Trung Quốc đưa chiến lược ở Biển Đông đến Himalaya

Khánh An
Khánh An
14/03/2021 13:30 GMT+7

Trung Quốc có thể đang gia tăng hiện diện dân sự để kiểm soát trên thực tế ở Himalaya nhằm phục vụ các yêu sách chủ quyền.

Theo trang The Strategist dẫn phân tích của ông Chellaney, Trung Quốc đang áp dụng tại Himalaya chiến lược như đã dùng để bành trướng ở Biển Đông, khi lấn chiếm chủ quyền dần dần trước khi xây dựng về quân sự.
Chuyên gia này cho rằng chiến lược “cắt lát”, lấn chiếm dần tỏ ra hiệu quả trên biển cũng như trên bộ, phục vụ yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

Xây dựng làng mạc

Cụ thể, Trung Quốc đang xây dựng nhiều làng mạc mới tại khu vực biên giới, nhằm mở rộng, củng cố sự kiểm soát đối với các khu vực chiến lược quan trọng mà Ấn Độ, Bhutan và Nepal tuyên bố chủ quyền.
Ý đồ chiến lược của Trung Quốc khi muốn đưa người đến những nơi hoang vắng trên là nhằm xây dựng các cơ sở quân sự mới. Những cơ sở mới có thể rất đa dạng, từ các trạm tác chiến điện tử cho đến khu vực phòng không và hầm đạn dược ngầm.
Việc xây làng quân sự hóa nổi bật trong thời điểm hàng chục ngàn binh sĩ vẫn căng thẳng với phía Ấn Độ, dù đã thỏa thuận rút quân tại một khu vực. Vụ đụng độ giữa các binh sĩ Trung Quốc với Ấn Độ vào tháng 5.2020 xảy ra sau khi Ấn Độ cáo buộc các binh sĩ Trung Quốc âm thầm chiếm một số đỉnh núi và các điểm chiến lược tại khu vực Ladakh.
Chiến lược xây các làng biên giới ở Himalaya cũng tương tự như việc tôn tạo các đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên tiến hành mà không phải nổ súng. Sự bành trướng trong chiến lược này được thực hiện dưới ngưỡng xảy ra xung đột vũ trang.
Chiến lược này pha trộn giữa các chiến thuật thông thường với việc lấn dần lãnh thổ, thao túng về tâm lý, đưa thông tin sai lệch và ngoại giao cưỡng ép.

Tư lệnh Mỹ lo ngại cán cân quân sự ở châu Á đang dần nghiêng về Trung Quốc

Tờ South China Morning Post gần đây dẫn tài liệu từ chính phủ Trung Quốc cho hay nước này dự định xây 624 ngôi làng biên giới ở khu vực Himalaya tranh chấp. Dưới danh nghĩa giảm nghèo, Trung Quốc đang đưa người đến định cư tại các ngôi làng mới trên những vùng cao và hẻo lánh.

Gây tranh chấp

Cũng theo ông Chellaney, việc tạo ra tranh chấp tại nơi chưa xảy ra tranh chấp là bước đầu tiên của Trung Quốc trong việc đưa ra yêu sách về chủ quyền, trước khi lén lút cố gắng chiếm lấy khu vực mong muốn. Trong chiến lược đó, lực lượng dân quân thường xuyên được dùng làm tiên phong.
Do đó, tương tự như khi điều các tàu cá do hải cảnh hỗ trợ đến phục vụ cho tham vọng bành trướng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc điều những người chăn thả gia súc đến vùng Himalaya để gây tranh chấp và khẳng định việc kiểm soát.
Theo luật pháp quốc tế, tuyên bố chủ quyền phải dựa trên việc thực thi chủ quyền đối với lãnh thổ một cách liên tục và ôn hòa. Cho đến nay, các yêu sách của Trung Quốc đối với nhiều khu vực ở Himalaya dựa trên phương thức “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, nhằm tìm cách thôn tính các khu vực biên giới.
Bằng cách thành lập các làng biên giới và đưa người đến, Trung Quốc sau đó có thể kích hoạt luật pháp quốc tế để hỗ trợ các yêu sách. Việc kiểm soát hiệu quả là điều kiện tiên quyết cho tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Việc tuần tra có vũ trang không có ý nghĩa về mặt này như việc đưa người đến định cư.
Các làng mạc cũng sẽ hạn chế quân đội đối phương dùng vũ lực, trong khi lại hỗ trợ công tác thu thập thông tin tình báo và các chiến dịch. Thủ đoạn lấn chiếm lãnh thổ của Trung Quốc cũng không chừa một trong những nước nhỏ nhất thế giới là Bhutan, hoặc thậm chí là Nepal, theo ông Chellaney.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.