Chủ mưu thảm sát Bình Phước suy sụp khi bị tuyên án tử hình

17/12/2015 07:05 GMT+7

Hội đồng xét xử vừa tuyên án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, hai hung thủ gây ra cái chết cho 6 người trong vụ thảm sát ở Bình Phước.

Sáng nay 17.12, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xét xử Nguyễn Hải Dương và đồng phạm về 2 tội giết người, cướp tài sản. Hàng ngàn người dân và phóng viên đã có mặt tại phiên tòa từ lúc 4 giờ sáng. Thanh Niên xin mời bạn đọc xem lược thuật diễn biến phiên tòa theo trình tự thông tin mới ở trên.
[CLIP] Tòa tuyên án tử hình đối với 2 bị cáo Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến
19 giờ 10: HĐXX tuyên Nguyễn Hải Dương lãnh án tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình; Vũ Văn Tiến lãnh án tử hình về tội giết người, 7 tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình.
Riêng Thoại, bị tuyên 13 năm tù về tội giết người, 3 năm tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là 16  năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, 3 bị cáo có trách nhiệm bồi thường chung cho gia đình các nạn nhân 480 triệu đồng.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long, cùng tạm trú TP.HCM) trong vụ thảm sát xảy ra tại Bình Phước kết thúc.
Bị cáo Nguyễn Hải Dương quỵ người khi bị tuyên án tử hình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
19 giờ 00: HĐXX xét thấy, các bị cáo đủ nhận thức để chịu trách nhiệm về năng lực hành vi. Xuất phát từ thù tức vì bà Nga ngăn cản tình yêu của Linh và Dương nên Dương nảy sinh ý định giết cả nhà Linh để trả thù, trong đó có một trẻ em. Riêng bị cáo Dương phải chịu trách nhiệm về tình tiết định khung là động cơ đê hèn.
Xét tính chất vụ án, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm mạng sống của người khác. Với thái độ côn đồ, hung hãn, các bị cáo đã tước đoạt 6 mạng người một cách tàn nhẫn gây đau thương cho nạn nhân. Gây bất bình cho người dân cả nước nên phải xử lý nghiêm.
Các bị cáo nghe bản án - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dương và Tiến thành khẩn, ăn năn hối cải, nhưng hậu quả gây ra quá lớn, mất hết tính người, không còn khả năng cải tạo, giáo dục nên phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội để răn đe

Ông Nguyễn Hữu Trí
Chủ tọa phiên tòa

Đối với Dương, là người chủ mưu, là người chuẩn bị phương tiện phạm tội, là người ra tay giết hại 6 người trong gia đình ông Mỹ. Bị cáo phạm tội đến cùng, quyết tâm, quyết liệt. Bị cáo Tiến nhiều lần can ngăn nhưng Dương vẫn không thay đổi ý định. Bị cáo đã thực hiện hành vi một cách côn đồ, đê hèn.
Đối với Tiến, Dương rủ là đi ngay. Dù có can ngăn Dương nhưng vẫn thực hiện hành vi giúp sức cho Dương. Hành vi của bị cáo man rợ, côn đồ. 
Tại tòa, Dương và Tiến thành khẩn, ăn năn hối cải, nhưng hậu quả gây ra quá lớn, mất hết tính người không còn khả năng cải tạo, giáo dục nên phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội để răn đe.
Đối với Thoại, đồng ý thực hiện kế hoạch giết, cướp tài sản với Dương nhưng do Vỹ không mở cửa nên mới không thực hiện được hành vi. Ngày sau đó còn mua cho Dương con dao để Dương thực hiện kế hoạch và từ chối không đi nữa. Nên cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội thời gian để giáo dục bị cáo.

[CLIP] CÁC BỊ CÁO NÓI LỜI SAU CÙNG
18 giờ 25: Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tọa phiên tòa vẫn đang công bố nội dung bản án. Ông Trí nói: "Do nội dung bản án còn dài nên đề nghị mọi người tham gia phiên tòa ngồi xuống. Riêng 3 bị cáo đứng nguyên nghe tuyên án".
Ông Trí vẫn đang đứng đọc bản án....
Chủ tọa phiên tòa đang đọc bản án - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
18 giờ 15: Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tọa phiên tòa đang công bố nội dung bản án.
Cả 3 bị cáo đứng cúi đầu nghe bản án. Mỗi bị cáo đều có 2 cảnh sát vòng hai bên tay. Trên khuôn mặt các bị cáo thể hiện rõ tâm trạng căng thẳng, lo lắng.
18 giờ 10: Thư ký tòa thông báo HĐXX vào tuyên án, đề nghị mọi người tham gia phiên tòa ổn định trật tự.
Bị cáo Thoại nói lời sau cùng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
18 giờ 00: HĐXX đã tiến hành nghị án xong. Các luật sư và thư ký tòa đã trở lại phiên tòa chuẩn bị tuyên án. Thời điểm này, trời đã nhá nhem tối nhưng hàng ngàn người dân vẫn ở lại theo dõi phiên tòa. Trong thời gian HĐXX nghị án, cả 3 bị cáo được ngồi tại chỗ ngay trước vành móng ngựa.
Trước đó, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã đề nghị mức án tử hình đối với Dương, Tiến và từ 16-18 năm tù đối với bị cáo Thoại.
Các bị cáo nói lời sau cùng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
16 giờ 50: Các bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án
Bị cáo Dương: Gửi lời xin lỗi đến gia đình, xin lỗi Tiến và Thoại. Chỉ vì phút nông nổi mà khiến mọi người liên lụy. Xin tòa xem xét tình tiết giảm nhẹ cho Tiến, vì Tiến bị bị cáo ép nên mới phạm tội.
Bị cáo Tiến nói xin lỗi gia đình bị hại. 
Bị cáo Thoại nói lời xin lỗi gia đình bị hại và gia đình bị cáo, mong HĐXX xem xét.
Bị cáo Tiến bật khóc tại tòa sau khi nghe bị đề nghị án tử hình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
16 giờ 40: Luật sư bào chữa cho bị cáo Thoại tranh luận việc truy tố Thoại tội giết người là suy đoán. Theo luật sư, Dương cũng khai tại tòa, Thoại có vẻ không đồng tình. Sự thể hiện cao nhất việc không đồng tình là là bị cáo không đi thực hiện hành vi phạm tội với Dương.

Các luật sư bảo hành vi các bị cáo không man rợ, không man rợ tại sao có thể dùng dao cắt đứt cuống họng nạn nhân?!

Đại diện VKSND tỉnh Bình Phước

Trong khi đó, kết luận điều tra cũng ghi nhận: “Thoại thấy việc kế hoạch của Dương sẽ giết nhiều người nên không đi nữa” nhưng cáo trạng không thể hiện.
Tuy nhiên, VKS phản biện rằng, Thoại là người giúp sức, là đồng phạm bởi Thoại còn người hướng dẫn Dương lên mạng mua súng bắn điện. Sau đó, Dương mua xong còn cầm đến nhà Thoại mượn Thoại 1 cái bao đựng súng bắn điện. Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị 16-18 năm tù cho 2 tội giết người và cướp tài sản đối với Thoại.
VKS còn nêu: “Các luật sư bảo hành vi các bị cáo không man rợ, không man rợ tại sao có thể dùng dao cắt đứt cuống họng nạn nhân?! Tôi không đọc các chi tiết ra vì quá đau lòng, các luật sư nêu 'không man rợ' thì để HĐXX sẽ đánh giá”.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Thoại đang tranh tụng với đại diện VKS - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
16 giờ 20: Đại diện VKS phản biện, tranh luận lại đối với quan điểm của các luật sư đưa ra. Cụ thể, các luật sư cho rằng bị cáo Dương, Tiến , Thoại không nên áp dụng tình tiết tăng nặng như giết nhiều người. Ví dụ như Thoại, qua thẩm vấn, mặc dù Thoại can ngăn nhưng Thoại vẫn đồng ý đi đến nhà ông Mỹ. Sau đó còn mua dao cho Dương, Thoại có vai trò giúp sức nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng...
Về việc luật sư đưa ra tình tiết Dương và Tiến không giết bé Na nên phải áp dụng đó là tình tiết giảm nhẹ. Đại diện VKS cho rằng, luật quy định không có ai áp dụng không giết thêm người là tình tiết giảm nhẹ. 
Đại diện VKS tranh tụng với luật sư - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Còn về việc luật sư cho rằng, Thoại thực hiện tội phạm không thành, nhưng trước đó Dương và Thoại đã bàn bạc kế hoạch rõ ràng, Thoại hiểu quá rõ kế hoạch của Dương nên không thể nói không thực hiện được tội phạm. Một vụ án nhưng 2 lần thực hiện tội phạm, lần 1 không thực hiện được chỉ vì Vỹ không mở cửa, lần 2 Thoại không đi. 
VKS cho rằng, Thoại không tự ý bản thân tự chấm dứt phạm tội mà không phạm tội vì nguyên nhân khách quan mang lại. Chưa kể đến tình tiết Thoại còn mua dao cho Dương thực hiện hành vi của mình. Đáng lẽ Thoại phải báo cho gia đình bị hại, công an để ngăn chặn. Bị cáo không làm thế nên bị cáo phải chịu trách nhiệm. Việc Thoại giúp sức hay không thì trong phiên tòa hôm nay HĐXX đã làm rõ. 
Hội đồng xét xử - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đối với Tiến, Tiến thực hiện tội phạm rất quyết liệt như: Vỹ kêu lên thì Tiến bịt miệng, bóp cổ; vào nhà dùng dây thắt cổ từng người cho Dương đâm cũng là những hành vi quyết liệt, dã man. Về vấn đề luật sư cho rằng bị cáo không thống nhất ý chí cướp tài sản và không có ý định giết người, VKS cho rằng không có bị cáo nào muốn nhận mình giết người, cướp tài sản. Trong vụ án này đã làm rõ trong phần xét hỏi từ sáng giờ nên VKS không tranh luận thêm.
Thư ký tòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tranh luận lại ý kiến của VKS, luật sư bào chữa cho Tiến cho rằng, ngay từ lúc vào cổng nhà ông Mỹ gặp Vỹ, Tiến không siết cổ, bóp cổ mà chính Dương mới bóp cổ, bị cáo Tiến chỉ bịt miệng mà thôi. Bị cáo Tiến không ra tay sát hại bất cứ ai thì không phải man rợ. Tình tiết “thực hiện hành vi man rợ, côn đồ” áp dụng với Dương mới phù hợp. Từ đó, áp dụng tử hình đối với Tiến có thỏa đáng hay chưa thì cần được xem xét?
Tránh nắng dưới gầm xe để theo dõi phiên tòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
16 giờ 00: Luật sư đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 6 nạn nhân trong vụ án này nêu: Bị cáo Dương vì tham tiền nên mới thực hiện hành vi, hành vi của Dương cả thế giới lên án chứ không chỉ Việt Nam. 
Đối với Tiến, tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực, dù có ngăn cản Dương nhưng chỉ bằng lời nói, không quyết liệt để cho Dương dùng dao đâm chết người. Nếu Tiến không giúp sức cho Dương thì Dương không thể nào giết chết 6 người trong đại gia đình ông Mỹ.
Luật sư đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho 6 nạn nhân - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đối với Thoại, ý thức của Thoại cũng mong muốn giết và cướp tài sản. Mặc dù Thoại không trực tiếp giết và cướp nhưng Thoại lại mua con dao cho Dương, và Dương dùng chính con dao đó giết người.
Vì vậy, luật sư không đồng ý mức án VKS đề nghị đối với Thoại, cần phải đề nghị mức án tử hình như Dương và Tiến. Ngoài ra, đề nghị 3 bị cáo bồi thường tiền tổn thất tinh thần và mai táng 480 triệu đồng và đề nghị thu hồi chiếc xe máy của Dương để đảm bảo thi hành án sau này.
Di ảnh các nạn nhân tại tòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
15 giờ 30: Các luật sư vẫn đang trong phần bào chữa cho các thân chủ bằng việc đưa ra các tình tiết giảm nhẹ. Luật sư Nguyễn Quốc Anh, bào chữa cho bị cáo Thoại, cho rằng các phương tiện thực hiện phạm tội đều được Dương chuẩn bị sẵn để thực hiện hành vi của mình. Điều này chứng minh Thoại không giúp sức cho Dương, nếu có thì sự giúp sức không đáng kể. Bị cáo Thoại còn cương quyết từ chối tham gia phạm tội với bị cáo Dương.
Bị cáo Thoại - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Căn cứ vào chứng cứ và lời khai của bị cáo Thoại tại tòa, bị cáo không giết người, không có ý định giết người và không mong muốn điều đó xảy ra. Đối với tình tiết tăng nặng là “giết trẻ em”, vì Thoại chỉ nói với Dương rằng: “Thù hận ai thì giết người đó” chứ không hề nói giết Vỹ nên không đủ căn cứ truy tố Thoại về tội giết người.
Luật sư đang bào chữa cho bị cáo Thoại - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Luật sư cho rằng, Thoại không đồng phạm tội giết người mà chỉ tội cướp tài sản. Vì ngay từ đầu, Thoại mua dao theo yêu cầu của Dương với mục đích cướp tài sản. Trong khi đó,  tại phiên tòa này, Thoại khai mua con dao đó vì thấy phù hợp cho việc giết người.
Người dân tránh nắng dưới gầm xe để theo dõi phiên tòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
15 giờ 00: Sau khi nghe VKS đề nghị mức án, hàng nghìn người có mặt trong phiên xử vỗ tay. Còn Dương và Tiến, từ đầu vẫn bình tĩnh, trả lời rành rọt từng câu hỏi của HĐXX nhưng sau khi nghe bị đề nghị án tử hình đã khóc.
Bị cáo Dương như đứng không vững trên đôi chân sau khi nghe bị đề nghị án tử - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hoàng Kim Vinh (Đoàn Luật sư Bình Phước), bào chữa cho Nguyễn Hải Dương nêu ý kiến: Hành vi của Dương không vì động cơ đê hèn, cũng không có tính chất côn đồ. Đáng lẽ, với bản chất hăng máu, Dương đáng lẽ phải giết bé Na nhưng Dương ru ngủ và không giết thể hiện Dương vẫn còn lương thiện.
Luật sư đang bào chữa cho Dương - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Luật sư Lê Văn Nam (thuộc Đoàn LS TP.HCM), bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến cho rằng, hành vi của Tiến cần phải cân nhắc khách quan, nguyên nhân hoàn cảnh phạm tội. Bị cáo Tiến phạm tội vì bị Dương lôi kéo, lừa gạt, khống chế về mặt tinh thần, bị đặt vào tình thế đã đành, không thể nào thoát ra được.
Luật sư đang bào chữa cho bị cáo Dương - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bị cáo Tiến không hay biết được mục đích của Dương là sát hại cả gia đình ông Mỹ mà tưởng rằng vào khống chế nạn nhân để tra hỏi tiền. Bị cáo Tiến cũng không trực tiếp ra tay sát hại nạn nhân mà cũng không lên kế hoạch, không bàn bạc, không chuẩn bị công cụ phạm tội, không có ý định giết người, luật sư Nam bào chữa.
Bị cáo Tiến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
14 giờ 50:  Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với Dương vì tội giết người, 6-8 năm tù vì tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt tử hình. Với Tiến, VKS đề nghị mức án tử hình vì tội giết người, 5-7 năm tù với tội cướp tài sản, tổng hợp là tử hình. Riêng Thoại, vì từ chối tham gia nên VKS đề nghị 13-14 năm về tội giết người, 3-4 năm tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt 16-18 năm tù.

[CLIP] XEM XỬ ÁN ĐẾN QUÊN CẢ ĂN TRƯA
14 giờ 30: Ông Lê Đức Xuân người giữ quyền công tố tại tòa đang nêu quan điểm của Viện kiểm sát: Tính mạng, danh dự, nhân phẩm là quyền của con người, quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của các bị cáo đã tước đoạt mạng sống của 6 người trong nhà ông Mỹ. Các bị cáo hủy hoại cả công ăn việc làm của hàng trăm người lao động làm việc cho công ty Quốc Anh do ông Mỹ làm chủ. Khiến họ lâm vào cảnh thất nghiệp.

Chỉ vì bị từ chối quan hệ tình yêu mà bị cáo lại có cách suy nghĩ ích kỉ, thù hận không yêu thì giết cả nhà. Bị cáo Dương còn phải chịu tình tiết tăng nặng 'vì động cơ đê hèn'

Ông Lê Đức Xuân, đại diện VKS 

"Tội ác của bị cáo đẩy bé Na không cha, không mẹ... Tội ác của bị cáo gây ảnh hưởng chính người thân của bị cáo", đại diện VKS nêu.
Các bị cáo giết 6 người là tình tiết giết nhiều người. Đối với Vỹ, hành vi giết Vỹ là tình tiết giết trẻ em. Trước khi giết từng người, Tiến dùng dây quàng vào cổ, Dương dùng dao đâm vào cổ.. là thực hiện hành vi một cách man rợ.
Chỉ vì bị từ chối quan hệ tình yêu mà bị cáo lại có cách suy nghĩ ích kỉ, thù hận, không yêu thì giết cả nhà. Bị cáo Dương còn phải chịu tình tiết tăng nặng "vì động cơ đê hèn".
Tuy nhiên, 3 bị cáo là những người sinh trưởng trong gia đình nghèo, chưa tiền án tiền sự, các bị cáo cũng làm công việc lương thiện. Đến khi thực hiện hành vi bị cáo mới bộc lộ sự nguy hiểm của mình.
Bị cáo Dương có trình độ học vấn, chỉ vì sự ích kỉ, lòng tham, các bị cáo thực hiện hành vi. Vậy nguyên nhân chủ yếu các bị cáo phạm tội là do chính bản thân bị cáo có sẵn động cơ tham lam, suy thoái về đạo đức, kém hiểu biết, lệch lạc về xã hội, bất bình, thực dụng tất cả vì đồng tiền.
Đối với hành vi của Dương, dã tâm lên kế hoạch giết từng người với thủ đoạn man rợ. Trước đó, Dương đã tạo ra chứng cứ ngoại phạm để qua mắt pháp luật. Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra sau khi giết 6 người, Dương còn lên nhà nạn nhân khóc lóc thảm thiết như mình vô tội. Từ đó, Dương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với vai trò là chủ mưu.
Còn Tiến, chưa cần đến hành động ra tay giết hại như Dương, Tiến đã dùng dây thắt cổ các nạn nhân để giúp Dương đâm chết từng người đã đủ nguy hiểm cho xã hội nên cần xử lý nghiêm.

Đối với Thoại, đáng ra Thoại phải can ngăn hoặc báo với công an về hành vi của Dương để ngăn chặn. Bị cáo biết rõ kế hoạch của Dương nhưng ngày hôm sau, bị cáo còn mua cho Dương 1 con dao, tiếp tay cho Dương thực hiện hành vi. Vì vậy, Thoại phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò giúp sức.
3 bị cáo đang nghe VKS luận tội - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
14 giờ 20:  Ông Đào Xuân Thành, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đứng lên hỏi bà Trinh là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: "Chị Trinh cho biết sau khi vụ án xảy ra chị có nhắn tin hay nói chuyện bị cáo Dương hay không?"
Ông Thành với lời lẽ rất cứng và khuyến cáo: "Chị suy nghĩ kỹ rồi hãy trả lời nha. Nếu chị trả lời sai tôi sẽ yêu cầu bắt giữ chị ngay tại phiên toàn luôn!"
Luật sư Đào Xuân Thành hỏi bị cáo Dương: Bị cáo một mình giết 6 người bị cáo có còn lương tâm con người hay không?
Bị cáo Dương: "Bị cáo còn lương tâm nên mới không giết bé Na đó!"
Chủ tọa phiên tòa phải lên tiếng nhắc nhở: "Luật sư có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, không phải là tham gia bào chữa, nên luật sư cần phải phát ngôn cho đúng".
Trong lúc luật sư Đào Xuân Thành đang hỏi bị cáo Dương, nhiều người theo dõi phiên tòa cười ổ lên và cho rằng vị luật sư này rất giống nghệ sĩ cải lương.
Bị cáo Dương cãi tay đôi với luật sư Đào Xuân Thành vì những câu hỏi cắc cớ.
Luật sư Đào Xuân Thành: Bị cáo một mình giết 6 người bị cáo có còn lương tâm con người hay không?
Bị cáo Dương: "Bị cáo còn lương tâm nên mới không giết bé Na đó"
Phiên tòa kết thúc phần xét hỏi, chuyển qua phần tranh luận.
14 giờ 10: Đại diện Viện kiểm sát viên hỏi bị cáo Thoại: Vì sao bị cáo lại mua con dao thái lan có kích cỡ lớn hơn dao thường đưa cho bị cáo Dương đi gây án.
Thoại: Mua loại dao đó là vì bị cáo thích dao đó. 
Tuy nhiên, Kiểm sát viên cho rằng Thoại không thành khẩn trong lời khai khi mua dao. Lúc này Thoại mới trả lời: "Do bị cáo thấy con dao đó phù hợp cho việc giết người nên bị cáo mua"
14 giờ 00: Một vị luật sư hỏi bị cáo Tiến: Bị cáo Tiến có rất nhiều cơ hội bỏ trốn, tri hô, cứu nạn nhân khỏi sự giết người của Dương nhưng bị cáo không làm được, bị cáo giải thích thế nào?
Bị cáo có sợ chết, nhưng cái này là chết không đáng. Bị cáo bị ức thôi không có oan. Bị cáo ức vì đã bị Dương rủ rê tham gia gây án
Bị cáo Vũ Văn Tiến
Tiến: "Do bị cáo bị chi phối về mặt tinh thần, không làm chủ được mình"
Luật sư: Bị cáo Tiến có sợ chết không, hành vi giết người của bị cáo có oan ức không?
Tiến: "Bị cáo có sợ chết, nhưng cái này là chết không đáng. Bị cáo bị ức thôi không có oan. Bị cáo ức vì đã bị Dương rủ rê tham gia gây án".
HĐXX: Bị cáo Dương vì sao trong quá trình rủ Thoại, Tiến đi gây án bị cáo chỉ mua 1 đôi găng tay?
Dương: "Bị cáo suy nghĩ nhiều quá nên sơ suất không trang bị găng tay cho Thoại, Tiến".
Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của vị đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Dương lại khai nhận: "Bị cáo Thoại đã chỉ dẫn bị cáo mua khẩu súng điện". Trong khi trước đó, Dương khai tự tìm hiểu trên mạng để mua.
Hội đồng xét xử đang xét hỏi các bị cáo - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
13 giờ 45: Tiếp tục phần xét hỏi, luật sư Hoàng Kim Vinh hỏi bị cáo Dương: Bị cáo Dương giết Dư Minh Vỹ nhằm mục đích gì? 

Giết Vỹ để bịt đầu mối, để thực hiện cướp tài sản và mục đích thoát ra theo lối của Vỹ.

Bị cáo Nguyễn Hải Dương

Dương:
"Giết Vỹ để bịt đầu mối, để thực hiện cướp tài sản và mục đích thoát ra theo lối của Vỹ".
Luật sư hỏi Dương trong các mục đích giết người và cướp tài sản thì mục đích nào là chính? Dương trả lời mục đích giết người là chính.
Luật sư cho rằng trong quá trình Dương khống chế nạn nhân và tra khảo hỏi tiền cất ở đâu, trong khi đó bị cáo Dương lại cho rằng mục đích chính là giết người, như vậy bị cáo giải thích như thế nào?
Dương: "Vì bị cáo đã rủ Tiến đi cướp tài sản nên phải tra hỏi như vậy"
Theo lời khai của Dương, vào ngày 3.7, Dương đã cùng với người dì là bà Trinh đã chở theo ba lô có chứa hung khí lên đến nhà ông Mỹ để thám thính tình hình.
Luật sư hỏi Dương: Vì sao lại chở theo bà Trinh đi như vậy? 
Dương: Đi như vậy là để cho công an tưởng 2 vợ chồng và không kiểm tra.
Người nhà nạn nhân Vỹ mang theo di ảnh của bị hại đến tòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
13 giờ 40: Ông Lê Đức Xuân chuyển qua bị cáo Tiến. 
Ông Xuân hỏi lại một lần nữa: "Bị cáo Tiến khi thực hiện giết người với Dương thì có sợ không?
Tiến: "Sợ"
Ông Xuân cho rằng Tiến có đủ điều kiện để tháo chạy khỏi vụ giết người của Dương, nhưng Tiến không tháo chạy mà vẫn tiếp tục hành động chứng tỏ Tiến đồng ý thực hiện hành vi với Dương
Bị cáo Tiến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
13 giờ 35: Chủ tọa phiên tòa mời các vị tham gia phần xét hỏi. Bị cáo Nguyễn Hải Dương đứng trước vành móng ngựa.
Thẩm phán hỏi bị cáo Dương khi thực hiện khống chế 6 người trong nhà ông Mỹ, bị cáo có nghĩ đến việc sẽ bị chống trả hay không?
Dương: "Bị cáo không nghĩ đến sự chống trả của người nhà ông Mỹ vì trong nhà chỉ có ông Mỹ và Dư Minh Vỹ là lớn thôi"
Đại diện Viện kiểm sát, ông Lê Đức Xuân hỏi bị cáo Dương: "Bị cáo học được các giết người ở đâu?"
Dương: "Bị cáo không học ở đâu cả"
Ông Xuân hỏi tiếp: Vậy hành động của bị cáo đã đâm vào cổ nạn nhân rồi tiếp tục rạch 1 đường nữa để làm gì?
Dương: "Để cho cổ đứt ra"
Ông Xuân: Ai là người chỉ dẫn cho bị cáo mua súng điện?
Dương: "Bị cáo tự tìm hiểu và mua ở trên mạng". Bị cáo Dương nói có sự tự suy diễn trong lúc khai nhận hành vi với cơ quan điều tra.
13 giờ 30: Các bị cáo đã được đưa vào trước vành móng ngựa và tháo còng tay. HĐXX bắt đầu phiên làm việc buổi chiều.Theo kế hoạch, chiều nay Cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa, các vị hội thẩm nhân dân và luật sư sẽ tham gia xét hỏi các bị cáo. Sau phần xét hỏi, HĐXX sẽ tiến hành phiên tranh tụng và nghị án. Dự kiến đến chiều tối nay sẽ tuyên án.
Bị cáo Dương được đưa trở lại trước vành móng ngựa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
13 giờ 20: Nhóm PV Thanh Niên tiếp tục tường thuật trực tiếp tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hải Dương và đồng bọn.
Thư ký phiên tòa bắt đầu kiểm tra lại danh sách những người được triệu tập ra tòa để chuẩn bị tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm. Hiện tại có rất đông người dân có mặt theo dõi phiên tòa. Nhiều người ở lại, dùng cơm hộp và bánh mì cho bữa trưa.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
11 giờ 45: HĐXX tuyên bố tạm nghỉ, đến chiều cùng ngày phiên tòa tiếp tục. Đỗ Trường và nhóm phóng viên Thanh Niên  trực tiếp từ H.Chơn Thành, Bình Phước.

[CLIP] Người dân ý kiến sau khi các bị cáo khai trước tòa
11 giờ 40: Chủ tọa chuyển sang hỏi ông Vinh, đại diên cho gia đình nạn nhân. Ông Vinh đề nghị HĐXX làm rõ vai trò trách nhiệm của bà Trinh- dì của Dương. Ông Vinh cho rằng bà Trinh nói không biết gì về việc làm của Dương là không chính xách.
Ngoài ra, ông Vinh cũng yêu cầu các bị cáo bồi thường cho mỗi nạn nhân 80 triệu đồng, tổng cộng là 480 triệu đồng
HĐXX chuyển qua hỏi bị cáo Dương để làm rõ chủ sở hữu chiếc xe máy hiệu Exciter mà Dương thường đi. Dương cho rằng xe máy là tiền của cha mẹ cho mua và nhờ người khác đứng tên nên chiếc xe máy là tài sản của cha mẹ Dương.
11 giờ 35: Tòa chuyển qua hỏi ông Trương Ngọc Tuyên (người dân đi làm qua nhà ông Mỹ vào đêm xảy ra án mạng) với tư cách là nhân chứng. Ông Tiên cho biết khoảng 2 giờ sáng 7.7 ông đi tới lò heo để chở thịt đi giao. Khoảng hơn 4 giờ sáng thì có thấy có 2 người ở gần ở nhà khu vực nhà ông Mỹ
Tòa chuyển qua hỏi ông tài xế Trần Đình Hoàng là người đã nghe điện thoại của bà Nga nói không đến lấy xe như thường ngày. Ông Hoàng cho biết khi nghe bà Nga nói 7 gờ sáng hãy đến lấy xe thì ông Hoàng có hỏi lai "sao kỳ vậy" thì bà Nga chỉ ừ và cúp máy.
11 giờ 30: Bà Loan cho biết khoảng 9 giờ sáng hôm xảy ra án mạng, bà có nhắn tin qua facebook cho Dương vì nghĩ Dương là bạn của Linh nên cho Dương biết cả nhà Linh đã bị giết hết rồi. 
Chủ tọa cho bà Loan ngồi xuống và chuyển qua hỏi ông Hưng (em bà Nga, người đã nghe điện thoại của Linh và gọi lại cho bà Nga) với tư cách là nhân chứng.
Ông Hưng thuật lại việc nghe điện thoại và điện lại cho bà Nga. Ông Hưng cho rằng cứ ngỡ là điện thoại của Linh bị cấn máy hoặc đùa giỡn gì nên không qua nhà bà Nga vào đêm xảy ra án mạng.
Tòa chuyển qua hỏi ông Trương Ngọc Tuyên (người dân đi làm qua nhà ông Mỹ vào đêm xảy ra án mạng) với tư cách là nhân chứng.
11 giờ 25: HĐXX chuyển sang hỏi bà Đoàn Thị Cẩm Loan (người giúp việc cho nhà ông Mỹ) với tư cách là nhân chứng. 
"Sáng hôm đó tôi đến nhà ông Mỹ làm việc như thường ngày, khi vào nhà thì tôi thấy chị Nga nằm bất động trên vũng máu dưới đất. Tôi lấy tay lay lay chị Nga nhưng không thấy động tĩnh gì. Tôi lay tiếp ông Mỹ nhưng cũng không thấy phản ứng gì...", bà Loan kể.
Sau đó bà Loan sau lên lầu kêu la Linh và Như nhưng khi phát hiện cả Linh và Như cũng đã chết.
11 giờ 20:
Chủ tọa yêu cầu bị cáo Dương trở lại vành móng ngựa. 
Chủ tọa đang xét hỏi bị cáo Dương nhằm làm rõ việc bàn bạc giữa Dương và Thoại, Tiến trong quá trình gây án. Sau đó 
HĐXX cho bị cáo Dương về chỗ và yêu cầu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với bà Trần Thị Trinh (dì của Dương) là người đã cho Dương mượn xe máy, để ba lô đụng hung khí trong tủ nhà bà Trinh.
Bà Trinh cho biết khoảng 10 ngày trước khi Dương gây án đã thấy Dương gửi chiếc ba lô trong tủ nhưng không biết ở bên trong có gì. 
Bà Trinh nói: "Dương rủ tôi cùng đi Tây Ninh để lấy đồ. Nhưng khi Dương chở đi lên Bình Phước tôi nhìn bảng trên đường mới biết"
Theo bà Trinh Dương nhiều lần mượn xe máy nói là lấy đồ nhưng không biết là đi đâu. HĐXX cho bà Trinh ngồi xuống và chuyển qua hỏi bà Đoàn Thị Cẩm Loan (người giúp việc cho nhà ông Mỹ) với tư cách là nhân chứng.
11 giờ 15: Trong khi chủ tọa đang xét hỏi đối với Thoại thì luật sư bảo vệ quyền lợi cho Thoại đứng lên ngắt ngang cho rằng nưững câu hỏi của chủ tọa mang tính chất mớm cung. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa vẫn tiếp tục thêm 2 câu hỏi nữa rồi cho bị cáo Thoại ngồi xuống.
Vị luật sư vừa ngắt ngang lời của chủ tọa phiên tòa là luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn luật sư TP.Hồ CHí Minh) bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Thoại.
Hàng ngàn người đến theo dõi phiên xử - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
11 giờ 10: Chủ tọa hỏi bị cáo Thoại bị truy tố về tội giết người và cướp tài sản, bị cáo thấy có đúng hay không? Thoại trả lời: "Dạ bị cáo không có hiểu biết nhiều nên chỉ mong tòa xử đúng tội của bị cáo". Chủ tọa phiên tòa tiếp tục hỏi nhằm làm rõ những hành vi chủ quan của bị cáo Thoại.
Bị cáo Thoại khai khoảng hơn 1 tháng trước khi xảy ra vụ án mạng, Dương có đến nhà cho Thoại một cây ba khúc để phòng thân. Thoại giải thích do thường xuyên đi về trên Tây Ninh sợ đi đường bị cướp nền Thoại lấy cây ba khúc để phòng thân. Khi đi cùng với Dương lên nhà ông Mỹ nhằm để cướp Thoại không mang theo cây ba khúc này

Bị cáo Thoại  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
11 giờ 00: Chủ tọa hỏi khi bị cáo từ chối tham gia gây án với Dương vì lý do bà ngoại của bị cáo ở quê bị ốm; vậy bà ngoại của bị cáo có ốm thật không? 
Thoại trả lời: "Dạ có thật anh"
Bị cáo Thoại  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
10 giờ 55: Thoại tường thuật chi tiết từng lời nói của Dương giống như đã khai nhận với Cơ quan điều tra.
Bị cáo Thoại trả lời câu hỏi của HĐXX thái độ bình tĩnh. 
Thoại cho rằng lúc lên đến nhà ông Mỹ nhưng không thực hiện được nên Thoại và Dương ra về, trên đường về Dương và Thoại nói những chuyện gì thì Thoại không nhớ. Thoại nói: "trên đường về hầu như 2 bị cáo không nói chuyện với nhau"

[CLIP] Áp giải 3 bị cáo ra tòa
10 giờ 50: Chủ tọa hỏi bị cáo Tiến có cầm hung khí nào để giết các nạn nhân không. Tiến trả lời "không".  HĐXX kết thúc phần xét hỏi đối với bị cáo Tiến, chuyển qua xét hỏi bị cáo Thoại.
Bị cáo Thoại đứng trước vành móng ngựa tường thuật lại quá trình Dương rủ Thoại đi cướp tiền ở nhà ông Mỹ.
Bị cáo Tiến  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
10 giờ 45: Chủ tọa hỏi bị cáo Tiến: Vì sao lúc Tiến có ý định bỏ cuộc mà không bỏ chạy thoát khỏi sự khống chế của Dương?
Tiến trả lời: "Do lúc đi vào bằng lối ban công nên bị cáo chỉ biết có một con đường đó nên không thể chạy thoát được. Bị cáo cho rằng bị Dương khống chế về mặt tinh thần".
Chủ tọa cho rằng bị cáo Tiến rất lạnh lùng, bình tĩnh khi kêu Dương: "Mày chích điện kiểu gì mà ông Mỹ vẫn còn tỉnh", chứng tỏ bị cáo Tiến đã chủ động giết người
Bị cáo Tiến thanh minh: "Vì lúc đó ông Mỹ giãy dụa khiến bị cáo không trói ông Mỹ được theo lời của Dương nên bị cáo mới nói như vậy"
Bị cáo Tiến khai rằng lúc Dương dùng dao giết các nạn nhân bị cáo Tiến không dám nhìn nên không biết Dương đâm mấy nhát.

Bị cáo Tiến  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thấy Dương giết Vỹ quá ghê rợn, bị cáo có căn ngăn bị cáo Dương không giết người nữa và đi về; tuy nhiên, Dương tay cầm dao và nhìn qua bị cáo, rồi nói là phải tiếp tục thực hiện theo kế hoạch
Bị cáo Vũ Văn Tiến
10 giờ 30: 
Tiến khai: Do bị Dương uy hiếp tinh thần nên bị cáo phải nghe lời Tiến. Lúc đó, bị cáo không đủ lí trí. Lúc Dương đâm bà Nga, ông Mỹ bị cáo rất lo sợ nhưng không biết làm thế nào. Bị cáo cũng sợ bị Dương đâm nếu chống cự Dương nên chỉ biết làm theo lời Dương
10 giờ 15: HĐXX kết thúc phần xét hỏi bị cáo Dương, bắt đầu phần xét hỏi bị cáo Tiến. 
Chủ tọa hỏi: Bị cáo có biết Dương làm gì khi trên đường cùng bị cáo đến nhà ông Mỹ? Tiến trả lời: Bị cáo thấy Dương vừa chạy xe vừa nhắn tin cho ai đó...  
Bị cáo Tiến tường thuật lại việc can ngăn Dương giết người, Tiến nói sau khi thấy Dương giết Vỹ quá ghê rợn, bị cáo có căn ngăn bị cáo Dương không giết người nữa và đi về; tuy nhiên, Dương tay cầm dao và nhìn qua bị cáo, rồi nói là phải tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Lúc đó, bị cáo thấy Dương cầm dao nên mất hết tâm trí và làm theo lời Dương.

[CLIP] Lời khai của Nguyễn Hải Dương tại tòa
10 giờ 00: Chủ tọa hỏi Dương khi vào khống chế nạn nhân Linh và Như thì 2 nạn nhân có biết mặt bị cáo không?
Dương trả lời: "Bị cáo đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm nhưng bị cáo nghĩ là Linh với Như có nhận ra bị cáo". 
Dương tiếp tục tường thuật lại lúc vào phòng khống chế ông Mỹ, bà Nga, cháu Quốc Anh trong phòng ngủ. Dương trình bày chi tiết từng hành động khống chế, tra khảo và giết các nạn nhân.

[CLIP] Hàng ngàn người dân đổ về theo dõi phiên tòa
9 giờ 55: Bị cáo Dương tiếp tục trả lời câu hỏi của HĐXX về mối quan hệ của Dương và Tiến. Dương nói: "Bị cáo với Tiến có mối quan hệ quen biết từ lâu rồi. Bị cáo đã bàn phương án thực hiện với Tiến từ đầu rồi". Tiếp đến bị cáo Dương lạnh lùng tường thuật lại hành vi giết cháu Vỹ. Nét mặt của Dương không hề đổi sắc

[CLIP] Người nhà nạn nhân mang di ảnh các bị hại đến tòa
9 giờ 45: Chủ tọa phiên tòa hỏi: Vào thời điểm gần xảy ra vụ án bị cáo  từng nhiều lần đến nhà ông khu vực nhà ông Mỹ và kêu Vỹ ra ngoài nhằm mục đích gì?
Dương trả lời: "Mục đích của bị cáo là để nắm tình hình xem mỗi lần Vỹ ra ngoài có bị ông Mỹ phát hiện hay không để chuẩn bị cho quá trình gây án sau này của bị cáo được thuận lợi".
Bị cáo Dương đang trình bày cho HĐXX về những hành vi cùng với Thoại đi đến nhà ông Mỹ. Chủ tọa hỏi vì sao bị cáo phải trèo qua tường ở khu vực xưởng gỗ nơi bị cáo làm việc để đi mà không đi bằng cổng chính. Dương trả lời: "Bị cáo sợ bảo vệ và camera của xưởng gỗ phát hiện nên phải đi như vậy".
9 giờ 35:  Chủ tọa hỏi: Quan hệ của bị cáo với Trần Đình Thoại như thế nào? 
Dương trả lời: "Bị cáo quen với thoại trước đó khoảng vài tháng và chỉ là bạn bè". Dương tường thuật chi tiết từng lời nói như trong cáo trạng đã nêu. Dương giải thích từ "xử" mà Dương nói với Thoại có nghĩa là giết người.
Bị cáo Dương đang tường thuật lại việc cùng với Thoại đi lên nhà các nạn nhân để giết người cướp tài sản nhưng không thành. Bị cáo Dương khai trước tòa là có mượn xe máy của bà Trinh là dì của Dương để đi gây án. Tuy nhiên Dương chỉ nói mượn xe để đi lấy nên bà Trinh không biết hành vi phạm tội của Dương. 
Cáo trạng của VKS cũng cho biết do bà Trinh không biết muc đích mượn xe của Dương và sau khi vụ án xảy ra bà Trinh cũng không biết do Dương gây ra nên VKS không truy tố trách nhiệm hình sự đối với bà Trinh và ông Long là người cho Dương mượn điện thoại.
Người nhà các bị hại đưa di ảnh các nạn nhân đến phiên tòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
9 giờ 30: Chủ tọa hỏi khi chia tay bị cáo có gặp và nói chuyện với Linh hay không? 
Dương trả lời: "Từ khi chia tay bị cáo không gặp mặt và nói chuyện với Linh nữa. Bị cáo bực tức do bà Nga ngăn cấm tình cảm của Linh và bị cáo mà bà Nga không nói với bị cáo". Dương nói thêm: "Những gì bị cáo làm là đúng như trong cáo trạng đã nêu" và kể lại việc chuẩn bị súng, hung khí để chuẩn bị gây án.

[CLIP] Đám tang 6 nạn nhân trong vụ thảm sát ở Bình Phước

Bị cáo và Linh có tình cảm từ 2013. Đến tháng 3.2015 Linh chấm dứt mối quan hệ với bị cáo do gia đình ngăn cản. Từ đó bị cáo ý định sẽ giết cả gia đình Linh

Bị cáo Nguyễn Hải Dương

9 giờ 25:  
Chủ tọa hỏi khi chia tay bị cáo có gặp và nói chuyện với Linh hay không?
Dương trả lời: "Từ khi chia tay bị cáo không gặp mặt và nói chuyện với Linh nữa. Bị cáo bực tức do bà Nga ngăn cấm tình cảm của Linh và bị cáo mà bà Nga không nói với bị cáo".
Bị cáo Dương bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của chủ tọa phiên tòa.
9 giờ 20: Viện kiểm sát đã công bố xong cáo trạng. HDXX tiếp tục phiên tòa sang phần xét hỏi.
HĐXX yêu cầu bị cáo Dương đứng lên. Chủ tọa hỏi, đề nghị bị cáo Dương cho biết đã nhận được cáo trạng và có đúng như nội dung cáo trạng đã tống đạt trước đó không? 
Bị cáo Dương trả lời đã giết 6 người và nói tiếp: "Bị cáo và Linh có tình cảm từ 2013. Đến tháng 3.2015 Linh chấm dứt mối quan hệ với bị cáo do gia đình ngăn cản. Từ đó bị cáo ý định sẽ giết cả gia đình Linh"
9 giờ 15: Đại diện Viện kiểm sát vẫn đang tiếp tục công bố cáo trạng. Chủ tọa phiên tòa cho các bị cáo ngồi xuống để nghe cáo trạng. Khi Viện kiểm sát công bố cáo trạng đến đoạn gia đình nạn nhân yêu cầu các bị cáo bồi thường cho các nạn nhân số tiền trên 480 triệu đồng, Kiểm sát viên đọc: "Số tiền này đến nay các bị cáo vẫn chưa bồi thường cho gia đình nạn nhân", thì ở dưới những người theo dõi phiên tòa cười ồ lên.
9 giờ 00: Mặc dù thời tiết đang nắng nóng nhưng hàng ngàn người dân vẫn tiếp tục theo dõi phiên tòa. Do khu vực mở phiên tòa là khu đất trống nên có rất nhiều bụi đất bay lên mỗi khi có người qua lại. Mỗi khi đại diện viện kiểm sát đọc cáo trạng đến phần những hành động giết người của các bị can thì người dân ở dưới lại lắc đầu, ồ lên "dã man quá"
8 giờ 50: Đại diện Viện kiểm sát vẫn đang công bố cáo trạng. Đến phần đối thoại giữa Dương và Tiến, đại diện VKS thuật lại từng lời đối thoại của 2 bị cáo rất sinh động. Ngay lúc này, phía dưới khu vực dành cho người nhà nạn nhân đang xảy ra lộn xộn, người nhà nạn nhân đang hô to "im mồm".
Ngay lúc này, chủ tọa phiên tòa yêu cầu phía dưới trật tự. "Những người có biểu hiện gây mất trật tự thì mời ra ngoài", Chủ tọa phiên tòa nói. Tình hình phía dưới khu vực người nhà nạn nhân đã được ổn định. Phiên tòa đang tiếp tục. Trước vành móng ngựa, cả 3 bị cáo đang gục đầu nghe đọc cáo trạng.

8 giờ 40: Quan sát của phóng viên, người nhà của các bị cáo chưa thấy ai xuất hiện ở phiên tòa. Khá đông người dân có mặt ở 2 bên cánh gà, hậu trường khán đài để theo dõi phiên tòa. Thậm chí nhiều người leo lên cả ngọn cây để quan sát, rất nguy hiểm cho tính mạng.
8 giờ 30: Đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng của vụ án. Bị cáo Thoại chăm chú nghe đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng. Theo quan sát của phóng viên, bị cáo Tiến có phần mập hơn lúc bị bắt và cắt tóc gọn gàng hơn.
Các luật sư tại phiên tòa  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
8 giờ 25: Người giữ quyền công tố và luật sư đề nghị phiên tòa bắt đầu. Đứng phía dưới vành móng ngựa, bị cáo Dương liên tục ngó qua ngó lại nhìn những xung quanh như tìm ai đó.

8 giờ 20: HĐXX vừa công bố thành phần tham gia phiên xét xử, các bị cáo và người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan  không xin thay đổi thành phần tham gia tố tụng. Đại diện người giữ quyền công tố tại phiên tòa đang có ý kiến
Bị cáo Dương đang trả lời HĐXX  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
8 giờ 15: HĐXX đang phổ biến quy định cho những người làm chứng là khai đúng sự thật. Có tổng cộng 6 nhân chứng có mặt tại phiên tòa trong đó có ông Hưng, bà Loan...
Bị cáo Tiến  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
8 giờ 10: Trong lúc HĐXX đang công bố các quyền và nghĩa vụ của các bị cáo thì phía dưới những người dân theo dõi phiên tòa xuất hiện những tiếng kêu la do bị chen lấn, xô đẩy. Lực lượng cảnh sát đang ổn định tình hình.
Bị cáo Thoại - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bị cáo Dương và Tiến không nhờ luật sư bào chữa, nên tòa đã chỉ định luật sư bào chữa cho 2 bị cáo để đảm bảo quyền lợi cho 2 bị cáo. Riêng Thoại, có 2 luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo trước tòa.
7 giờ 55: HĐXX đang hỏi họ tên của bị cáo Dương. Dương trả lời rất rành mạnh, giọng rất bình tĩnh, trả lời chính xác các câu hỏi về thân nhân. HĐXX yêu cầu bị cáo Tiến đứng lên và hỏi bị cáo Tiến. Tiến trả lời cũng rất rành mạch, không bị vấp. HĐXX đang hỏi bị cáo Thoại. Bị cáo Thoại cũng tỏ ra bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của HĐXX.
HĐXX yêu cầu cả 3 bị cáo đứng lên nghe phổ biến quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, gồm: quyền được xin thay đổi những người tham gia xét xử; quyền được tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa trước tòa;...
Áp giải các bị cáo ra tòa
Ông Lê Thanh Đớt, 75 tuổi ngụ Bình Dương là cha ruột của nạn nhân Lê Văn Mỹ đang trả lời câu hỏi của HĐXX. Ông Nguyễn Vinh 71 tuổi, ngụ Bình Phước, cha ruột nạn nhân Nguyễn Lê Thị Ánh Nga đang trả lời câu hỏi của HĐXX.  
7 giờ 50: Đại diện viện kiểm sát và HĐXX bắt đầu vào làm việc, bị cáo Dương đứng trước vành móng ngựa. Mọi người ở phiên tòa đứng dậy khi HĐXX đi vào. Chủ tọa phiên tòa đang thông báo khai mạc phiên tòa. 

[CLIP] Tướng Nguyễn Phi Hùng nói về vụ thảm sát
Đúng như dự kiến, ông Nguyễn Hữu Trí - Chánh án TAND tỉnh Bình Phước và một thảm phán làm chủ tọa phiên tòa. Ông Trí đã tuyên bố khai mạc phiên tòa. Ông Lê Đức Xuân- Viện trưởng viện KSND Bình Phước cùng một kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa. Thư ký tòa đang báo cáo những người trong danh sách triệu tập. Riêng ông Nguyễn Tú Bình, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan  có đơn xin vắn mặt.
7 giờ 45: HĐXX chuẩn bị làm việc. Cảnh sát bảo vệ áp giải các bị cáo ra trước vành móng ngựa. Bị cáo Nguyễn Hải Dương trong trang phục quần áo màu nâu. Các phóng viên tác nghiệp tập trung trước vành móng ngựa khá động.
Khi bị cáo Dương ra trước vành móng ngựa người nhà nạn nhân bật khóc vì thương xót các nạn nhân
Cảnh sát bảo vệ tháo còng tay cho bị cáo Dương.
7 giờ 40: Cảnh sát mang theo cả chó nghiệp vụ, máy rà bom mìn, phát hiện kim loại đến phiên tòa để đảm bảo công tác an ninh. Thư ký tòa đang phổ biến nội quy của phiên tòa trên loa phóng thanh. Đại diện cơ quan giữ quyền công tố, các luật sư đã có mặt tại phiên tòa. Trong những người làm chứng có bà Nguyễn Thị Cẩm Loan (người giúp việc), ông Nguyễn Lê Hưng (em trai nạn nhân Nga)... đã hiện diện mặt đầy đủ.
7 giờ 30: Các bị cáo đã bị áp giải ra khỏi xe đặc chủng, đưa đến bên cánh gà của phiên tòa. Một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng đã có mặt tại phiên tòa. Hàng trăm cảnh sát cũng có mặt tại hiện trường bảo vệ phiên tòa nghiêm ngặt.
Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đã có mặt. Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Lê Văn Nam (thuộc Đoàn LS TP.HCM), bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến chia sẻ, bản thân ông rất phẫn nộ và kịch liệt lên án hành vi các bị cáo gây ra; tuy nhiên, xét tới phần hành vi của Tiến cần phải cân nhắc khách quan, nguyên nhân hoàn cảnh phạm tội. 
7 giờ 20: Xe chở các bị cáo cũng đã tới nhưng các bị cáo vẫn chưa được ra khỏi xe. Tới thời điểm này người nhà nạn nhân đã đem đủ 6 di ảnh đến hiện trường. Ban Tổ chức vừa lên loa thông báo hiện nay tại phiên tòa có một số kẻ lợi dụng đông đúc, sơ hở của người dân thừa cơ móc túi, trộm điện thoại, ví tiền...
7 giờ 15: Phóng viên Đỗ Trường cho hay người nhà các nạn nhân đã mang di ảnh, bàn thờ tới phiên tòa. Trong số người nhà có em gái và em trai nạn nhân Nga... Em gái của nạn nhân Nga đang đã ôm di ảnh tới trước khán đài phiên tòa
7 giờ 00: Thư ký tòa thông báo những người có giấy triệu tập đến phiên tòa bắt đầu xuất trình giấy tờ cho hội đồng xét xử. Các bị can vẫn chưa được đưa đến phiên tòa, trong khi đó, càng lúc càng có đông người dân ùn ùn kéo về theo dõi, trong đó có rất nhiều người dân từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh ... đến từ rất sớm.

[CLIP] Lời khai của Vũ Văn Tiến
6 giờ 30: đã có hàng ngàn người đến theo dõi phiên tòa nhưng chưa thấy xe chở các bị can tới hiện trường.
Theo thông báo của tòa án, lúc 7giờ 30 phiên tòa mới bắt đầu. 
Chị Võ Thị Hoa 34 tuổi, ngụ TX.Dĩ An, Bình Dương, cho biết hàng ngày chị đi làm công nhân ở KCN Sóng Thần
nghe tin phiên tòa xét xử chị Hoa cùng với nhóm bạn đã xin nghỉ 1 ngày làm việc và bắt xe đò lên Bình Phước từ 3 giờ sáng.
6 giờ 00: Ghi nhận của nhóm phóng viên Thanh Niên, khu vực tổ chức phiên tòa tổ chức trong khu đất trống thuộc khu phố Trung Lợi (trung tâm hành chính huyện Chơn Thành) rộng gần 4ha.
Khu vực của Hội đồng xét xử và người dân theo dõi phiên tòa được bố trí có mái che nắng. Công tác chuẩn bị cho phiên xét xử được thực hiện từ rất sớm. Cũng trong khoảng thời gian 4 giờ sáng, lực lượng chức năng bắt đầu làm nhiệm vụ.
Nhiều hàng quán ở 2 bên đường tranh thủ mọc lên cùng với những điểm giữ xe máy tự phát. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Khoa 60 tuổi, Đồng Phú (Bình Phước) hàng ngày ở nhà làm rẫy nhưng sáng nay nghe tin xét xử vụ án đã chở vợ mang theo bánh mỳ, nước uống đến theo dõi phiên tòa.
Phóng viên đăng ký tác nghiệp
Khoảng 5 giờ sáng, các cán bộ TAND tỉnh Bình Phước đã thực hiện việc đăng ký cho các phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa. 
Vụ án giết 6 người, cướp tài sản xảy ra tại xã Minh Hưng, H.Chơn Thành (Bình Phước), các bị cáo bị TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long) về tội “giết người” và “cướp tài sản”.
Cả 6 nạn nhân đều bị đâm bằng dao vào vùng ngực trái và cổ, tử vong tại hiện trường, gồm ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ); Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi), Lê Quốc Anh (15 tuổi, con ông Mỹ); Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi) và Dư Minh Vỹ (14 tuổi; cháu ông Mỹ). Tất cả đều bị trói tay ra sau lưng, riêng bà Nga và Linh còn bị bịt mắt bằng khăn vải. Người duy nhất sống sót là Lê Thị Gia Linh (22 tháng tuổi), con gái út của ông Mỹ.
Theo cáo trạng, Nguyễn Hải Dương là người chủ mưu trong vụ án này và đã có kế hoạch chuẩn bị rất bài bản để thực hiện hành vi phạm tội.
Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) làm nghề thợ mộc. Từ tháng 10.2013, Dương quen biết với Lê Thị Ánh Linh (nạn nhân trong vụ án) thông qua Zalo (một ứng dụng trên điện thoại di động) khi Linh còn học tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Linh dẫn Dương về ra mắt bố mẹ và được đồng ý.
Tháng 2.2015, Linh chấm dứt mối quan hệ với Dương do gia đình không đồng ý. Trong thời gian này, Dương phát hiện Linh nhắn tin qua lại với một thanh niên khác, hỏi mới biết mẹ Linh giới thiệu cho Linh người đàn ông khác.
Không lâu sau, Dương cũng có bạn gái mới nhưng cảm thấy không thể sống thiếu Linh được nên  mang lòng thù hận vì cho rằng đã bị mẹ Linh ngăn cản. Tức giận, dương nảy sinh ý định giết cả gia đình Linh và chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện ý định trên, Dương đã đi mua súng bắn bi sắt giá 6 triệu, súng bắn điện, một con dao bấm, găng tay cao su, dây rút, băng keo, bình xịt hơi cay, sim điện thoại rác…
Dương biết cháu Dư Minh Vỹ ham chơi điện tử, trước đây Vỹ hay xin tiền Dương nên lần này Dương dụ dỗ cho tiền Vỹ để Vỹ mở cổng để đột nhập. Trước đó, Dương nhắn tin gọi điện dặn Vỹ “nhốt chó lại, mở cửa để sẵn” và hướng dẫn Vỹ mở cửa trên ban công lầu 1,trèo xuống dưới mở cửa cho Dương.
Trước khi gây án, trong đêm 3.7 Dương đã tới kêu Vỹ mở cổng và cho Vỹ 350.000 đồng và dặn: “lần sau anh tới giờ này đem gà và tiền lên cho Vỹ thì Vỹ mở cửa cho anh vào” thì Vỹ đồng ý.
Khoảng 10 giờ ngày 4.7, Dương gọi điện Thoại đến quán cà phê va nói: “Có hùn khoảng 800 triệu mua gỗ cao su với một người ở Bình Phước nhưng họ không chịu trả, nhờ Thoại giúp Dương lên cướp lại tiền”.
Ngày hôm sau, Thoại mua thêm cho Dương 1 con dao rồi nói bà ngoại ở quê bị bệnh nặng nên không thực hiện với Dương được. Mặc cho Dương năn nỉ, Thoại chạy xe máy đi.
Khi Thoại không tiếp tục tham gia, trưa 6.7, Dương đã gặp Vũ Văn Tiến ở quán cà phê và rủ Tiến đi hỗ trợ cho mình với cùng lý do phải cướp vì bị gia đình ông Mỹ quỵt tiền.
Sau khi lưỡng lự, Tiến cũng đồng ý và vào đêm 7.7 hai đối tượng này đã đột nhập nhà các nạn nhân và lần lượt giết hại từng người một.
Cáo trạng xác định, Dương là chủ mưu và trực tiếp thực hiện hành vi giết chết 6 nạn nân, cướp tài sản của gia đình ông Mỹ. Còn Vũ Văn Tiến là đồng phạm, giúp Nguyễn Hải Dương khống chế các nạn nhân để Dương cầm dao đâm chết từng người. Dương cũng là người thực hiện hành vi cướp tài sản.
Riêng Thoại, là người thực hành và giúp sức, mua dao cho Dương, Tiến thực hiện hành vi giết người và cướp tài sản.
 
Tường thuật trực tiếp
Xét xử vụ thảm sát ở Bình Phước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.