Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (China Securities Regulatory Commission - CSRC) đang dẫn đầu nỗ lực sửa đổi các quy tắc về niêm yết ở nước ngoài vốn có hiệu lực từ năm 1994, cho phép họ chặn công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài, ngay cả khi đơn vị bán cổ phần được thành lập ở bên ngoài đại lục, một lỗ hổng vốn được những gã khổng lồ công nghệ của nước này sử dụng từ lâu.
Một khi được sửa đổi, quy tắc mới sẽ yêu cầu các công ty sử dụng mô hình Thực thể có lợi ích biến đổi (Variable Interest Entity - VIE) phải tìm kiếm sự chấp thuận từ cơ quan chức năng trong nước trước khi công khai niêm yết ở Hồng Kông hoặc Mỹ, nguồn tin giấu tên tiết lộ thêm.
Việc giám sát chặt chẽ hơn sẽ lấp kín lỗ hổng đã được các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và Tencent sử dụng trong hai thập niên để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và niêm yết ở nước ngoài, đồng thời cũng có khả năng sẽ cản trở tham vọng của những công ty công nghệ đang lên như ByteDance. Không những thế, nó còn đe dọa đến ngành kinh doanh béo bở của các ngân hàng Phố Wall và làm tăng thêm lo ngại về sự tách biệt giữa Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ.
Được tiên phong bởi Sina Corp và các chủ ngân hàng đầu tư trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2000, nhưng khuôn khổ VIE chưa bao giờ được chính thức xác nhận bởi Bắc Kinh. Dù vậy, nó đã cho phép các công ty Trung Quốc lách qua những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp internet. Cụ thể, cơ cấu VIE cho phép một công ty Trung Quốc chuyển lợi nhuận cho một tổ chức nước ngoài được đăng ký ở những nơi như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh, với cổ phần mà các nhà đầu tư nước ngoài sau đó có thể sở hữu.
Hầu như các công ty internet lớn của Trung Quốc đều sử dụng cấu trúc VIE, và điều này ngày càng trở nên đáng lo ngại đối với Bắc Kinh, đặc biệt khi các công ty công nghệ đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách trong đời sống ở đại lục và kiểm soát hàng loạt dữ liệu người dùng. Cho đến nay, giới chức Trung Quốc có rất ít quyền sử dụng pháp lý để ngăn chặn việc niêm yết ở nước ngoài. Có thể thấy rõ điều này thông qua trường hợp Didi Chuxing, hoạt động IPO của công ty vẫn cứ diễn ra ở Mỹ hôm 30.6 bất chấp yêu cầu trì hoãn từ phía các cơ quan quản lý trong nước.
Phản đối Mỹ xem xét các cuộc kiểm toán
Động thái giám sát chặt chẽ hơn về quy định của Trung Quốc được thúc đẩy bởi luật pháp Mỹ. Theo Bloomberg, công ty niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ được yêu cầu cho phép thanh tra viên xem xét kiểm toán tài chính của họ. Trung Quốc từ lâu đã phản đối Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Mỹ xem xét kiểm toán của các công ty có cổ phần giao dịch ở Mỹ, với lý do vì lợi ích an ninh quốc gia.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm 6.7 cho biết, quy tắc về niêm yết ở nước ngoài sẽ được sửa đổi và các công ty niêm yết công khai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc bảo mật dữ liệu. Không những thế, cơ quan chức năng còn tăng cường việc giám sát quản lý đối với các công ty kinh doanh trên thị trường nước ngoài.
Theo nguồn thạo tin, dựa trên quy tắc sửa đổi mới, những trường hợp VIE như Alibaba nếu muốn chào bán thêm cổ phần ở nước ngoài, thì cần phải được phê duyệt bởi cơ quan chức năng trong nước. “Thỏa hiệp chính trị vốn cho phép cấu trúc VIE trở thành cách giải quyết các hạn chế sở hữu nước ngoài đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trung Quốc có thể sẽ không khuyến khích các công ty có triển vọng niêm yết ở nước ngoài”, Martin Chorzempa, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói.
Được biết, một công ty đã ngừng việc giúp hai công ty Trung Quốc sử dụng cấu trúc VIE để niêm yết ở nước ngoài sau khi giới chức quản lý khuyến cáo về quy tắc mới đang được áp dụng. Theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, có 37 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ và huy động được tổng cộng 12,9 tỉ USD trong nửa đầu năm nay.
Bình luận (0)