Trực tổng đài cấp cứu 115: Số cuộc gọi tiếp nhận mỗi ngày không đếm xuể

08/08/2021 07:00 GMT+7

Suốt 24 tiếng mỗi ngày, không đếm xuể số cuộc gọi phải tiếp nhận, vừa đặt điện thoại xuống là chuông lại reo, nghe điện thoại nhiều đến nỗi ngủ mà miệng vẫn còn: “Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe”...

Đó là những gì đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ trực tại tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM đang trải qua mỗi ngày.
Từ khi dịch Covid-19 đợt 4 diễn biến phức tạp, để đáp ứng nhu cầu xử lý cuộc gọi tăng cao tại Trung tâm cấp cứu 115, Thành đoàn TP.HCM đã triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ công việc trực tổng đài.

Bản đồ SOSmap kết nối giúp đỡ người khó khăn vì dịch bệnh tại TP.HCM

Không dám rời khỏi chỗ ngồi…

Lương Thành Thuận, sinh viên Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn, tình nguyện viên trực tổng đài Trung tâm cấp cứu 115, cho biết khi tình hình dịch càng phức tạp thì nhu cầu người dân cần đến Trung tâm cấp cứu 115 càng nhiều, nên số cuộc gọi mà các bạn tiếp nhận mỗi ngày không thể đếm xuể. Đội hình chia làm 3 ca, mỗi ca trực 8 tiếng, ca muộn nhất là từ 23 giờ - 7 giờ sáng hôm sau; nhiệm vụ là nhận các cuộc gọi cấp cứu hay các cuộc gọi chuyển ca F0 đi bệnh viện từ y tế địa phương, hoặc từ khu cách ly qua bệnh viện dã chiến.
“Hiện nay vì tình hình dịch căng thẳng nên đa phần người dân gọi đến đều rất rối và có phần hoảng loạn, căng thẳng và thường là hối thúc tụi mình. Nhưng thật sự tụi mình tiếp nhận quá nhiều cuộc gọi trong ngày, và sau khi tiếp nhận thông tin thì phải tìm bệnh viện rồi mới điều xe đi chở bệnh nhân được. Có những lúc quá tải, phải gọi tới tất cả các bệnh viện nhưng cũng phải chờ để sắp xếp. Mà người dân gọi đến thì ai cũng cần gấp, nên tụi mình lúc nào cũng luôn cố gắng hết sức, không để họ phải chờ lâu”, Thuận chia sẻ.
Tam Thanh Tuấn, thành viên đội tình nguyện viên trực tổng đài, thì kể: “Người dân gọi đến, mình cứ bắt máy lên là họ hối xuống lẹ đi, xuống lẹ đi, tôi như thế này, người nhà tôi nhiễm nặng như thế này rồi… Nhiều người rối quá nên không hiểu là mình phải biết đầy đủ thông tin họ ở đâu, tình trạng nhiễm bệnh như thế nào thì mình mới biết mà phân tuyến...”.
Tuấn cũng cho biết thực tế không thể tránh khỏi những trường hợp người dân có những câu nói nặng lời và khó nghe, nhưng anh cùng các tình nguyện viên đều hiểu được cảm giác của người dân, vì quá lo lắng nên mới như vậy. “Tụi mình hiểu nên luôn cố gắng để trấn an, giúp bệnh nhân và người nhà giữ bình tĩnh, cũng như hướng dẫn xử lý trong khi đợi xe cấp cứu đến đón”, Tuấn nói.
Thuận chia sẻ, cứ mỗi lần vào ca là nhận cuộc gọi liên tục, nhiều lúc chưa kịp xử lý thông tin của người này, vừa đặt máy xuống là chuông điện thoại lại reo và cứ thế liên tục. “Có những lúc nhiều cuộc gọi, tập trung xử lý mà tụi mình quên ăn, quên uống luôn. Làm công việc này, tụi mình sợ nhất là bỏ lỡ cuộc gọi của người dân đang cần, nên không dám rời khỏi chỗ. Những lúc ăn thì chia ra, đứa ăn đứa trực để không bỏ lỡ bất cứ cuộc gọi nào”, Thuận bày tỏ.

Bản tin Covid-19 ngày 7.8: Cả nước thêm 7.334 ca bệnh; tin mới từ vắc xin NanoCovax

Vô vàn những tình huống

Vì nghe điện thoại suốt và liên tục, Thuận kể: “Có những đêm về ngủ mà miệng vẫn cứ lép nhép “Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe”. Công việc này khi vào ca rồi là hầu như không có thời gian nghỉ. Thấy ngoài kia còn bao nhiêu người nhiễm bệnh, họ đang rất vất vả, khổ sở và đang cần mình, nên giúp được họ điều gì thì mình luôn cố gắng hết sức”.
Phạm Thị Thu Hường (25 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc bán hàng bị ảnh hưởng, cô phải ở nhà và không có thu nhập. Đến một ngày, Hường tự nhủ: “Ở nhà không làm gì mà cứ ngồi trong phòng chờ hết dịch, sao mình thấy phí sức trẻ quá, thế là đăng ký đi tình nguyện chống dịch. Giờ mình không có kinh tế thì mình góp sức, hy vọng thành phố sẽ mau hết bệnh”.
Cô gái trẻ tham gia tình nguyện từ đầu mùa dịch. Lúc đầu, Hường trực các chốt ở Q.Gò Vấp, sau đó tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau như phát nhu yếu phẩm, hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin, lấy mẫu... Đến khi biết thông tin bên Trung tâm cấp cứu 115 đang rất cần tình nguyện viên hỗ trợ trực tổng đài thì Hường đăng ký tham gia. Và hiện nay cả 2 chị em Hường đều nằm trong đội tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch.
“Thật sự trong đợt dịch số cuộc gọi đến nhiều vô kể, với vô vàn những tình huống khác nhau phải xử lý, nhiều lúc mình cảm giác như bị stress. Có những trường hợp nhẹ thôi nhưng trong tình hình dịch bệnh căng thẳng nên người dân có tâm lý lo sợ, nên đưa thông tin giả cho tụi mình. Họ nói là khó thở, rất nặng rồi, cần xe cứu thương đến và đưa đi liền. Điều này khiến tụi mình không tiếp nhận được thông tin chính xác để xử lý đúng. Thay vào đó, nếu được tư vấn ở nhà tự xử lý thì sẽ tốt hơn là đưa họ đến những nơi có nhiều yếu tố nguy cơ”, Hường chia sẻ.
Hường cho biết có người còn giữ được bình tĩnh để cung cấp đầy đủ thông tin của mình, nhưng nhiều người gọi đến Trung tâm cấp cứu 115 chưa nói gì đã khóc. “Vừa nhấc máy lên đã nghe đầu dây bên kia khóc quá chừng, họ cứ khóc mà chẳng nói gì. Nhiều lúc tụi mình cũng không kìm được cảm xúc mà rớt nước mắt theo, vì trong tình hình dịch bệnh có những tình huống thật sự rất đau lòng. Nhưng sau đó tụi mình phải cố trấn tĩnh để trấn an tinh thần và hướng dẫn người dân những cách xử lý kịp thời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.