Ngày 13.5, ông Đoàn Thanh Lâm, đại diện Chi đội kiểm ngư 3 (TP.Đà Nẵng), cho biết trong ngày 12.5, các tàu Trung Quốc đã ngăn cản tàu của VN tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men cho các tàu làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương (HD)-981 của Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa VN.
|
Theo ông Lâm, số lượng tàu của Trung Quốc, bao gồm của tàu quân sự tăng lên từng ngày. Đặc biệt động thái mới của Trung Quốc là huy động cả tàu cá có vũ trang khi thấy sự xuất hiện của tàu cá VN trong khi đây là vùng đặc quyền kinh tế của VN và là ngư trường truyền thống của ngư dân nước ta. Mặc cho hành động xâm phạm lãnh hải VN và đe dọa bất chấp đạo lý, pháp lý của Trung Quốc, hai ngày qua đã có khoảng 30 tàu cá của ngư dân đến khu vực giàn khoan HD-981 với quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo.
“Trung Quốc lợi dụng tàu số lượng lớn, công suất cao để ép tàu chấp pháp VN, lực lượng của ta phải chia thành từng tốp áp sát giàn khoan, hết tốp này vào đến tốp kia vào chứ nếu chúng ta cứ vào từng tàu một thì Trung Quốc lợi dụng đội hình tàu lớn sẽ cô lập” - ông Lâm nói.
Ở diễn biến khác, rạng sáng cùng ngày, tàu cảnh sát biển 4033 Vùng Cảnh sát biển 2 đã đưa hơn 20 phóng viên của các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước đến khu vực giàn khoan HD-981.
Phóng viên Hoàng Sơn của Báo Thanh Niên cũng đã có mặt trên tàu để thực hiện nhiệm vụ chuyển tải những thông tin về hành động ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền VN.
Trước đó, trong chiều 12.5, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đã đến thăm và tặng 50 triệu đồng cho Chi đội kiểm ngư 3. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định sự cần thiết tăng cường phóng viên tới thực địa để phản ánh những hành động sai trái, nguy hiểm, hiếu chiến của Trung Quốc.
Kiểm ngư viên bị thương vẫn xin ở lại tàu
Trao đổi với báo chí chiều 13.5, ông Nguyễn Văn Trung, Cục phó Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT, cho biết 9 kiểm ngư viên bị thương đang được điều trị tại tàu, đều xin không về đất liền mà ở lại tàu làm nhiệm vụ. Theo ông Trung, các kiểm ngư viên đều bị thương khi tàu Trung Quốc dùng vòi phun nước công suất cao phun vào làm vỡ kính tàu. “Sắp tới, ngoài việc trang bị lại hệ thống loa, các thiết bị hư hỏng khác, lực lượng kiểm ngư cũng sẽ cử thêm cán bộ ngoại ngữ trên tàu, sử dụng tiếng Trung, tiếng Anh để phát tín hiệu cảnh báo với tàu Trung Quốc”, ông Trung khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, dù tình hình ngày càng căng thẳng, nhưng ngư dân vẫn tiếp tục bám biển, đồng hành cùng kiểm ngư bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhiều ngư dân tiếp tục khai thác đánh bắt cá ở phía nam, đông nam quần đảo Hoàng Sa, thậm chí khi đánh bắt xong còn dũng cảm đi theo tuyến hành trình vòng qua đảo Tri Tôn. Ngư dân các tỉnh miền Trung là lực lượng truyền thống tiếp tục bám biển, hiện có gần 20 tàu cá Quảng Nam tiếp cận sát giàn khoan HD-981 ở khoảng cách gần 20 hải lý. Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cũng khẳng định, đường dây nóng của Cục Kiểm ngư hằng ngày nhận được vài chục cuộc điện thoại từ ngư dân, người dân chia sẻ, động viên. “Nhiều thanh niên cũng gọi điện khẳng định sẵn sàng tham gia tiếp sức cùng lực lượng kiểm ngư”, ông Oai nói.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN phát thư kêu gọi
Trong những ngày qua, nhiều nhà thờ Công giáo đã phát thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN, đức Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM Phao - lô Bùi Văn Đọc về tình hình biển Đông. Thư kêu gọi lên án hành động Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan HD-981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại, trong đó có cả tàu quân sự vào xâm chiếm và hoạt động trái phép trong vùng biển đặc quyền và thềm lục địa của VN đồng thời yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải ngưng ngay mọi hành vi xâm lăng này. Hội đồng Giám mục VN kêu gọi mọi người tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm để góp phần nâng đỡ các ngư dân là nạn nhân của tàu Trung Quốc, các chiến sĩ cảnh sát, hải giám VN bị thương khi tham gia bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
*Sinh viên ĐHSP Huế ra tuyên bố về biển Đông: Chiều 13.5, hàng ngàn sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế đã cùng tham gia một buổi sinh hoạt chính trị và mít tinh bày tỏ những quan điểm chính thức đối với việc Trung Quốc đã đặt giàn khoan HD-981 trái phép và có những hành vi gây hấn tại vùng biển của VN. Cuối buổi mít tinh, sinh viên đã ra tuyên bố bày tỏ thái độ phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm hải phận của VN.
*Hà Nội: 16 giờ 30 ngày 13.5, khoảng 100 người dân Hà Nội đã tuần hành tự phát kéo đến trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc (số 46 Hoàng Diệu, P.Điện Biên, Q.Ba Đình, Hà Nội) căng băng rôn ghi các dòng chữ: “Đả đảo xâm lược”, “Giàn khoan Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam”, “Thay đụng độ trên biển bằng tranh tụng trước tòa án quốc tế”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”… Đồng thời, đoàn người dùng loa đồng thanh hô vang các khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động gây hấn trên biển Đông, rút giàn khoan HD-981 đang hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN. Sau khoảng 30 phút tuần hành, số lượng người gia nhập đoàn tiếp tục đông lên. Đến hơn 17 giờ, đoàn người đã tự động giải tán.
* Trao đổi với Thanh Niên chiều 13.5, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết trong sáng nay 14.5, thành viên các hội nghề cá sẽ tham gia cuộc mít tinh, đưa thông điệp phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan xâm phạm vùng biển VN, lên án hành vi cản trở ngư dân miền Trung khai thác, đánh bắt trên các ngư trường truyền thống của VN.
16 tổ chức phi chính phủ quốc tế lên án hành động làm tăng căng thẳng ở Biển Đông Các bên liên quan cần ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch tại biển Đông và chấp thuận một cơ chế quốc tế trung gian của Liên Hiệp Quốc để giải quyết vấn đề, sử dụng các biện pháp ngoại giao, hòa bình thay vì các hành động quân sự thù địch và đối đầu. Đây là thông điệp được đưa ra trong Tuyên bố chung của 16 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam về tình hình biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái pháp luật giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam. Sự kiện do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng qua 13.5 với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu. Cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước hành động leo thang của Trung Quốc, kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời ra tuyên bố đề nghị Liên Hiệp Quốc và ASEAN có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở biển đông. Trường Sơn |
Thanh Niên
>> Hàng không bị ảnh hưởng nặng do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép
>> Sở Ngoại vụ TP.HCM phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép
>> Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
>> Nhiều tiếng nói phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Tuần hành tại TP.HCM phản đối Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Trung Quốc ngang ngược mở rộng vành đai bảo vệ giàn khoan
>> Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>> Chùm ảnh mới nhất về hành động hung hăng của tàu Trung Quốc quanh giàn khoan HD-981
>> Ngư dân Quảng Trị: Giàn khoan khổng lồ hay quái vật khổng lồ gì cũng mặc
>> Vụ giàn khoan HD-981: Trung Quốc ngang ngược nói tàu Việt Nam tông tàu nước này 171 lần
Bình luận (0)