Trúc Linh Lan với ‘Lời tự tình của trái tim thao thức’

20/03/2021 14:00 GMT+7

Trúc Linh Lan là một trong những cây bút nữ gạo cội của đồng bằng sông Cửu Long. Chị viết nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình. Mới đây, chị vừa trình làng tập cảm nhận văn chương Lời tự tình của những trái tim thao thức (NXB Văn hóa - Văn nghệ).

Đây là tập sách được Trúc Linh Lan dành khá nhiều tâm huyết, bởi ở đó phần nào chị đã thể hiện năng lực cảm thụ và chiếm lĩnh tác phẩm văn chương trong tư cách là độc giả.
Trúc Linh Lan vừa là nhà thơ, vừa là nhà văn nên sự cảm nhận tác phẩm của người trong nghề sẽ sâu sắc và thấu đáo hơn so với những bạn đọc thông thường. Do đó, 18 tác giả/ tác phẩm (cả thơ và văn xuôi) trong tập sách được chị nhìn nhận, mổ xẻ, khai thác một cách kỹ lưỡng, có lý, có tình. Chị đã khái quát hóa, cụ thể hóa một cách rõ nét giá trị về mặt nội dung cũng như dụng ý nghệ thuật mà nhà văn muốn gửi gắm. Đây không chỉ là sự trải nghiệm mà đòi hỏi người viết phải có vốn kiến thức văn hóa và khả năng tiếp cận, giãi mã tác phẩm.
Sự giải mã tác phẩm văn chương nói chung có rất nhiều cách, nhưng thế mạnh của Trúc Linh Lan là phân tích theo mạch cảm xúc, lý giải theo quy luật tâm lý, tình cảm; nhập vai, hóa thân mình vào nhân vật trong tác phẩm để tri ngộ ra nhiều điều về con người và cuộc sống. Chính điều này đã làm cho sự gặp gỡ giữa người sáng tác và người tiếp nhận gần nhau hơn, có sự đồng điệu giữa tác giả và người đọc/ người phê bình. Đọc tập thơ Lặng của Nguyễn Lương Hiệu, Trúc Linh Lan đã bắt gặp và “gọi tên” cảm xúc, hồn thơ của anh bằng chính sự trải nghiệm của đời mình: “Lặng của Nguyễn Lương Hiệu là một nốt nhạc ngừng. Lặng để nhà thơ lắng nghe, để nhìn ngắm cuộc đời, nhìn lại mình để cảm nhận, để bao dung, để tha thứ và tin yêu cuộc sống này hơn. Trong Lặng, Hiệu đã dành một góc ký ức để anh nhìn lại thật lặng lẽ, thật thấu đáo và đầy yêu thương. Hai nốt lặng trong cùng một tập thơ đã bộc lộ niềm hân hoan tràn đầy cảm xúc. Nốt lặng thứ nhất ngân lên trong khuông nhạc mà cuộc sống chứa đầy hình ảnh những người thân yêu. Nốt lặng thứ hai là tất cả tâm huyết, tài hoa từ cuộc sống đớn đau, sướng khổ, có cả tiếng cười và giọt nước mắt để chụp thật sắc nét chân dung một con người...”.
Đọc tập truyện ngắn Chiến tranh đã đi qua của Nguyễn Đình Thắng, chỉ trong một bài viết ngắn nhưng Trúc Linh Lan đã nêu ra được nhiều khía cạnh mà nhà văn chuyển tải. Chính những phát hiện của Trúc Linh Lan đã làm cho tác phẩm trở nên rõ nét hơn trong việc khắc họa không gian tuổi trẻ thời đánh Mỹ. Chiến tranh gắn liền với đau thương, mất mát. Tuổi trẻ - tình yêu là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người, đặc biệt là trong những năm tháng chiến tranh. “Tác giả không đi đâu xa, từ giảng đường anh học, từ vùng đất đời lính anh đi qua, những gương mặt bạn bè hiện rõ ràng trong trang viết, qua những cánh rừng, con đường, giao thông hào... Hình như dấu ấn trong cuộc chiến chưa rời xa anh, bởi vì trong cuộc chiến này anh đánh mất một tình yêu, tình yêu thời sinh viên đẹp. Cuộc tình thời chiến tranh đã ngăn cách họ: Thắng ra chiến trường mang theo trong trái tim đôi mắt người yêu. Cô gái đi học ở nước ngoài và theo ông bà ta đúc kết xa mặt cách lòng. Cô gái trở về với cánh thiệp hồng báo tin...”.
Bên cạnh đó, bằng những kiến thức về thi pháp học và sự trải nghiệm, đúc kết trong đời sống, Trúc Linh Lan đã có những phát hiện và nhận xét khá xác đáng về tác phẩm/ tác giả mà chị đã đọc và yêu thích. Đọc thơ Lâm Tẻn Cuôi, chị rút ra điều cốt lõi: “Thơ Lâm Tẻn Cuôi đậm lại giọt buồn như người nhạc sĩ dạo một cung trầm làm xao xuyến lòng người nhưng không bi lụy, yếm thế. Thơ anh cứ nhẹ nhàng, thầm thì với bạn yêu thơ như một lời tâm sự. Cuộc tình giữa anh và thơ như những vòng tròn định mệnh”.
Còn nhiều những bài viết khá ấn tượng như: Tóc xưa còn giữ mấy lời ẩn hương (viết về thơ Nguyễn An Bình); Chữ tình trong tiểu thuyết tình không biên giới của nhà văn Kim Quyên; Cúi nhặt những mùa xưa mộng ảo (viết về thơ Lê Thanh My); Bí ẩn những mùa yêu trong Đêm thơm lựng mùi sen (viết về thơ Nguyễn Thị Liên Tâm)...
Lời tự tình của những trái tim thao thức đem đến cho người đọc cách tiếp cận tác phẩm văn chương một cách nhẹ nhàng, gần gũi và thân thương bằng cái tình của người làm văn nghệ. Những lời nhận xét, tỏ bày của Trúc Linh Lan sẽ tiếp thêm nguồn động lực để họ cho ra đời những tác phẩm mới hay hơn, có chất lượng hơn. Tuy thế, Trúc Linh Lan vẫn khiêm tốn cho rằng: “Tôi chỉ là một người quá giang trên chuyến đò văn chương, không dám phê bình, không lý luận chỉ xin được trân trọng cảm nhận và chia sẻ cùng tác giả những trăn trở yêu thương”.
Lời tự tình của những trái tim thao thức là tập sách có nhiều sự gợi mở, đem tác phẩm đến gần người đọc bởi sự chắt chiu con chữ đầy trách nhiệm của cây viết Trúc Linh Lan dành cho những nhà văn, nhà thơ mà chị trân quý.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.