Vẫn chưa rõ tại sao Trung Quốc giờ đây quyết định giải mật một phần dự án do quân đội tài trợ, theo đó đặt mục tiêu phát triển tàu ngầm rô bốt không người lái có thể nhận dạng, bám đuôi và tấn công tàu ngầm địch mà không cần mệnh lệnh của con người, tờ South China Morning Post đưa tin hôm 8.7.
Tuy nhiên, quyết định trên phần nào có liên quan đến căng thẳng đang leo thang tại eo biển Đài Loan trong thời gian gần đây. Các nước như Mỹ và Nhật Bản lần lượt đề cập khả năng can thiệp quân sự nếu Trung Quốc sát nhập Đài Loan bằng vũ lực.
Cuộc thử nghiệm năm 2010
Trong báo cáo về dự án trên, giáo sư Liang Guolong và các đồng sự thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân (HEU) cho hay tàu ngầm rô bốt được lập trình để tuần tra ở độ sâu 10 m cách mặt nước biển, theo hành trình đã định sẵn.
Tại một địa điểm thử nghiệm khác, các nhà nghiên cứu thả một mục tiêu mồi phát ra âm thanh của tàu ngầm. Ngay sau khi bắt được tín hiệu từ xa, tàu ngầm rô bốt lập tức chuyển sang chế độ chiến đấu và bật các thiết bị sonar để lọc âm thanh nhiễu để nhận dạng đối phương.
|
Khi xác định được mục tiêu, nó khai hỏa ngư lôi về phía về phía tàu ngầm đối thủ. Vì lý do an toàn, ngư lôi dùng trong cuộc thử nghiệm không được cài chất nổ.
Theo giáo sư Liang, các cuộc thử nghiệm trên được triển khai năm 2010, theo sau các dự án bắt đầu từ thập niên 1990. Đây là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm thực hiện vụ bám đuôi, đánh chìm một tàu ngầm mà không cần sự hiện diện của con người trong môi trường biển.
Viễn cảnh bầy tàu ngầm rô bốt
Hiện các tàu ngầm rô bốt chủ yếu hoạt động độc lập, nhưng nếu tiếp tục nâng cấp, chúng có thể phối hợp tác chiến theo bầy, theo các nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó, một phiên bản của tàu ngầm có thể được neo vào thềm biển và kích hoạt vào thời điểm bùng nổ xung đột hoặc chiến tranh.
“Nhu cầu chuẩn bị cho chiến tranh trong lòng biển tương lai đã mang đến những cơ hội mới trong việc chế tạo các nền tảng không người lái", theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Dù nhóm chuyên gia Trung Quốc không cung cấp vị trí thử nghiệm tàu ngầm rô bốt không người lái, nhưng dựa trên bản đồ mà họ cung cấp, vị trí thả thiết bị được cho là ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, gần hoặc thậm chí nằm trong eo biển Đài Loan.
HEU là viện nghiên cứu công nghệ tàu ngầm hàng đầu của Trung Quốc, và báo cáo được đăng trên chuyên san của trường đại học là Journal of Harbin Engineering University.
Bình luận (0)