|
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa bất ngờ hạ lãi suất lần đầu tiên sau 2 năm. Theo đó, lãi suất tiêu chuẩn đối với các khoản tiền gửi đã giảm 25 điểm cơ sở và lãi suất cho vay giảm 40 điểm cơ sở (1 điểm cơ sở được tính bằng 0,01% lãi suất ). Khoản giảm này sẽ áp dụng trong một năm tính từ ngày 22.11.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh lãi suất tiêu chuẩn kể từ tháng 7.2012. Theo thông tin trên website của ngân hàng này, sau khi cắt giảm, lãi suất tiền gửi một năm là 2,75%, trong khi lãi suất cho vay là 5,6%, theo Tân Hoa Xã.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực từ việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng chậm trong quý 3 vừa qua (7,3%) so với hai quý trước (lần lượt là 7,5% và 7,4%). đồng thời con số này đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý 1 năm 2009 (6,6%), theo Reuters.
Ngoài ra, theo Tổng cục thống kê Trung Quốc, các số liệu về đầu tư vào tài sản cố định, lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2014 cũng thấp hơn so với mức dự báo. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể thực hiện được mục tiêu giữ tăng trưởng ở khoảng 7,5% trong năm nay.
Thêm vào đó, áp lực nguy cơ giảm phát và khả năng yếu đi về chi phí tài chính của một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải.
|
Giảm lãi suất là công cụ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cả về cung và cầu. Khi giảm lãi suất cơ bản thì lãi suất thị trường và chi phí đi vay cũng giảm theo. Điều này có thể giúp giải quyết vấn đề cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, tăng tổng cung cho nền kinh tế. Điều này dẫn tới xu hướng hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá ở cả thị trường nội địa và thị trường nước ngoài.
Ngoài ra giảm lãi suất sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, làm tăng tổng cầu. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, khi lãi suất hạ, thị trường đầu tư ở Trung Quốc có khả năng sẽ kém hấp dẫn hơn, đồng nhân dân tệ sẽ mất giá.
Đối với Việt Nam, thực tế là nước đang nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Trung Quốc. Cán cân thương mại hai nước đang chênh lệch khi mà xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong khi nhập khẩu ngày càng tăng.
Điều này càng trở nên đáng lo ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. Bởi như những phân tích ở trên, khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng sản xuất, hàng hóa Trung Quốc sẽ nhiều và cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc càng khó khăn. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc xuất sang thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.
Ngọc Mai
>> Ngân hàng Trung Quốc giúp Iran 'đi cửa sau
>> Ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc rửa tiền
>> Ngân hàng Trung Quốc cung cấp tài chính cho VietJetAir
>> Ngân hàng Trung Quốc chặn giao dịch của Triều Tiên
>> Nhiều ngân hàng Trung Quốc rút khỏi hội nghị IMF tại Nhật
Bình luận (0)