(TNO) Trung Quốc đóng góp khoảng 30 tỉ USD trong số 100 tỉ USD vốn cơ bản của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB), tại .
Bộ trưởng Ngân khố Úc Joe Hockey trong buổi lễ ký kết gia nhập AIIB tại tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29.6.2015 - Ảnh: AFP
|
Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời những nguồn tin từ AIIB cho biết Trung Quốc đóng góp khoảng 30 tỉ USD trong số 100 tỉ USD vốn cơ bản của AIIB, điều này giúp Bắc Kinh nắm khoảng 25-30% tổng số phiếu, đủ để phủ quyết bất cứ quyết định nào liên quan các khoản vay, tăng vốn và các vấn đề quan trọng khác đòi hỏi ít nhất 75% số phiếu hay sự tán thành của cổ đông lớn.
Ngày 29.6, tại Bắc Kinh, đại diện của 50 quốc gia thành viên sáng lập đã ký kết thỏa thuận chính thức gia nhập AIIB. Úc trở thành quốc gia đầu tiên ký kết thỏa thuận trong buổi lễ tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, theo sau là lãnh đạo của 49 quốc gia, theo AFP.
AFP cho biết 7 quốc gia khác dự kiến tiến hành lễ ký kết tương tự vào cuối năm 2015. Bộ Tài chính Trung Quốc hồi tháng 4.2015 tuyên bố có 57 quốc gia được phê chuẩn là thành viên sáng lập AIIB. AIIB, sẽ cho các quốc gia vay hàng tỉ USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.
AIIB “sẽ cung cấp cơ những cơ hội mới cho các doanh nghiệp của chúng tôi, đồng thời xúc tiến phát triển bền vững ở châu Á”, Quốc vụ khanh phụ trách tài chính và giao thông của Singapore, bà Josephine Teo, người đại diện cho Singapore trong buổi lễ ký kết, cho biết.
Ngân hàng này được xem là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đồng thời là đối thủ của Mỹ và Nhật Bản. Mỹ, nền kinh tế đứng đầu thế giới và Nhật Bản là nền kinh tế thứ ba thế giới, từ chối gia nhập AIIB.
Washington cũng đã nỗ lực vận động các đồng minh của nước này không gia nhập AIIB, nhưng các quốc gia châu Âu bao gồm Anh, Pháp và Đức tham gia buổi ký kết vì họ muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và lãnh đạo trên thế giới lo ngại về sự minh bạch của AIIB và Trung Quốc, một cường quốc đang trỗi dậy, có thể dùng ngân hàng này để đạt được những lợi ích riêng về kinh tế và địa chính trị.
Bình luận (0)