Trung Quốc cũng thiệt hại vì hạn, mặn ở 'vựa lúa' Việt Nam

Chí Nhân
Chí Nhân
07/03/2020 12:33 GMT+7

ĐBSCL đang đối mặt với tình hình hạn mặn vô cùng gay gắt, có thể vượt mức lịch sử năm 2016.

Còn nhớ vào năm 2016, đợt hạn mặn lịch sử không chỉ gây tác động trực tiếp đến sinh kế hàng triệu người dân ĐBSCL mà còn để lại hệ lụy kéo dài đến nhiều năm sau do đất đai nhiễm mặn dẫn đến năng suất và chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng. 

Nguồn nước cạn kiệt do thủy điện ở thượng nguồn

Vựa lúa, tôm, cá, rau quả của Việt Nam thất thu làm cho cuộc sống của người dân nơi đây mỗi lúc một thêm khó khăn. Trước tình cảnh đó, nhiều thanh niên trai tráng đã phải ly hương để mưu cầu sinh kế ở các thành phố lớn. Năm nay lịch sử hạn mặn lặp lại nhưng cuộc ly hương của nhiều thanh niên nông thôn ĐBSCL càng không dễ dàng bởi khắp nơi trên cả nước, ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 đang khiến hầu hết các ngành nghề đều khó khăn. 
Trong nhiều năm qua, ĐBSCL nói riêng và nông nghiệp nói chung là chỗ dựa cho nền kinh tế Việt Nam trong những lúc kinh tế khó khăn. Nhưng hạn mặn không ngừng đe dọa. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn. 
Hạn mặn ở ĐBSCL có 2 nguyên nhân chính được xác định là do biến đổi khí hậu và nguồn nước sông cạn kiệt do các đập thủy điện ở thượng nguồn - trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng nguyên nhân thứ hai đang làm trầm trọng thêm tình hình thiên tai. Đối với nguyên nhân từ thủy điện, chính Trung Quốc cũng nhiều lần thừa nhận. Cụ thể, năm 2016, Trung Quốc đã chấp nhận yêu cầu của Việt Nam và các nước trong khu vực xả nước từ các đập thủy điện thượng nguồn để cứu hạn mặn. Mới đây, tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mê Kông - Lan Thương lần thứ 5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa thông báo về việc chấp nhận xả đập thủy điện để giúp các nước lưu vực sông Mê Kông đối phó khô hạn đang diễn ra khốc liệt.
Thực thế, việc này không chỉ là "giúp" các nước lưu vực sông Mê Kông mà vì chính lợi ích của người dân Trung Quốc. Theo Bộ Công thương Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt trên 7 tỉ USD, giảm nhẹ 3,7% so với năm 2018. Đằng sau con số 7 tỉ USD đó tương ứng hàng triệu tấn gạo, hàng trăm ngàn tấn tôm, cá, rau quả… đã có mặt trên mâm cơm của nhiều người dân Trung Quốc. Nguồn lương thực này có thể nói rất quan trọng với người dân Trung Quốc. Đối với một đất nước giàu thứ 2 thế giới nhưng lại có rất nhiều người “chưa giàu” thì ý nghĩa về mặt đảm bảo an ninh lương thực vượt lên giá trị 7 tỉ USD đó rất nhiều. Nếu đặt 7 tỉ USD lương thực, thực phẩm từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại, căng thẳng thương mại với Mỹ chưa giải quyết được, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và tiềm ẩn cả nguy cơ dịch châu chấu từ phía tây nước này tràn sang… thì tầm quan trọng của khối lương thực từ Việt Nam còn giá trị hơn gấp nhiều lần. Nếu tiếp cận vấn đề như trên, có thể thấy vai trò rất quan trọng của ĐBSCL không chỉ với riêng Việt Nam mà với cả Trung Quốc.

Sông Mê Kông cạn kỷ lục tại đoạn chảy qua tỉnh Nakhon Phanom ở Thái Lan

Ảnh chụp màn hình Bangkok Post

"Vựa lúa" không chỉ nuôi người Việt

Mới đây Bangkok Post dẫn lời ông Visit Limlurcha, Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại quốc gia kiêm Chủ tịch Hiệp hội chế biến thực phẩm Thái Lan cho biết: Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trị giá 4,8 tỉ USD. Dự kiến xuất khẩu của Thái Lan vào Trung Quốc trong năm 2020 tiếp tục tăng 5%, nhưng hạn hán trên diện rộng vẫn đang là mối đe dọa.
Như vậy, trên tổng thể vùng đồng bằng Mê Kông (gồm cả Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào) mỗi năm cung cấp cho Trung Quốc ước chừng 15 tỉ USD lương thực, thực phẩm. Đây rõ ràng là con số biểu trung cho một lượng nông sản không lồ mà người dân Trung Quốc thụ hưởng từ sự phì nhiêu, thịnh vượng mà dòng Mê Kông mang lại dù cho lượng nông sản đó không được trực tiếp sản xuất ra trên lãnh thổ nước này.
Về mặt tự nhiên có thể hình dung, từ nhiều năm qua dòng Mê Kông cũng giống như một cái cây to lớn có gốc nằm trên đất Trung Quốc còn cành nhánh đã vượt ra ngoài các nước xung quanh. Cái cây này chính là nguồn sống trực tiếp của hàng trăm triệu người dân 6 nước, và nhiều nước nhập khẩu nông sản từ khu vực này. Chỉ vì không muốn "hàng xóm" cùng ăn quả ngọt mà cắt rễ, chặt nhánh bằng các đập thủy điện trên cả thượng nguồn và hạ nguồn - đầu tư xây dựng, mua điện thì chính Trung Quốc tự cắt đứt nguồn lương thực hiện có của mình. 
Xây đập thủy điện để dùng chính dòng Mê Kông khống chế các nước hạ nguồn, bắt họ phụ thuộc vào Trung Quốc - muốn có nước phải xin như phân tích trên, sẽ ảnh hưởng tới chính Trung Quốc, không chỉ riêng các nước trong lưu vực. Bởi nếu Mê Kông cạn dòng thì kịch bản ít tồi tệ nhất là Trung Quốc phải mất một lượng tiền lớn hơn nhiều lần con số 15 tỉ USD để mua được lượng lương thực tương đương năm 2019 từ vùng Mê Kông. Tệ nhất là… sẽ chẳng có lương thực để Trung Quốc nhập dù họ có thể có rất nhiều tiền.
Dân số đông là một lợi thế nhưng cũng là thách thức rất lớn cho Trung Quốc, bằng chứng ngay trước mắt là cuộc khủng hoảng thịt heo còn chưa giải quyết được với chính nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến thủy điện Luang Prabang và tất cả các thủy điện khác trên sông Mê Kông. Theo đó, các nước phải có trách nhiệm đối với việc bảo vệ nguồn nước của sông Mê Kông, việc xây dựng thủy điện trên sông phải không gây tác động tiêu cực đến các nước trong lưu vực, nhất khu vực hạ nguồn, theo thông lệ quốc tế và quy định của Ủy hội Sông Mê Kông. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mê Kông hợp tác để hài hòa lợi ích của các quốc gia và không làm tác động xấu đến dòng sông và đời sống của người dân trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.