ ở khu vực vườn hoa giữa phố, nơi có sẵn các thiết bị thể dục ngoài trời. Khu tập thể dục này từ hôm phố bị cách ly trở thành nơi bà con gặp nhau chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh. Họ đều hiểu ý nghĩa việc phải cách ly, vì được nghe tuyên truyền liên tục suốt những ngày qua.
Bà Đặng Thị Thanh Mai (56 tuổi) ở số nhà 81, cho biết gia đình bà có tới 11 người sống ở đây, gồm 2 vợ chồng bà, 2 vợ chồng con trai, 2 đứa cháu nội và gia đình em chồng 5 người nữa.
Trước đây, thường ngày sáng sớm bà phải dậy đi chợ mua lương thực thực phẩm để nấu ăn cho cả gia đình. Mỗi hôm lại phải tính mua gì, ăn gì, rồi tất tả đưa cháu đi học, nhưng từ hôm sống trong khu cách ly, bà không còn phải lo chuyện đó nữa.
“Đồ ăn đã được cung cấp đầy đủ, rất nhiều thứ nên cuộc sống rất thoải mái. Nếu muốn ăn gì khác thì có thể nhắn người thân, bạn bè, họ hàng mua cho. Ở ngoài cổng đã để sẵn một cái bàn để người dân đến nhận đồ của người khác mang vào. Còn đồ được cung cấp thì chúng tôi được cán bộ đưa đến tận nhà...”, bà Mai chia sẻ.
Đồ ăn nhiều, thời gian thoải mái nên các bà nội trợ trong khu phố còn rủ nhau nấu các món ăn cải thiện như bún ngan, phở gà... Các gia đình bán hàng ăn còn lại thứ gì cũng đem ra cho nhau hết. Sống ở khu cách ly 1 tuần, bà Mai trải lòng: “Hôm đầu tiên gia đình tôi cũng thấy hoang mang nhưng bây giờ tôi cảm thấy như được ở khu nghỉ dưỡng vậy”.

Sống chậm để ngẫm nghĩ

Chia sẻ về tâm trạng khi mới bị cách ly, ông Hải kể: “Hôm đó chiều muộn tôi mới ở cơ quan về. Đến gần nhà thì thấy dây rợ đã quây kín, lực lượng chức năng đứng đầy đường. Tôi lo ngại bảo với bà xã “phải té thôi”, thế là cả nhà chuẩn bị hành lý, rồi nhanh chóng rời khỏi nhà. Tôi ở nhà con gái đúng một đêm và ngẫm nghĩ nếu mình không ở khu cách ly mà mang mầm bệnh thì sẽ lây lan ra cộng đồng. Vì vậy sáng hôm sau tôi lại vận động gia đình trở về nhà. Và điều mà tôi không ngờ tới là cuộc sống ở khu cách ly đã là một trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ trong cuộc đời”.
Ông Hải kể ông công tác ở một cơ quan trên đường Dương Đình Nghệ, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy (Hà Nội), cách nhà chừng 10 km. Ngày thường ông phải dậy sớm đi làm vì lo tắc đường, có hôm còn chả kịp ăn sáng ở nhà. Từ hôm khu phố bị cách ly, ông thấy cuộc sống của mình bỗng nhiên chậm lại.
Ông ở nhà cả ngày cùng vợ và các con. Các con và cháu ông cũng không phải đi làm, đi học nên sáng thức dậy cả nhà ông đã ngồi ăn sáng cùng nhau. Bữa trưa và bữa tối cả nhà đều có mặt đông đủ.
“Từ ngày sống trong khu cách ly, bữa cơm gia đình lại đầm ấm hơn vì có đông đủ mọi người”, ông Hải so sánh. Ăn xong ông Hải không phải làm gì, lại ra phố ngắm cảnh và chụp ảnh để gửi ra ngoài cho bạn bè, đồng nghiệp và “cúng Face” để mọi người biết cuộc sống của gia đình ông và khu phố như thế nào.
Nhà ông Hải ở ngay cạnh UBND P.Trúc Bạch nên ông cũng “tò mò” xem các cán bộ phường làm gì những ngày chống dịch. Ông kể: “Các cán bộ phường, y tá, công an, quân đội đã trực 24/24 giờ để chăm lo cho cuộc sống của người dân. Họ phải tiếp xúc với chúng tôi nên cũng không dám về nhà, mà ăn ở ngay tại trụ sở. Cán bộ y tế thì túc trực đến đo thân nhiệt theo giờ cho gần 200 hộ dân; các chiến sĩ công an thì vận chuyển lương thực thực phẩm tiếp tế; lực lượng quân đội thì lo phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn và còn giúp dân dọn dẹp vệ sinh...”, ông Hải kể.
Đặc biệt, ông Hải xúc động nói: “Người dân chúng tôi thì được chăm lo và được tặng quà nhiều đến mức không dùng hết, nhưng các cán bộ thì chỉ gọi cơm hộp về ăn vì họ đâu có được tiêu chuẩn như dân. Mỗi người cầm mỗi hộp cơm lặng lẽ ăn, nhìn thương lắm, không có cảnh được đầm ấm sum họp với gia đình như chúng tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.